Nghệ An được nói đến là địa phương có tiềm năng về kinh tế biển với bờ biển dài 82 km, diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch (Cửa Hội, Cửa Lò, lạch Vạn, lạch Thơi, lạch Quèn, lạch Cờn). Ngoài ra, dọc bờ biển có 3.500 ha diện tích mặt nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hiện vẫn chưa tương xứng với vị trí là “mặt hàng xuất khẩu chủ lực” và tiềm năng của tỉnh; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và thị trường.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 22 triệu USD. Năm 2014, kim ngạch mặt hàng này giảm mạnh, chỉ đạt 10 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 7 triệu USD (với hơn 4.000 tấn sản lượng), trong đó, Công ty TNHH CBPP thủy sản Xuri Việt Trung với gần 6 triệu USD, số ít còn lại do doanh nghiệp Phương Mai (Hoàng Mai) thực hiện.
Anh Võ Minh Tuấn - Phó phòng quản lý XNK, Sở Công thương, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, nhu cầu thị trường thế giới tương đối cao và ổn định là những lợi thế cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Thế nhưng, thực tế giá trị xuất khẩu mặt hàng này rất khiêm tốn, thiếu ổn định; sản phẩm đơn điệu. Hệ thống quản lý chất lượng và việc đầu tư cho bao bì, đăng ký nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa còn yếu kém. Các sản phẩm chế biến đa số có giá trị kinh tế thấp, chưa có những mặt hàng, thương hiệu có giá trị cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần- Diễn Ngọc- huyện Diễn Châu, với thương hiệu nước mắm Vạn Phần đã được khẳng định tại thị trường, sản phẩm tiêu thụ mỗi năm trên dưới 2 triệu lít nước mắm nhưng nhìn chung mẫu mã bao bì chưa phong phú nên xuất khẩu vẫn là bài toán khó. Năm 2012, lần đầu tiên ở Nghệ An, lô hàng nước mắm Vạn Phần với số lượng 1.800 lít đã được xuất sang thị trường Malaysia nhưng cho đến nay, “kỳ tích” này vẫn chưa được lập lại.
Ông Võ Văn Đại - giám đốc công ty cho biết, bên cạnh thị trường trong nước, chúng tôi có định hướng tập trung cho xuất khẩu tuy nhiên không dễ. Để xuất khẩu được nước mắm ra thị trường nước ngoài, ngoài đòi hỏi nghiêm ngặt về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, nước mắm phải ngon, thơm, đạt chất lượng cao, độ đạm theo quy định. Do đó, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, hiện nay Công ty đang đầu tư trên dưới 500 triệu đồng để lắp đặt dây chuyền đóng gói.
Thực tế hàng thủy sản của tỉnh chưa xuất sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật… bởi các thị trường này yêu cầu khắt khe trong kiểm soát dư lượng hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật bảo quản,...trong khi đó doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản đều là doanh nghiệp nhỏ, máy móc thiết bị sản xuất và chế biến, bảo quản còn yếu kém. Cũng chính vì thế, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản chính ngạch tại Nghệ An rất ít, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH CBPP Xuri Việt Trung và Công ty TNHH Phương Mai có hàng xuất khẩu.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh có 2 công ty chế biến thủy sản đông lạnh có quy mô lớn là Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Nghệ An II công suất 8 - 10 tấn sản phẩm/ngày, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ,…. và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Nghệ An công suất 5 - 6 tấn/ngày nhưng hiện nay, công ty CP XNK thủy sản Nghệ An đã giải thể, công ty CP XNK thủy sản Nghệ An II hoạt động trong tình trạng khó khăn.
Cuối năm 2013, Tập đoàn Royal Foods Thái Lan đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến cá hộp (Royal Foods Nghệ An) với 2 dây chuyền sản xuất có công suất trên 100 tấn cá/ngày. Xuất khẩu thủy sản của tỉnh đang kỳ vọng vào dự án này nhưng hiện nay chủ đầu tư đang triển khai các hạng mục công trình theo đăng ký đầu tư, chưa có sản phẩm ra thị trường.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, nguồn nguyên liệu thủy sản trong tỉnh còn manh mún, không đủ đáp ứng những đơn hàng lớn; Chủng loại thủy sản xuất khẩu chính ngạch còn đơn điệu. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Thái - Giám đốc công ty TNHH CBPP Xuri Việt Trung chia sẻ: Sản phẩm của doanh nghiệp là bột cá xuất sang thị trường Trung Quốc. 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đạt 6 triệu USD. Năm 2014, kim ngạch đạt 10 triệu USD, phấn đấu đạt 15 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là thiếu nguồn hàng cho chế biến xuất khẩu. Nguyên liệu chủ yếu là các loại cá tạp, cá trích, cá cơm, cá đốm nhưng nhiều thời điểm trên địa bàn không đủ để chế biến, phải thu gom từ Quảng Bình, Hà Tĩnh. “Đầu ra không khó, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết nhưng vấn đề là thiếu nguyên liệu. Chẳng hạn hiện tại chúng tôi đang phải ngừng sản xuất vì không có cá” - Ông Thái nói.
Ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nghệ An cho biết: Doanh nghiệp “kêu” thiếu đơn hàng nhưng khi có đơn hàng thì không thực hiện được. Chúng tôi từng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại sang Malaysia, Singapore thì tất cả các doanh nghiệp được kết nối đều không mặn mà với lý do không có hàng, không đủ lượng và không đáp ứng được trong khâu bảo quản... Trên địa bàn thiếu doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu bài bản, hầu hết có đơn hàng mới thu mua chứ chưa chủ động khảo sát nhu cầu thị trường để định hướng kinh doanh một cách dài hơi. Mặt khác, doanh nghiệp của tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu cho thị trường lớn nên xuất khẩu chính ngạch của tỉnh chủ yếu vẫn là bột cá dùng cho chăn nuôi gia súc. Một lượng hải sản, phần lớn là đặc sản (cá chim trắng, tôm, cua…) lại được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Hiện nay các quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã được xây dựng và phê duyệt. Tỉnh cũng đã có chủ trương tập trung đầu tư vào một số sản phẩm xuất khẩu thông qua một số chương trình, đề án phục vụ xuất khẩu như nuôi ngao bãi triều, nuôi tôm, cá rô phi nhưng những sản phẩm này vẫn còn thiếu vắng trong danh sách xuất khẩu của tỉnh. Trong số kim ngạch đạt được của 5 tháng đầu năm 2015 chủ yếu là bột cá; thủy hải sản của Nghệ An hiện chỉ mới được xuất qua số ít thị trường như Trung Quốc, Lào, Malaysia.
Những năm qua, nuôi trồng thủy sản đã trở thành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, thu hút nhiều người tham gia nuôi trồng, sản xuất tại các huyện, thị xã vùng ven biển. Chất lượng, hiệu quả nuôi trồng và khai thác thủy sản ngày càng tăng; hình thức nuôi và đối tượng nuôi ngày càng đa dạng. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm có sự tăng trưởng khá nhưng kim ngạch xuất khẩu thì nhỏ giọt. Theo kế hoạch, năm 2015 xuất khẩu được 1.500 tấn thuỷ sản các loại, đạt kim ngạch 15 triệu USD. Đây không phải là mục tiêu khó đạt nhưng để phát huy hết tiềm năng lợi thế, phát triển bền vững ngành chế biến nuôi trồng thủy hải sản đòi hỏi giải pháp đồng bộ từ khâu nuôi trồng, khai thác tạo nguồn nguyên liệu, chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm, tìm kiếm thị trường, sự gắn kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và bà con nuôi trồng, khai thác. Ngành công thương, ngành thủy sản phải tính chuyện “đường dài”; xác định rõ ràng những nhóm thủy sản xuất khẩu cụ thể, để từ đó có kế hoạch, chiến lược phát triển và đầu tư tập trung, tránh dàn trải, manh mún.