Kỹ thuật nuôi

Mô hình luân canh lúa-tôm giúp nông dân vượt khó

Thứ ba, 12/06/2018 09:00 lượt xem: 815

 

Mô hình luân canh lúa-tôm giúp nông dân vượt khó

Mô hình tôm - lúa Sóc Trăng. Ảnh: STO​

Luân canh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm theo mô hình 1 vụ lúa vào mùa mưa và 1 vụ tôm vào mùa khô hạn là cách làm đầy sáng tạo.

Luân canh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm theo mô hình 1 vụ lúa vào mùa mưa và 1 vụ tôm vào mùa khô hạn là cách làm đầy sáng tạo, giúp cho nông dân Hà Văn Hải, cư ngụ tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nhiều năm nay để dựng nên cơ nghiệp vững vàng nơi vùng quê đầy khó khăn.

Ông Hải cho biết, xã Phú Tân là xã ven biển của huyện Tân Phú Đông, nằm kẹp giữa hai cửa sông lớn của sông Tiền là Cửa Tiểu và Cửa Đại.

Nơi đây, mỗi năm có từ 6 đến 9 tháng bị nhiễm mặn còn khô hạn, thiếu nước gay gắt là chuyện thường ngày vào mùa khô. Trong tình hình như vậy, nông dân địa phương từng chọn nuôi tôm nước lợ là mô hình chủ lực.

Thế nhưng nuôi tôm nước lợ theo mô hình thâm canh và bán thâm canh đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật cao và nhiều rủi ro.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện cũng như khả năng thực tế của gia đình, sau nhiều đắn đo, ông Hà Văn Hải chọn chuyển đổi từ trồng lúa 1 vụ sang luân vụ một vụ lúa và một vụ tôm trong năm. Diện tích áp dụng mô hình là 5 ha canh tác.

Theo ông Hà Văn Hải, thực hiện mục tiêu sản xuất mới, ông phải cải tạo đất đai, gia cố đê bao, trong thửa ruộng đào một hệ thống ao mương chạy cặp theo đê bao để tôm cá có chỗ ẩn trú, phần đất còn lại thì tu sửa, san phẳng và cày trục xuống giống lúa. Về giống, chọn các giống lúa phù hợp, chịu được hạn mặn và thiên nhiên khắt nghiệt.

Thời điểm xuống giống thường vào đầu mùa mưa tại Tân Phú Đông, tức là khoảng cuối tháng 6 âm lịch và thu hoạch vào độ cuối tháng 10 âm lịch hàng năm.

Hết vụ lúa, ông chuyển sang sản xuất một vụ tôm trong thời gian mùa khô hạn, xâm nhập mặn hàng năm. Cụ thể, khi thu hoạch lúa xong thì tu sửa bờ bao, nạo vét ao mương chuẩn bị thả tôm vào đầu tháng 12 âm lịch.

Vụ tôm sẽ kéo dài đến tận đầu mùa mưa năm sau. Tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến.

Nghĩa là thả mật độ thưa, kết hợp với lấy nguồn tôm cá tự nhiên ngoài môi trường theo cống bọng vào sinh sống trong ao tôm.

Ông chú ý kiện toàn hệ thống cống bọng chắc chắn làm sao cho tôm cá con vào ao nhưng không thể thoát trở ra ngoài tự nhiên được và được nuôi vỗ béo thêm bằng nguồn thức ăn viên bổ sung mua trên thị trường.

Thông thường, trước khi thả tôm giống thì phải xử lý bằng cách xổ cạn nước trong hệ thống ao mương nhằm tận thu nguồn thủy sản còn sót trong ao bán tăng thu nhập vừa không để cá dữ sót lại ăn tôm giống. Xử lý ao đầm xong thì lấy nước vào.

Chừng 10 ngày sau, nguồn nước trong ao đã ổn định, bắt đầu thả tôm sú giống với mật độ từ 3 đến 5 con/m2 mặt nước.

Khoảng 2 tháng sau thì thả thêm tôm thẻ giống với mật độ từ 2 đến 3 con/m2 mặt nước. Tiếp theo, chừng 1 tháng sau thả bổ sung thêm cua giống với số lượng từ 3.000 con đến 4.000 con.

Trong ao, tôm, cua giống và tôm cá tự nhiên chung sống cùng nhau và cùng lớn lên theo thời gian. Khi tôm, cá trong ao đạt kích cở thương phẩm thì thu hoạch.

Hình thức thu hoạch cũng rất đơn giản, nhẹ nhàng và hiệu quả. Cứ đến con nước rong hàng tháng ông Hải xổ cống bọng để thu hoạch tôm, cá, cua. Tôm, cá, cua lớn theo nước ra bị giữ lại trong lưới.

Mỗi tháng có 2 kỳ nước rong nên coi như ông thu hoạch 2 lần/ tháng. Đến khi mùa mưa bắt đầu mới thu hoạch dứt vụ tôm, chuẩn bị tiếp cho vụ lúa mới trong năm.

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Hà Văn Hải cho biết, với 5 ha canh tác, mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng khoảng 300 triệu đồng từ nguồn lợi thủy sản trong vụ nuôi tôm, Đối với vụ lúa, trung bình đạt năng suất 50 tạ/ ha và sản lượng cả vụ 250 tạ (25 tấn lúa hàng hóa). Bán với giá bình quân 5.000 đồng/kg, ông thu thêm 125 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng.

Vị chi với 5 ha áp dụng mô hình một vụ lúa và một vụ tôm, ông Hải thu lãi ròng khoảng 360 triệu đồng.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cách làm của ông Hà Văn Hải còn mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng đất nhiễm mặn ven biển huyện cù lao Tân Phú Đông.

Theo gương ông, bà con xung quanh cùng hưởng ứng áp dụng mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, diện tích mô hình ngày càng mở rộng đồng thời liên kết sản xuất làm ăn tập thể kiểu mới để chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn, cùng làm giàu bền vững.

Tại đây đã hình thành Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Phú Tân với 31 hộ nông dân tham gia trên diện tích 115 ha do ông Hà Văn Hải làm tổ trưởng áp dụng mô hình luân vụ lúa - tôm.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đánh giá cao mô hình và cách làm của nông dân Hà Văn Hải nơi ven biển hạ lưu sông Tiền đầu sóng ngọn gió.

Ông Đức cho biết, ông Hà Văn Hải được vinh danh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu nhiều năm liền của tỉnh Tiền Giang.

Cách làm của ông đã góp phần vào sự đa dạng hóa các mô hình làm giàu của nông dân Tiền Giang trên cơ sở chủ động phát huy những tiềm năng đất đai, lao động và đặc biệt là thích hợp với những điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, phức tạp theo hướng “chung sống với lũ”, “chung sống với hạn, mặn”.

Minh Trí TTXVN

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện