Nghề làm khô cá bổi ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Những năm gần đây, diện tích nuôi cá bổi ở tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Trần Văn Thời nói riêng, không ngừng tăng lên. Ðến nay, toàn huyện Trần Văn Thời có hơn 210 ha ao đầm nuôi cá bổi công nghiệp, sản lượng ước đạt hơn 4.000 tấn. Với sản lượng này, nông dân sẽ sản xuất được gần 2.000 tấn cá khô bổi thành phẩm. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được người dân đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” còn rất thấp, chưa tới 100 tấn/năm.
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời (là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh”), hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 42 cơ sở làm nghề sản xuất cá khô bổi nhưng chỉ có 2 cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu, gồm: cơ sở Ba Ðức ở Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời; cơ sở Tư Hùng ở Ấp 3, xã Trần Hợi; các cơ sở còn lại chưa đăng ký sử dụng nhãn hiệu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết, từ khi được cấp nhãn hiệu đến nay, nhìn chung giá trị sản phẩm cá khô bổi được nâng lên đáng kể. Ví dụ, đối với sản phẩm cá khô bổi không có sử dụng nhãn hiệu thì thấp hơn so với sản phẩm có gắn nhãn hiệu từ 40.000-50.000 đồng/kg.
Thời gian qua, Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất làm thủ tục đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” và hỗ trợ kỹ thuật, máy móc để người dân thực hiện đúng các quy trình, kỹ thuật. Nhưng do nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu tập thể này nên chưa tham gia đăng ký sử dụng. Chính từ sự thiếu quan tâm đã làm cho nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” chưa được người tiêu dùng ngoài tỉnh biết đến và chưa phát huy được thương hiệu.
Ðã qua, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” và nhập cá bổi tươi từ các tỉnh vùng trên về để làm khô nên đã vô tình đánh mất thương hiệu.
Ông Trần Văn Khoa, ở Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, nói: "Con cá vùng trên đem về đây mà lấy thương hiệu con cá U Minh, Cà Mau, tôi thấy làm như vậy là không đúng. Như vậy sẽ làm mất thương hiệu con cá của Cà Mau. Vì thế bà con ở đây rất bức xúc với tình trạng con cá vùng trên đổ về đây nhiều.
Ông Nguyễn Chí Thanh, ở Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, cho biết: "Tiếng là con cá U Minh, nhưng cuối cùng toàn là cá vùng trên chuyển xuống. Cá ở đây không gắn nhãn hiệu bao nhiêu".
Ông Lê Minh Ðức, chủ cơ sở sản xuất cá khô bổi Ba Ðức, ở Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, chia sẻ: "Mình đã được gắn nhãn hiệu cá khô bổi U Minh thì dĩ nhiên mình không có quyền mua cá bổi Cần Thơ về làm khô. Mình phải làm sao cho chất lượng con cá ngày càng cao hơn để người tiêu dùng lựa chọn. Nếu cá bổi Cần Thơ nhập về liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu con cá Cà Mau của mình".
Theo quy định, một sản phẩm muốn được công nhận nhãn hiệu phải đáp ứng 3 yếu tố. Ðối với nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh” thì nguồn gốc xuất xứ phải là của huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Vì vậy, nếu người dân nhập cá bổi tươi từ nơi khác về để làm khô là không đúng nguồn gốc xuất xứ, đó là chưa kể đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo và gây khó khăn cho những hộ làm nghề nuôi cá bổi ở địa phương.
Một sản phẩm muốn được công nhận nhãn hiệu phải trải qua một quá trình dài, tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí. Nhưng từ khi được các ngành chức năng công nhận nhãn hiệu tập thể đến nay, người dân vẫn chưa thật sự quan tâm.
Ông Lê Minh Ðức kiến nghị: "Các ngành địa phương cần làm thế nào để người sản xuất gắn nhãn hiệu "Cá khô bổi U Minh" cho sản phẩm của mình, đồng thời tuyên truyền, tuyệt đối không mua cá bổi Cần Thơ, nếu mua cá bổi Cần Thơ mà Ban Quản lý nhãn hiệu biết thì sẽ bị rút thương hiệu lại"./.
Anh Quốc
Quảng cáo: cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia giá 5.500đ/kg (đạm:50%) , bột đầu tôm giá 7.500đ/kg (đạm 35%, tro < 25%), cám bắp 5.000đ/kg (tro <5%) , bột cá 50% (đạm 50%, tro <21%) giá 14.000đ, Liên hệ 08.6260 0412