Năm 2013 là một năm thành công lớn đối với người nuôi tôm ở Việt Nam, mặc dù tình hình dịch bệnh EMS trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Một số điểm nổi bật của ngành:
Chất lượng tôm là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của vụ nuôi. Ảnh: tepbac.com
1. Giá tôm cao ở mức kỷ lục
Góp thành công lớn vào vụ tôm 2013 là giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng luôn nằm ở mức cao, liên tục phá vỡ kỷ lục về giá. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau hiện tại tôm sú loại 40 con/kg có giá 215.000đ/kg, loại 20 con/kg giá 310.000đ/kg; trong khi đó tôm thẻ loại 60 con/kg giá 166.000đ/kg, loại 100 con/kg có giá 124.000đ/kg.
Dịch bệnh EMS tràn lan khắp thế giới là nguyên nhân làm cho lượng cung tôm trên thế giới giảm mạnh, người nuôi tôm Việt Nam hưởng lợi do dịch bệnh EMS bùng phát sớm hơn các nước, đến năm 2013 thì sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã giảm đáng kể.
2. Tìm ra nguyên nhân gây bệnh hội chứng tôm chết sớm
EMS bùng phát mạnh trên toàn cầu. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh vẫn là một ẩn số cho đến khi Tiến sĩ trẻ Trần Hữu Lộc dưới sự hướng dẫn của G.S Dr. Linghtner Đại học Arizona (Mỹ) công bố công trình nghiên cứu xác định nguyên nhân gây Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS). Dr. Lighter cho biết, thủ phạm gây ra EMS là do một chủng của loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong vùng nước lợ ven biển trên toàn cầu, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Tín hiệu này đem lại niềm vui lớn cho người nuôi tôm Việt Nam và giới khoa học khắp thế giới.
Mặc dù đã xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng vẫn chưa có biện pháp phòng trị thực sự hiệu quả nên trước mắt để phòng bệnh vẫn là khuyến cáo chung của chuyên gia nhằm giảm rủi ro sớm nhất có thể.
3. Sản lượng và diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng mạnh
Rủi ro về dịch bệnh và giá tôm tăng là cơ sở đưa người nuôi đến với tôm thẻ chân trắng giúp xoay vốn nhanh và đảm bảo mức lời lớn.
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2013 đạt hơn 66 nghìn ha, tăng 57,9% về so với năm 2012, sản lượng đạt 280 nghìn tấn, tăng 50,5%. Không chỉ dừng lại ở đó về diện tích tôm thẻ chân trắng còn “lấn sân” tôm sú vào cả hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Nhiều hộ dân tại các xã thuộc vùng quy hoạch ngọt hóa đang đào ao, khoan giếng để lấy nước mặn nuôi tôm, bất chấp nguy cơ nhiễm mặn cho cây trồng và dịch bệnh bùng phát trên tôm.
4. Tồn dư Ethoxyquin
Đầu năm 2013, ngành chế biến tôm gặp khó khăn khi đối mặt với rào cản tồn dư dư lượng Ethoxyquin - chất chống oxy hóa sử dụng trong thức ăn nuôi tôm, nhiều lô hàng được trả về và kiểm tra 100% lô hàng tôm của Việt Nam. Với sự nỗ lực của nhà nước và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam trong kiểm soát dư lượng Ethoxyquin từ 0,01ppm lên 0,2 ppm trong tôm xuất khẩu đã tạo chuyển biến tích cực giúp con tôm Việt Nam xâm nhập thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng.
5. Thương lái Trung Quốc thu gom tôm nguyên liệu
Từ sự thiếu hụt mạnh tôm nguyên liệu, thương lái Trung Quốc gây xáo trộn thị trường khi bằng cách tận thu tôm với giá cao hơn doanh nghiệp trong nước từ 15-20% làm cho các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất phải nâng giá thu mua nhằm đảm bảo nguồn cung đúng thời hạn hợp đồng với nhà nhập khẩu. Thêm vào đó, không kiểm soát được chất lượng tôm nguyên liệu làm làm ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm Việt Nam.
6. Dịch bệnh tôm vẫn chưa được giải quyết
Vụ tôm năm 2013 cơ bản thành công nhưng dịch bệnh trên tôm vẫn đang diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Theo Cục Thú y, trong 10 tháng đầu năm 2013 dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã xuất hiện tại 192 xã của 57 huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 5.705 ha (bằng 53,6% so với cùng kỳ năm 2012), gồm 2.423 ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 3.238 ha nuôi tôm sú. So với 10 tháng đầu năm 2012, bệnh hoại tử gan tụy cấp diễn ra trên tôm tại nhiều địa phương hơn, nhưng diện tích bị bệnh lại thấp hơn, ước tính chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm 2012.
7. Chất lượng tôm giống vẫn đáng lo ngại nhất
Sau vụ tôm thất bại năm 2012, người nuôi tôm chú trọng nhiều hơn đến chất lượng tôm, đặc biệt là sau những vụ bê bối của các công ty tôm giống.
Hiện tại ở nước ta, tôm thẻ chân trắng bố mẹ vẫn chưa được chủ động. Một số doanh nghiệp đã có những thành công bước đầu trong gia hóa tôm bố mẹ và lộ trình theo hướng tự sản xuất tôm bố mẹ trong nước, nhưng chủ yếu vẫn nhập tôm từ nước ngoài. Bên cạnh đó, sự yếu kém trong quản lý làm nảy sinh nhiều vấn đề trong sản xuất giống tôm là nguyên nhân gây thất thoát lớn cho ngành.
Để đảm bảo được nguồn tôm bố mẹ đạt chất lượng, vừa qua đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) vừa kết thúc đợt kiểm tra “Truy xuất nguồn gốc tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại Thái Lan, Singapore, Indonesia” nhằm siết chặt công tác quản lý nguồn tôm giống nhập khẩu hiện nay. Kết thúc chuyến thanh tra, các công ty đảm bảo đủ điều kiện nhập tôm bố mẹ bao gồm: Công ty CP và Công ty SyAqua từ Thái Lan; từ Singapore: Công ty SIS; từ Indonesia: Công ty Global Gen (Bitit Unggul), Công ty Prima Gen. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng đã thiết lập đường dây nóng với các nước sản xuất tôm bố mẹ như Thái Lan, Singapore, Indonesia để kiểm soát nguồn tôm bố mẹ trước khi nhập vào Việt Nam.
Nhìn chung, năm 2013 tôm thẻ chân trắng đem lại lợi nhuận lớn, đóng góp đáng kể vào sự thành công của ngành. Theo chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản, người nuôi cần duy trì diện tích và sản lượng tôm sú vì đây là ưu thế của ngành tôm Việt Nam, tránh tình trạng nuôi tôm thẻ ồ ạt sẽ dẫn tới được mùa mất giá làm phá vỡ cung cầu.