Ảnh: Internet
Bài báo cáo này phân tích tác hại của việc sử dụng bừa bãi kháng sinh và nguyên nhân ảnh hưởng đến sử dụng kháng sinh và những gợi ý để quản lý hiệu quả kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Tác hại lạm dụng kháng sinh
Việc sử dụng kháng sinh quá mức sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: Ảnh hưởng sức khỏe vật nuôi và con người, xuất hiện các chủng vi khuẩn lờn thuốc, kháng kháng sinh (AMR) cả trong vi khuẩn gây bệnh và không gây bệnh dẫn đến giảm hiệu quả điều trị của các bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, lao và nhiễm trùng đường tiêu hóa trên người. Do đó, sự lây lan của vi khuẩn kháng kháng sinh đã được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là một trong những mối đe dọa chính cho dân số thế kỷ XXI.
Trong nuôi trồng thủy sản kháng sinh được dùng thông qua thức ăn hoặc môi trường nước sau đó có thể đào thải vào môi trường thông qua con đường nước, phân hoặc thức ăn thừa, sau đó chúng được tiêu thụ bởi cá hoặc động vật không xương sống trong môi trường gần đó. Sự giải phóng kháng sinh trong môi trường thủy sản góp phần làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh trong hệ sinh thái.
Ngoài ra De Schryver và cộng sự. ( 2014 ) đã cho thấy rằng sử dụng kháng sinh (đặc biệt với mục đích phòng bệnh) có thể làm tăng tỷ lệ bùng phát của Vibrio spp. trong nuôi tôm vì kháng sinh tiêu diệt các hệ vi khuẩn có lợi trong nước ao, do đó vi khuẩn có hại phát triển nhanh hơn đặc biệt là nhóm vi khuẩn gây bênh Vibrio spp.
Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi không những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm mất uy tính của ngành thủy sản nước đó.
Xuất hiện nhiều chủng kháng kháng sinh
1. Việc phát triển nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh làm dịch bệnh dễ diễn ra hơn. Và để hạn chế dịch bệnh nông dân sẽ sử dụng kháng sinh. Nhưng chuẩn đoán bệnh không đầy đủ và không chính xác của nông dân (ví dụ những bệnh do virus lại sử dụng kháng sinh để trị, sử dụng kháng sinh quá cao hoặc quá thấp) dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng kháng sinh và gia tăng kháng kháng sinh trên vi khuẩn.
2. Khác biệt khu vực: Các khu vực địa lý khác nhau có thể lưu trữ các mầm bệnh vi khuẩn khác nhau ở các mật độ khác nhau, do đó ảnh hưởng đến việc sử dụng kháng sinh.
3. Khác biệt thể chế bao gồm: tiếp cận tới các nhà bán lẻ, tiếp cận bác sĩ thú y, pháp luật và thực thi pháp luật, chính sách kiểm soát kháng sinh khác nhau ở các quốc gia nhập khẩu và chương trình chứng nhận.
Trong khi nhiều quốc gia có giới hạn cho dư lượng kháng chấp nhận được, một số quốc gia chỉ sử dụng các chương trình thực thi đối với các sản phẩm xuất khẩu. Một số quốc gia thì việc theo dõi và thực thi các quy định liên quan đến thủy sản cũng bị cản trở bởi sự phân bổ thẩm quyền và trách nhiệm của nhiều cơ quan chính phủ.
4. Sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn tăng có thể làm giảm hiệu quả của phương pháp điều trị kháng sinh, và nếu nông dân sử dụng số lượng lớn kháng sinh thì điều này lại càng tăng sự kháng kháng sinh trên vi khuẩn.
Hình 1. Số lượng các sự cố được báo cáo trong hải quan EU, Mỹ và Nhật Bản liên quan đến dư lượng kháng sinh.
Kiểm soát kháng sinh để nuôi trồng thủy sản bền vững:
1. Tăng cường an toàn sinh học
An toàn sinh học đề cập đến bất kỳ bước nào có thể ngăn chặn các mầm bệnh xâm nhập vào các trại nuôi hoặc trại sản xuất giống, qua đó làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh và sử dụng hậu quả do sử dụng kháng sinh.
Tóm tắt quy trình an toàn sinh học:
- Giảm sự xâm nhập của sinh vật mang mầm bệnh vào ao nuôi (lưới ngăn chim hoặc dọa chim, chắn lưới ngăn cua còng, loại bỏ chất thải trước khi thả giống, có ao lắng và lọc nước qua túi lưới).
- Xây dựng ao nuôi có hố xi phong hoặc gom tụ chất thải để định kỳ hút bỏ ra khỏi ao.
- Hạn chế mầm bệnh trong dụng cụ nuôi bằng việc xử lý trước và sau khi sử dụng. Tăng cường sục khí và xử lý nước cũng góp phần giảm tác nhân gây bệnh.
- Thực hiện an toàn sinh học tại tác trại sản xuất giống để giảm thiểu tác nhân gây bệnh. Sử dụng tôm giống sạch bệnh SPF. Thả con giống sạch bệnh.
2. Tăng cường phổ biến nông dân qua các chương trình khuyến nông
Các cơ quan khuyến nông có thể giúp truyền đạt các rủi ro lạm dụng thuốc kháng sinh và chứng minh hiệu quả của việc sử dụng hợp lý, thực hành tốt trong sản xuất và các phương pháp điều trị thảo dược thay thế kháng sinh trong phòng trị bệnh thủy sản.
3. Cải thiện các phương pháp phát hiện và chuẩn đoán bệnh
Khả năng chẩn đoán chính xác bệnh là điều cần thiết để điều trị hiệu quả.
Hầu hết các nước phát triển điều có đội ngũ bác sĩ thú y, kỹ thuật viên, phòng thí nghiệm chẩn đoán, và các cơ sở nghiên cứu để cung cấp lời khuyên về sức khỏe tôm/cá, nhưng ở các nước có thu nhập trung bình thấp hơn việc thiếu năng lực chẩn đoán bệnh gây cản trở việc chẩn đoán nhanh chóng và chính xác do đó thường dẫn đến việc sử dụng kháng sinh không phù hợp.
3. Giới hạn quyền sử dụng kháng sinh
Hầu hết các quốc gia phát triển đều có danh sách các kháng sinh được chấp thuận rõ ràng.
Ví dụ, ở Canada có bốn sản phẩm kháng sinh được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm: oxytetracycline, florfenicol, trimethoprim / sulfadiazine và ormetoprim / sulfadimethoxine (DFO 2017). Các sản phẩm này được quản lý thông qua thức ăn có nguồn gốc thuốc và yêu cầu đơn thuốc thú y. Các kháng sinh khác phải được cung cấp bởi các bác sĩ thú y trong các trường hợp đặc biệt chẳng hạn như sử dụng erythromycin trong tôm bố mẹ. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ quy định sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản với các ứng dụng cụ thể cho các loài cụ thể và chỉ có ba loại được phê duyệt (florfenicol, oxytetracycline, và sulfamethoxine / ormethoprim).
Các quốc gia khác thường có cách tiếp cận khác đó là cấm các nhóm chất kháng sinh khi rõ ràng hoặc nghi ngờ gây ra ung thư hay gây đột biến ở người tiêu dùng.
Hạn chế số lượng kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng thủy sản có vẻ là cách tiếp cận tốt hơn, vì nó dễ dàng hơn để điều chỉnh và theo dõi việc sử dụng một vài hợp chất. Tuy nhiên, những hạn chế như vậy là dễ thực hiện hơn ở các nước chỉ sản xuất một số ít loài và với một ngành công nghiệp hợp nhất mạnh mẽ.
4. Sử dụng vaccine
Vaccine có hiệu quả có thể ngăn chặn sự bùng phát bệnh do vi khuẩn ở cá vây, nhưng chúng không hoạt động theo cùng cách thức cho động vật giáp xác hoặc động vật thân mềm, vì những loại này không có hệ thống miễn dịch đặc hiệu.
5. Quy định liều lượng kháng sinh trong sản phẩm thủy sản
Các quy định về an toàn thực phẩm dựa trên sản phẩm thủy sản là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Các quy định dựa trên sản phẩm thường được áp dụng ở dạng giới hạn dư lượng tối đa, trong đó các mẫu sản phẩm thủy sản được sàng lọc để phát hiện các hợp chất bị cấm hoặc nồng độ cao của các hợp chất hạn chế sử dụng.
Thay vào đó, nó sẽ toàn diện hơn để yêu cầu nông dân đăng ký số lượng kháng sinh được áp dụng trong suốt giai đoạn phát triển, như trường hợp ở Na Uy, Scotland, Chile và một số tỉnh của Canada (Burridge et al. 2010 ). Tuy nhiên điều này đòi hỏi một mức độ nhất định của năng lực quy định để theo dõi bán hàng và sử dụng kháng sinh cũng phải thực thi chính xác lưu giữ hồ sơ.
6. Tuân thủ các chứng nhận
Chứng nhận nuôi trồng thủy sản dựa trên thị trường đang trở thành một công cụ ngày càng mạnh mẽ để thực thi sự tuân thủ của ngành công nghiệp thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra phương tiện truyền thông cũng có thể giúp thay đổi việc sử dụng kháng sinh và cải thiện các hoạt động sản xuất bằng cách ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng, nhận thức của người tiêu dùng và giấy phép xã hội của các công ty nuôi trồng thủy sản.
Nhóm nhà khoa học: Patrik J. G. Henriksson, Andreu Rico, Max Troell, Dane H. Klinger, Alejandro H. Buschmann, Sonja Saksida, Mohan V. Chadag, Wenbo Zhang đăng trên tạp chí Sustainability Science
VĂN THÁI (Lược dịch)