Nhân dịp này, NNVN trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Tài (ảnh) - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam..
Tôi cũng chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về các điều khoản trong TPP, song trong các nước tham gia TPP chỉ có Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước SX chè. Nhưng Nhật Bản vẫn có nhu cầu NK chè rất lớn để phục vụ nội địa và XK sang nước thứ 3. Người Nhật coi chè là một loại thực phẩm chức năng cho mọi lứa tuổi. Như vậy, chè Việt Nam sẽ có thị trường rộng mở. Các DN chè chỉ cần thay đổi loại hình đóng gói, từ bao to là tư liệu SX sang bao nhỏ là tư liệu tiêu dùng và nếu thiết lập được các kênh phân phối đến người tiêu dùng chè Việt Nam sẽ ngay lập tức được hưởng lợi kép cả về giá bán và thương hiệu. Lâu nay, chè Việt Nam XK chủ yếu ở dạng thô đóng bao to từ 30 - 60 kg, dưới dạng nguyên liệu để các nhà NK cung ứng cho nhà đóng gói. Sau đó, các nhà đóng gói tổ chức đóng gói hoặc đấu trộn với chè NK từ các nước khác để đóng thành bao gói nhỏ (dưới 3kg), hoặc chiết xuất lấy các hợp chất hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người để đóng gói, đóng lon, đóng chai… mang thương hiệu của họ phân phối trên thị trường nước sở tại hoặc XK sang các nước thứ 3. Do đó, nếu bán chè ở dạng bao lớn, người tiêu dùng có thể uống chè Việt Nam, nhưng lại mang một thương hiệu có thể hoàn toàn không liên quan gì tới Việt Nam và chúng ta có thể chỉ bán với mức giá bình quân như lâu nay khoảng 1,8 USD/kg. Chuyển sang gói nhỏ, có thương hiệu, có thể bán với giá 5 - 10 USD/kg, hoặc làm thương hiệu tốt, ta có thể bán với giá 20 - 25 USD/kg như một số DN đã và đang thực hiện, dù quy mô còn rất nhỏ. Vì thế, TPP mở ra cơ hội cho các DN chè với biên lợi nhuận lớn từ việc bán chè phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng và xây dựng thương hiệu chè của Việt Nam. Vậy khi gia nhập TPP ngành chè có lợi thế gì trước mắt và lâu dài? Khi TPP có hiệu lực, thuế NK chè của một số nước TPP như: Nhật Bản: 17%, Peru: 9%, Hoa Kỳ: 6,4%, Chi lê: 6%, Mexico: 2%, Brunei là 22 cent/kg… sẽ về 0% ngay lập tức, hoặc có lộ trình nhất định nào đó. Trong khi Việt Nam đang từng bước làm chủ được công nghệ, quy trình SX các loại chè thành phẩm phục vụ tận tay người tiêu dùng nên chắc chắn sẽ có sự phát triển mạnh trong thời gian tới. Về lâu dài, việc gia nhập TPP sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy việc thu hút các luồng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực tế là gần đây có nhiều DN, tổ chức tài chính của Việt Nam, các nước TPP và ngoài TPP thông qua Hiệp hội Chè Việt Nam đã quan tâm tìm hiểu để đầu tư vào ngành chè Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để ngành chè thu hút vốn đầu tư trực tiếp, cùng tham gia quản lý, điều hành DN, nhất là các DN đã lên sàn giao dịch thông qua thị trường chứng khoán, bởi đó là các DN đã công khai, minh bạch thông tin cơ bản của mình cho các cổ đông và các nhà đầu tư...
Bên cạnh đó, ngay như thị trường trong nước của ta vẫn còn “bỏ ngỏ”. Hiện nay Việt Nam chỉ mới tiêu dùng khoảng 0,4 - 0,5 kg chè/người/năm, mà chủ yếu chè rời đóng túi nilon không kiểm soát được ATTP (khoảng 90%), tỷ lệ chè đóng gói có thương hiệu, kiểm soát được ATTP chỉ mới đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 10%) trong lúc đó nhiều nước công nghiệp phát triển, phải NK chè đã sử dụng từ 1 - 3 kg/người/năm. Theo ông giải pháp cơ bản nhất để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội của ngành chè khi TPP có hiệu lực? Để mở đường cho ngành chè phát triển, khâu đột phá đó là xây dựng quan hệ SX mới, xây dựng liên kết nông - công nghiệp chè trên từng địa bàn làm cơ sở để trong tương lai gần sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, phải tổ chức lại SX, chế biến chè trên từng địa bàn theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Trong đó, mỗi cơ sở chế biến được chính quyền địa phương phân vùng, quy hoạch một hoặc một số vùng nguyên liệu cụ thể. DN có trách nhiệm đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đảm nhiệm toàn bộ hệ thống cung ứng phân bón, BVTV tập trung cho cây chè toàn vùng và bao tiêu sản phẩm. Nông dân có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bán nguyên liệu cho DN. Những vùng chè phân tán, DN không thể trực tiếp quản lý đến từng hộ, cần tổ chức các HTX trên nguyên tắc đảm đương tất cả các công việc mà từng xã viên cần nhưng không làm được, hoặc làm được nhưng hiệu quả thấp, lãng phí lao động xã hội. Cũng như các DN, các hợp tác xã cần chú trọng nhất là khâu BVTV tập trung để đảm bảo chè an toàn. Bởi sẽ có nhiều hàng rào kỹ thuật tại một số nước NK chè sẽ dựng lên, trong đó có vấn đề ATTP, điển hình như bài học Đài Loan vừa qua..