Trong khuôn khổ dự án: “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng tỉnh Quảng Trị”, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung phối hợp với Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn đã hỗ trợ người dân Hải Quế, huyện Hải Lăng xây dựng “Mô hình trồng ớt chìa vôi trên đất cát theo hướng canh tác bền vững và phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Cây ớt chìa vôi
Ớt chìa vôi
Dự án tìm ra những loại cây trồng thích nghi tốt với việc biến đổi khí hậu, cải tạo đất cát hoang hoá thành đất sản xuất màu mỡ để trồng cây ớt. Sau hai năm thực hiện dự án, hàng chục héc ta đất cát hoang hoá được phủ xanh cây ớt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, người nông dân được trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng để ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Hải Quế là một xã nằm vùng đất cát nội đồng và thấp trũng của huyện Hải Lăng. Toàn xã có 899 hộ với 4.350 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21,4%. Nguồn thu chính của người dân từ trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Nguyễn Giáp, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết: “Chúng tôi chọn 7 hộ gia đình ở thôn Đơn Quế và Kim Long để thực hiện mô hình. Theo đó, mỗi hộ được phân 500 m2 diện tích đất cát hoang hoá, trong đó có 5 hộ làm mô hình dự án, 2 hộ làm mô hình đối chứng. Các hộ được chọn đều có khả năng về lao động, điều kiện kinh tế đầu tư cho cây ớt phát triển tốt.
Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trong mô hình bao gồm: làm đất kỹ, bón phân cân đối, sử dụng phân chuồng hoai mục, trồng mật độ hợp lý và áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp. Mô hình đối chứng áp dụng canh tác và phòng trừ sâu bệnh gây hại theo phương pháp truyền thống của nông dân. Kết quả thực hiện cho thấy năng suất và lợi nhuận ở mô hình dự án cao hơn mô hình đối chứng”.
Bà Trần Thị Lựu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế, Trưởng Ban dự án Biến đổi khí hậu của xã so sánh: “Tuy chi phí đầu tư giống nhau nhưng năng suất, thu nhập và lợi nhuận ở các mô hình của thôn Kim Long cao hơn rất nhiều so với thôn Đơn Quế. Do ở thôn Đơn Quế các hộ sử dụng phân bón chưa đảm bảo chất lượng và số lượng. Thực tế trồng cây ớt trên cát trắng hai năm qua cho thấy, dù đất cát trắng tinh song sử dụng phân bón, nhất là phân chuồng, bón nhiều lần và bón đúng liều lượng cũng như trồng đúng mật độ thích hợp sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, quả to, hiệu quả kinh tế cao”.
Ông Nguyễn Tích ở thôn Kim Long cho biết: “Trước kia mỗi lần bước trên bãi cát hoang phồng rộp bàn chân, mấy ai dám nghĩ đến việc sản xuất cây trồng trên đất này. Nếu như trước năm 2009, nông dân trồng ớt theo cách truyền thống cho năng suất 70 kg ớt bột khô/sào thì nay làm theo mô hình thích nghi biến đổi khí hậu ớt cho năng suất 100 kg ớt bột/sào. Trồng ớt theo cách này có hiệu quả kinh tế, tận dụng được thời gian nhàn rỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Qua đây, nông dân đã biết chủ động cải tạo đồng đất hoang hoá bằng ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất bền vững”. Theo kinh nghiệm bà con nông dân, cây ớt có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao, chịu nóng, hạn tốt, dễ trồng, không kén đất và thích hợp với nhiều vùng sinh thái.
Cây ớt mỗi năm trồng được hai vụ. Vụ đông - xuân gieo hạt từ tháng 10 đến tháng 12, trồng vào tháng 1-2, thu hoạch từ tháng 4-5 đến tháng 6-7 năm sau. Ngoài ra, ở các bãi ven sông hoặc các vùng đất trống không trồng được cây hoa màu, cây lương thực, bà con nông dân có thể trồng ớt xuân - hè, gieo hạt từ tháng 2-3, trồng tháng 3-4, thu hoạch tháng 7-8. Hiện có hai giống ớt được thị trường ưa thích: ớt sừng bò và ớt chìa vôi. Giống ớt này có thời gian sinh trưởng từ 115-120 ngày, cây cao 40-45 cm có 4-5 cành, mỗi cây cho 40-45 quả.
Bà Trần Thị Lựu cho biết: “Kết quả lớn nhất của mô hình này sau hai năm là đã tìm ra được cây trồng thích hợp. Người nông dân được nâng cao năng lực canh tác, kịp thời ứng phó với những bất thuận của thiên tai trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ở những vùng cát hoang hoá trên địa bàn”