Kỹ thuật nuôi

Kỹ thuật nuôi cá kèo

Thứ năm, 26/12/2013 10:04 lượt xem: 1164

Thuộc họ Cá bống trắng (Gobiidae)

 

Cá kèo

 

Các tên khác:

  • Cá bống kèo
  • Goby, keo fish, keo-fisk, chewa, belacak, 尖尾鲨

Trong tự nhiên cá kèo thường sinh sống ở các vùng nước lợ như bãi triều, cửa sông. Cá phân bố ở Việt Nam, India, Bangladesh, Campuchia, Taiwan, Indonesia, Malaysia, Japan, Singapore, Tahiti, Thailand, China.

Cá thuộc loại ruột ngắn, ăn tạp. Thức ăn tự nhiên của cá kèo là nhuyến thể như tôm nhỏ, giun, tảo, phiêu sinh vật...

Cá thường dài từ 10 - 20cm, thân cá hình trụ dài to bằng ngón tay cái, dẹp dần về phía đuôi, da trơn nhớt, chui rúc trong bùn như lươn, chạch, đào hang để trú. 

Cá kèo có thể sống trong môi trường có độ mặn rộng từ 0 đến 40 phần ngàn, thích hợp nhất là từ 5 đến 25 phần ngàn, pH7-8,5, độ kiềm 100-150mg CaCO3 / lit, độ trong 30-35cm. 

Có thể nuôi xen canh cá kèo trên ruộng muối, ao tôm sau khi thu hoạch; hoặc nuôi ghép cá kèo - cua, cá kèo - tôm trên ruộng lúa; hoặc nuôi ghép với mật độ thấp trong ao tôm.

Mùa nuôi cá kèo thường bắt đầu từ tháng 4 âm lịch, mùa nước lên.

Con giống:

Nguồn giống chủ yếu do khai thác tự nhiên, ở sông rạch, các bãi bồi cửa sông, rừng ngập mặn. 

Cá kèo giống tự nhiên thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch.  

Chọn giống: 

Chọn cá có chiều dài từ  2-5cm, kích cỡ đều nhau, màu sắc đồng đều, không bị xây xát. Chọn cá khỏe mạnh, hoạt động nhanh lẹ, khi để yên thì nằm theo phương thẳng đứng, đầu nhô lên mặt nước.

Vận chuyển cá giống: 

Cho cá vào túi nước có bơm oxy, tỷ lệ nước : oxy  là 1 : 3, tỉ lệ cá là 2.000-3.000 con / 1.5 lít nước. Nếu vận chuyển xa thì cứ 5 giờ bơm oxy mới 1 lần.

Ao nuôi: 

Ao nuôi cá (hoặc ruộng lúa): san bằng phẳng đáy ao, tơi xốp, có độ bùn từ 10-20cm.  Đắp bờ ao cao, chắc chắn, tránh rò rỉ, lỗ mọi. Quanh bờ ao có rào lưới, chân lưới chôn sâu xuống đất 20 - 30cm. Nuôi trong ruộng lúa cần độ cao nước từ 0,3m-0,5m trở lên. 

Một số đề nghị của Việt Linh đối với bà con nuôi thâm canh là: Nên có ao lắng, tận dụng gây tảo làm thức ăn tự nhiên bổ sung cho ao nuôi. Thường xuyên bơm thay nước để kích thích cá tăng trưởng, hoặc có hệ thống cấp thoát nước theo thuỷ triều. Chăng dây trên mặt nước và làm hình nộm chống chim ăn cá. Tấn nylon để giữ nước và chống cá, cua còng, ba khía đào hang làm thất thoát. Bịt lỗ mọi trong ao. Nếu  nuôi trong ruộng muối thì trước khi thả cá phải rửa ao nhiều lần để hạ độ mặn.

2 hình thức nuôi: nuôi đơn và nuôi luân canh cá kèo (mùa mưa) với tôm sú (mùa khô).

Cá kèo có tỷ lệ sống khá cao do khả năng chịu đựng biến động môi trường tốt hơn so với tôm.

Mật độ thả giống: 

Một số mô hình nuôi thực tế cho thấy:

Nếu thả 10 và 20 con/m2,  sau 4-5 tháng nuôi năng suất có thể đạt 350 kg  - 1 tấn/ha.

Nếu nuôi thâm canh với mật độ thả giống 50-80 con/m2, sau 5-6 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt trung bình khoảng 35-50 con/kg, năng suất 2-3 tấn/ha. Cá biệt ở Sóc Trăng, đã có những ao đạt 6-7 tấn/ha.

Thả giống:

Trước khi thả giống, xả cạn và phơi đáy ao 5-7 ngày, bón vôi để xử lý đáy, diệt cá tạp. Lấy nước vào ao qua túi lọc. Sau 7-10 ngày, gây tảo để làm thức ăn tự nhiên bổ sung cho cá. 

Cá giống khi đem về nên thuần dưỡng để thích nghi với môi trường nuôi ít nhất 24 giờ, loại bỏ cá yếu, cá tạp. Thả cá vào lúc chiều mát hoặc sáng sớm để tránh cá bị sốc.

Cho ăn và chăm sóc:

Tập tính ăn: cá ăn thức ăn nổi

Cá kèo nuôi quảng canh (3-10 con/m2) chủ yếu ăn rong tảo, phiêu sinh vật  phù du trong nước, đất có nhiều bùn. Từ tháng thứ 2 trở đi cho ăn dặm thêm bằng cám gạo và bột đậu nành. 

Có thể bổ sung thức ăn tươi sống như tép, cua, cá tạp băm nhỏ. Cho cá ăn 2-3 lần trong ngày  lúc trời mát hay chiều tối. Có thể nấu chín thức ăn tươi với cám. Tuy nhiên chú ý cho ăn vừa phải, rải đều thức ăn quanh ao, tránh dư thừa gây ô nhiễm. 

Nếu mật độ nuôi từ 50-60 con/m2 trở lên phải bổ sung thức ăn công nghiệp. Ví dụ cho cá ăn bằng thức ăn viên của công ty Uni President sản xuất dành riêng cho cá kèo.

n4242---40kg

Cho nước ra vào thường xuyên, nhất là những ngày triều cường, qua hệ thống cấp thoát nước và ao lắng, tránh nguồn nước ô nhiễm. Duy trì tảo bằng cách bón phân urê, DAP, phân gà. Tùy theo mật độ tảo nhiều hay ít mà bón định kỳ từ 10-15 ngày/ lần. 

Thu hoạch:

Cá kèo thích lội ngược dòng nước, do đó khi thu hoạch, xả bớt nước khỏi ao nuôi, tạo các đưỡng rãnh ở đáy ao dẫn đến cửa bọng, bơm nước mát vào ao, cá sẽ bơi ngược dòng vào lưới đặt  ở bọng. 

Khi nuôi trong đầm rộng thì có thể lợi dụng con nước vào, ra khi có đợt triều để thu hoạch hoặc chuyển vào ao nhỏ.

Những người nhiều kinh nghiệm có thể tạt saponin đã pha loãng để làm cá say, cá sẽ nổi lờ đờ, khi đó vớt cá thả lại vào thùng đựng nước ao sạch cho cá hồi tỉnh.

Phòng và trị bệnh của cá kèo 

Bệnh chủ yếu của cá kèo là sình hơi và rũ xương.

Bệnh nhiễm khuẩn huyết Aeromonas 

Nguyên nhân: Do các vi khuẩn Aeromonas (A.hydrophil, A. caviae, A. sobria) gây ra. Bệnh phát sinh khi môi trường ô nhiễm, oxy hòa tan thấp, nuôi mật độ dày. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm. 

Triệu chứng: Mình cá có những mảng đỏ với nhiều khối u, bụng có từng vùng  sẫm màu, lưng có nhiều vết thương, đuôi và vây bị hoại tử, mắt đục, lồi, sưng phù, hậu môn sưng to. Cá bỏ ăn, nổi nghiêng hoặc nổi đứng lờ đờ trên mặt nước. 

Bệnh trắng đuôi 

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra. 

Triệu chứng: trên đuôi có các đốm trắng, sau đó lây lan đến vây lưng, vây hậu môn. Dần dần đuôi và vây bị xuất huyết, rách nát. Khi bệnh nặng, cá bỏ ăn, bơi lờ đờ, đầu chúi xuống hoặc treo lơ lửng trên mặt nước. 

Bệnh tuột nhớt 

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra. Bệnh phát sinh do cá bị sây sát trong đánh bắt, vận chuyển hoặc do môi trường nước thay đổi đột ngột. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh giữa các cá thể trong cùng 1 ao và giữa các ao.

Triệu chứng: toàn thân bao phủ một lớp nhớt màu trắng đục. Cá tách đàn, bơi lờ đờ, bỏ ăn. Khi bệnh nặng, mình cá lở loét, vây rách nát, sau đó cá chết rất nhanh.

Phòng bệnh

Luôn giữ môi trường nước trong ao sạch, không bị ô nhiễm. Chọn giống khỏe, vận chuyển đúng quy trình để cá khỏe, không bị sây sát.

Nếu nuôi thâm canh, định kỳ 10 -15 ngày xử lý nước và đáy ao bằng các chế phẩm vi sinh.

Đảm bảo đầy đủ thức ăn cho cá phát triển khỏe mạnh, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn giúp cá tăng cường sức đề kháng. 

Trị bệnh:

Biện pháp xử lý đầu tiên khi cá nhiễm bệnh là thay 20-30% nước trong ao bằng nguồn nước sạch, vệ sinh xung quanh ao. Dùng thuốc diệt khuẩn xử lý nước trong ao. Dùng thuốc điều trị trộn vào thức ăn theo đúng liều lượng.

Rải vôi sát khuẩn bờ ao, tránh lây lan rộng. Không dùng chung dụng cụ chăm sóc của ao bị nhiễm bệnh với ao chưa bị nhiễm bệnh.

Chú ý: Không dùng kháng sinh để phòng bệnh. Nếu phải điều trị bệnh bằng kháng sinh thì ngưng sử dụng thuốc 4 tuần trước khi thu hoạch. 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện