Hai bên cũng bày tỏ quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương lên trên mức kỳ vọng 500 triệu USD trong những năm tới. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Chính phủ I-ran tạo điều kiện để Việt Nam tăng xuất khẩu hàng nông sản và tiêu dùng sang I-ran, đồng thời hoan nghênh và khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa I-ran có mặt nhiều hơn tại thị trường Việt Nam cũng như các doanh nghiệp I-ran vào Việt Nam hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Về phía mình, Phó tổng thống I-ran khẳng định I-ran coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam như một trọng tâm trong chính sách mở rộng quan hệ với khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương của Tê-hê-ran. Phía I-ran đề nghị Việt Nam ủng hộ I-ran ký Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC) với ASEAN và khẳng định sẽ xem xét tích cực việc ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời nhấn mạnh sẽ chỉ đạo triển khai tốt các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước cũng như hỗ trợ các dự án hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa… trong tương lai. Phía I-ran cũng chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tầm quan trọng của việc xác định được phương thức thanh toán phù hợp để tháo gỡ những khó khăn trong giao dịch thương mại hiện nay giữa hai nước, chủ yếu do tác động của các lệnh cấm vận nhằm vào I-ran.
Nhân chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết 4 văn kiện hợp tác gồm: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục; Biên bản làm việc kỳ họp lần thứ nhất của nhóm công tác về trao đổi thương mại giữa hai nước.