Hoạt động này nhằm kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2015), khởi đầu Lễ hội ra quân đầu năm của ngành thủy sản An Giang và hưởng ứng chủ đề “Cùng chung tay bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, tái tạo các giống loài thủy sản tự nhiên”. Mặt khác, đây cũng là hoạt động hết sức thiết thực thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; cải thiện môi trường, hệ sinh thái góp phần tạo đa dạng sinh học với nhiều giống loài quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học cao trên địa bàn tỉnh An Giang.
Ngay sau lễ phát động, Ban tổ chức đã thả 20.913 kg cá giống và 836.520 con cá thịt, gồm các loại như: cá hô, tra, rô phi, điêu hồng, trôi, mè Vinh, chép bản địa; với tổng kinh phí tới hơn 569 triệu đồng từ sự hưởng ứng, chung tay góp sức của các đơn vị, cá nhân trong tỉnh. Điều đáng lưu ý, ngoài việc chú trọng số lượng, Ban tổ chức còn tập trung vào chất lượng con giống, ưu tiên thả cá có kích cỡ phù hợp để nâng cao tỷ lệ sống sau khi thả.
Bên cạnh hoạt động thả cá, Ban tổ chức còn kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền bằng tranh ảnh, tờ rơi, poster về một số loài cá quý hiếm không được phép khai thác để giúp ngư dân, người kinh doanh và nhân dân ý thức trong khai thác, mua bán và tiêu dùng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá cao sự đồng thuận của các cấp, các ngành trong tỉnh cũng như sự hưởng ứng nhiệt tình, ủng hộ kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, sự tham gia của các toàn thể nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như quan tâm đến hoạt động thả cá đầy ý nghĩ nhân văn này.
Nhân dịp này, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam tặng Bằng khen cho 8 tập thể; Sở NN&PTNT tặng giấy khen cho 8 tập thể và 9 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2014.