Ngư dân đánh bắt đàn cá tập trung ở vùng biển tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, sau khi đánh bắt đạt sản lượng, ngư dân chạy thuyền vô khu vực gần nhất để bán cá, mỗi giỏ cá cơm tươi giá dao động từ 220.000 - 230.000 đồng.
Dọc theo bờ kè ven biển của xã Phước Diêm và Cảng mở rộng Cà Ná, chúng tôi nhận thấy các thuyền công suất lớn chở cá đầy khoang, mỗi thuyền khai thác ít nhất cũng được 300 giỏ cá, nhiều nhất 700 giỏ cá. Ngư dân khẩn trương vận chuyển cá lên bờ. Hoạt động mua bán hải sản trong những ngày đầu xuân trở nên nhộn nhịp, tấp nập giữa chủ thuyền và thương lái. Đối với khai thác mực nhỏ, gọi là “mực bọt”, ngư dân dùng ghe nhỏ có chiều dài khoảng 9 - 10 m, dùng lưới mành mực đánh bắt gần bờ, chi phí mỗi chuyến đi đánh bắt mực khoảng 1 triệu đồng. Sau chuyến biển, mỗi ghe đánh bắt được ít nhất 2- 5 tạ mực, riêng những ghe lớn ở Bình Định đến Ninh Thuận đánh bắt, họ dùng mành chụp để khai thác, mỗi chiếc khai thác ít nhất gần 1 tấn mực, giá mỗi kg mực nhỏ tươi dao động 50.000 - 60.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh thu mua hải sản ở Lạc Tân 1, Phước Diêm, Thuận Nam cho biết, không ngờ đầu năm lại có nhiều mực như thế, những ngày cận tết, giá mực bọt dao động từ 100.000 - 110.000 đồng vì “khan hàng”, nhu cầu tiêu thụ mạnh, nay giảm nhiều chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng, do giá mực bọt rẻ nên chị mua về phơi khô 1 nắng để bán lẻ. Chị cho biết thêm, cứ mỗi 10 kg mực tươi phơi khô còn 3 kg, lời được 100.000 đồng góp phần tạo thêm thu nhập gia đình.
Sau chuyến ra khơi đầu năm nhờ biển thuận gió hòa, đầy phấn khởi, ngư dân địa phương tiếp tục khẩn trương vận chuyển các thiết bị như máy bộ đàm, tầm ngư, máy dò ngang… và ngư lưới cụ phục vụ khai thác như dầu, giỏ chứa cá, chá đèn pha, nước đá cây xây, lưới, thức ăn, nước uống… chuẩn bị ra khơi, quyết tâm đánh bắt hải sản đạt sản lượng cao.