Ra đời từ năm 2003, Luật Thủy sản đóng vai trò rất quan trọng, là khung pháp lý xuyên suốt các hoạt động quản lý vĩ mô, là căn cứ để xây dựng các cơ chế, chính sách mở đường phát triển ngành Thủy sản trên tất cả các lĩnh vực như: Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; Khai thác, nuôi trồng, chế biến, thương mại, dịch vụ hậu cần thủy sản; Hội nhập, hợp tác quốc tế trong hoạt động thủy sản; Xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống ngư dân; Bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng trên các vùng biển và hải đảo. Nhờ đó, ngành Thủy sản Việt Nam đã đạt những kết quả ấn tượng, từ khai thác hải sản ven bờ dần chuyển mạnh sang khai thác xa bờ; nuôi trồng thủy sản đã bổ sung nhiều đối tượng mới như cá tra, cá basa, nghêu, hàu, sò, ốc hương, cá nước lạnh…đã làm thay đổi rõ rệt cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị và thị trường, tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng nuôi và cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo cho ngành chế biến thủy sản phát triển bền vững, cải thiện đáng kể chất lượng các mặt hàng chế biến nội địa và các mặt hàng xuất khẩu. Tổng sản lượng thủy sản đã tăng từ 2,8 triệu tấn năm 2003 lên đến 6,56 triệu tấn năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2003 lên đến 6,72 tỷ USD năm 2015. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đã có mặt tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Ngành thủy sản đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong những năm qua. Đặc biệt, đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế cho ngư dân.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại cho tất cả lĩnh vực kinh tế nói chung và ngành Thủy sản nói riêng nhiều cơ hội để phát triển, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp nhận các tiến bộ khoa học hiện đại, góp phần không nhỏ vào nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt không ít những thách thức và chịu ràng buộc bởi các điều kiện mà chúng ta đã cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương. Trong bối cảnh chung của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đặt ra cho các ngành, các lĩnh vực những yêu cầu cần thay đổi để phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới, đáp ứng đầy đủ các điều khoản quy định của luật pháp quốc tế.
Để đưa ngành Thủy sản phát triển bền vững, quản lý hiệu quả phù hợp với tình hình mới và đảm bảo sự tương thích và đồng bộ với các Bộ Luật mới hiện hành. Bộ Nông nghiệp & PTNT đã giao cho Tổng cục Thủy sản rà soát nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản 2003. Trên tinh thần đó, Ban quản lý Dự án (CRSD) đã hỗ trợ Tổng cục Thủy sản được thực hiện nghiên cứu cơ sở khoa học, cơ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn làm căn cứ đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Thủy sản. Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản là đơn vị tư vấn, đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án, để báo cáo kế hoạch cũng như nội dung công việc thực hiện trong thời gian tới. Thông qua Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để phù hợp với tình hình mới hiện nay cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung Luật Thủy sản. Cần phải đánh giá những tồn tại và hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Thủy sản 2003 gặp phải trong thời gian qua. Qua đó, cần xác định đối tượng tác động và đánh giá tác động của những điều chỉnh sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Phải tạo cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý và nhóm chuyên gia để phản biện những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản.
Ngoài ra, cần phải nghiên cứu luật pháp của các nước, tổ chức quốc tế, các quy định trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), tham khảo các ý kiến chuyên gia nước ngoài, tổ chức quốc tế để đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp với quy định quốc tế.
15/07/2016
Văn Thọ
Fistenet