Nhiều hộ khác ở vùng cũng như anh Duy, mới chuyển từ nuôi tôm theo kinh nghiệm dân gian sang nuôi tôm công nghiệp với quy trình sinh học và đạt thắng lợi.
Nhờ người nuôi liên kết với một doanh nghiệp để được hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo quy trình sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, còn được cung cấp các sản phẩm phòng chống bệnh gan tụy, một loại bệnh gây dịch hoành hành trên tôm nuôi ở ĐBSCL ba năm qua. Ông Quách Ngọc Châu ở ấp Nỉ, xã Phước Lại (Cần Giuộc) nói: “Doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp và nếu phát hiện tôm có dấu hiệu khác thường, liên hệ là cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đến giúp xử lý ngay”.
Phó chủ tịch UBND xã Phước Lại, ông Nguyễn Thanh Khiết, nhấn mạnh đến sự liên kết có trách nhiệm giữa hai bên nên đưa đến thành công. Ban đầu, 30 hộ liên kết với doanh nghiệp, 27 hộ nuôi thắng lợi, còn 3 hộ có tôm bị bệnh đốm trắng chứ không phải bệnh gan tụy nhưng doanh nghiệp cũng hỗ trợ để giảm thiệt hại. Bởi vậy, ở xã Phước Lại năm nay nuôi tôm công nghiệp tăng 133 ha so với năm ngoái. “Chúng tôi đang đề nghị doanh nghiệp tiếp tục mở rộng liên kết và liên kết lâu dài để hai bên cùng có lợi nhuận ổn định bền vững”, ông Nguyễn Thanh Khiết nói.