Tin tức thủy sản

Nông dân nuôi cá tra cũng bỏ Global GAP

Thứ ba, 18/11/2014 06:34 lượt xem: 542
Chuyện mới xảy ra ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, dù đây là những hộ nông dân đầu tiên trên cả nước được cấp chứng nhận này.

Ngân sách tỉnh bỏ ra hơn 7 tỉ đồng, phải mất đến hai năm triển khai thực hiện ... Thế nhưng, khi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho quy trình nuôi cá tra chưa ráo mực, những nông dân ở Trà Vinh đã phải nói lời chia tay với dự án.

Chuyện mới xảy ra ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, dù đây là những hộ nông dân đầu tiên trên cả nước được cấp chứng nhận này.

 

Từ giã GlobalGAP

Cầm trên tay giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, ông Giảng Văn Bảy, nông dân ấp Nhơn Hòa, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, buồn rầu nói: “Thật quá thất vọng, gia đình tui cực khổ lắm, tâm huyết lắm mới “đeo” được dự án này. Nhưng sau khi được chứng nhận, tưởng sẽ bán được giá cao, doanh nghiệp đến săn hàng... Không ngờ mình bán sản phẩm sạch thì nhà máy không mua, bán cho thương lái họ nói “GAP” hay không “GAP” cũng bằng giá”.

Vẫn theo ông Bảy, khi triển khai dự án (tháng 7/2010) có hàng trăm hộ dân đăng ký tham gia, sau khi sàng lọc kỹ lưỡng, cuối cùng còn lại 33 hộ. Tháng 9-2012, Hiệp hội Thủy sản Trà Vinh và Tổ chức PATR-TV (dự án giảm nghèo các vùng nông thôn tại tỉnh Trà Vinh) được các nhà tài trợ gồm Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Quỹ sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), Quỹ đời sống hoang dã thế giới (WWF), Tổ chức GlobalGAP... triển khai thực hiện dự án. Sau khi rà soát lại nhiều lần, cuối cùng còn lại bốn hộ đủ tiêu chuẩn thực hiện dự án.

Đến tháng 4/2014, những hộ nông dân nuôi cá tra này nhận được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, có giá trị một năm. Tưởng có giấy chứng nhận, cá tra sẽ bán được giá cao, có lời.

Tuy nhiên, hồi tháng 6/2014, khi cá tra đến kỳ thu hoạch, nông dân gọi điện cho hai công ty có ký cam kết lúc triển khai chương trình họ bảo do khó khăn về đầu ra nên họ không mua, đành phải bán cho thương lái với giá bằng với phương thức nuôi truyền thống.

Ông Nguyễn Ru Be, cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện Tiểu Cần - người đã theo sát dự án này từ khi triển khai, chia sẻ: phần lớn nông dân tham gia dự án đều hi vọng tìm được lối thoát ở đầu ra sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có ranh giới rõ ràng giữa sản phẩm nuôi truyền thống với sản phẩm nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Từ đó khi thu hoạch, thương lái mua đồng giá, nông dân không có lời nên họ không mặn với dự án. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì nông dân bỏ GlobalGAP là tất yếu, không thể trách họ được.

 

Không tiếp tục duy trì là lãng phí

Theo giấy chứng nhận của Tổ chức GlobalGAP, phải đến ngày 15/4/2015, giấy chứng nhận của bốn nông dân ở tỉnh Trà Vinh mới hết hạn. Tuy nhiên ngoài hộ ông Giảng Thanh Sơn đã bán xong số cá của mình, ba hộ khác đang nuôi nhưng cũng rơi vào tâm trạng lo lắng.

Ông Lê Văn Thắng, nông dân cùng tham gia chương trình với ông Bảy, cho biết phải tốn rất nhiều tiền để đầu tư các hạng mục theo đúng quy chuẩn yêu cầu, mất nhiều thời gian cho việc ghi chép nhật ký, chấp nhận thả nuôi với mật độ ít hơn và sản lượng chắc chắn sẽ thấp hơn... nhưng bây giờ đầu ra cũng rất mù mờ.

Dự kiến khoảng tháng 2/2015 ông Thắng mới thu hoạch cá. Rút kinh nghiệm từ trường hợp của ông Bảy, ông Thắng đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp để chào hàng nhưng tìm mãi cũng chưa thấy doanh nghiệp nào đến đặt mua nên cũng đang lo.

“Khoảng tháng 2 đến tháng 3/2015 tui sẽ thu hoạch cá, đến tháng 4-2015 giấy chứng nhận đạt chuẩn sẽ hết hạn. Nếu không bán được giá cao hơn những hộ nuôi truyền thống, chắc chắn tui sẽ nghỉ chơi GlobalGAP” - ông Thắng nói.

Mặc dù chưa hài lòng ở khâu đầu ra, nhưng ông Giảng Văn Bảy cho rằng cái được lớn nhất của chương trình là ý thức quản lý của người nuôi được nâng cao. Năng suất tuy có thấp hơn nhưng người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm sạch. Môi trường xung quanh được cải thiện tốt hơn rất nhiều.

“Quan điểm của tui là thấy khó đến đâu thì gỡ đến đó. Chương trình này hiện chỉ còn vướng ở đầu ra. Nếu nông dân nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn người nuôi truyền thống, đảm bảo sao cho chúng tôi có lời từ 2.000 - 3.000 đồng/kg thì tui tin chắc chẳng bao lâu người nuôi nào cũng đều xin tham gia chương trình. Còn nếu chương trình được triển khai đến đây rồi dừng lại thật quá lãng phí”- ông Bảy khẳng định.

Đánh giá về chương trình này, ông Trương Thế Vân, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Trà Vinh, cho rằng đây là mô hình nông dân nuôi cá tra nhỏ lẻ đầu tiên trên cả nước đạt được tiêu chuẩn GlobalGAP.

Điều đó chứng tỏ nông dân có năng lực thực hiện để đạt những tiêu chuẩn của thế giới, đáp ứng xu hướng sản xuất sạch cho sản phẩm cá tra trong tương lai.

“Thế nhưng cũng vì không đảm bảo đầu ra sản phẩm cá tra sạch cho nông dân nên họ không còn mặn mà, bỏ luôn việc thực hiện theo quy trình GlobalGAP. Biết đây là một điều hết sức đáng tiếc nhưng hiệp hội cũng không làm gì được nhằm cứu vãn tình hình” - ông Vân nói.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện