Cây keo lưỡi liềm đã trở thành cây lâm nghiệp số một của người dân ven biển Quảng Trị.
Loài cây cho giá trị kinh tế cao này còn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồng bằng, ven biển Bắc Trung bộ...
Chỉ keo lưỡi liềm mới sống tốt Dọc đường về vùng cát huyện Gio Linh, ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Trị luôn hào hứng với câu chuyện đồng cát mênh mông ở đây được điểm lên nhiều mảng màu xanh của cây keo lưỡi liềm. Keo lưỡi liềm được trồng trên cát trắng đã lấp dần màu trắng tinh, chói chang của cát, môi trường sống ngày càng trở nên dễ chịu hơn.
Ông Hậu khoe, vừa tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh với giống cây keo lưỡi liềm trên vùng cát trắng tại huyện Gio Linh. Thông điệp lớn nhất của cách làm mới này là nông dân kiếm được nhiều tiền từ việc trồng cây keo lưỡi liềm trên cát trắng, mà ngàn đời qua đã bỏ hoang.
Xã Gio Hải của huyện Gio Linh, nơi đơn vị của ông Hậu chuyển giao mô hình lần này có diện tích đất tự nhiên gần 1.000 ha, trong đó đa số là cát trắng, nghèo dinh dưỡng. Đã có nhiều chương trình, dự án trồng cây keo lá tràm, keo tai tượng được triển khai nhằm cải tạo đất, cải tạo môi trường sinh thái, chống cát bay cát lấp, nhưng hiệu quả thu được không cao...
Lấy cảm hứng trồng keo lưỡi liềm mà Trung tâm đã triển khai ở các địa phương khác trong tỉnh, năm 2014, ông Hậu quyết định triển khai thí điểm mô hình trồng cây keo lưỡi liềm trên diện tích gần 10 ha tại Gio Hải.
Chọn khắp thôn được 10 hộ dân mạnh dạn tham gia trồng keo lưỡi liềm nhằm nghiên cứu khả năng sinh trưởng phát triển và tính thích nghi của loài cây này trong điều kiện vùng cát. Mục đích chính là xác định tiềm năng của cây keo lưỡi liềm để đầu tư thâm canh tăng năng suất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Ngày ấy, nhiều người dân Gio Hải cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn cán bộ khuyến nông dạy trồng keo, vì trước nay có cây gì sống được trên cát trắng tinh ấy đâu, giờ “ông tỉnh” về bảo trồng keo lưỡi liềm, liệu có uổng công không. Bao nhiêu hoài nghi của bà con nông dân đều được ông Hậu và cán bộ của mình phân tích, động viên bằng cả kinh nghiệm và sự dấn thân nghề nghiệp cho bà con thấu hiểu.
Thế rồi vườn keo lưỡi liềm vượt lên trên cát trắng tinh. Màu xanh mơn mởn của từng cây keo vươn lên hàng ngày làm cho bà con nông dân ngày càng tin tưởng vào cách làm mới....
Không khác trồng keo lá tràm, mật độ trồng keo lưỡi liềm đến 2.000 cây/ha. Khi trồng bón 300g phân vi sinh Quế Lâm/gốc. Đến năm thứ 2 bón phân NPK 10-12-5 với liều lượng 200g/gốc. Mặc dù chân đất thực hiện mô hình là cát trắng thuần, kết cấu rời rạc, không ổn định, hàng năm thường xuyên xảy ra hiện tượng cát bay cát lấp, nhưng cây keo lưỡi liềm vẫn sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Hậu nói rằng đây không phải là lần đầu tiên Trung tâm KN-KN giúp dân kiếm tiền từ cát trắng bằng cách trồng keo lưỡi liềm.
Năm 2011, Trung tâm đã thực hiện xây dựng, chuyển giao mô hình trên diện tích 20 ha tại 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Năm 2012, tiếp tục xây dựng, chuyển giao 10 ha mô hình tại 2 huyện Gio Linh, Triệu Phong. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã thu được những kết quả bước đầu hết sức khả quan. Tỷ lệ sống của cây keo lưỡi liềm đạt hơn 85%, trong khi các loại cây như phi lao, keo lá tràm chỉ đạt từ 35-40%. Chiều cao cây keo lưỡi liềm sau 1 năm trồng bình quân đạt 60cm, cao hơn so với cây phi lao và keo lá tràm từ 16-18cm...
Dự kiến năng suất sau 6 đến 9 năm trồng đạt sản lượng khoảng 50 đến 70 tấn gỗ/ha. Với giá gỗ 1 triệu đồng/tấn như hiện nay, đúng là trồng cây keo lưỡi liềm cùng một lúc thu về được nhiều giá trị cho bà con nông, ngư dân sống vùng cát đồng bằng và ven biển.
Qua thực tế sinh trưởng trên cát trắng, cho thấy keo lưỡi liềm có khả năng thích ứng cao với các vùng đất cát bạc màu và khô cằn. Các mô hình trên nhằm giúp người dân vùng đất cát có thể phát triển một loài cây lâm nghiệp với các mục tiêu ổn định đất đai canh tác, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết công ăn việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế từ trồng rừng.
Phù hợp vùng cát
Cây keo lưỡi liềm không chỉ phù hợp tại Quảng Trị, mà còn rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng cát trắng. Đất cát trắng Bắc Trung bộ có diện tích rất lớn, đến 335 ngàn ha, chiếm 12% tổng diện tích đất lâm nghiệp của cả vùng, trong đó 36,7% diện tích còn bỏ hoang. Diện tích đất cát lớn song canh tác lâm nghiệp còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chính do chưa xác định được cây trồng phù hợp..
Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, người dân vùng cát nội đồng Bắc Trung bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng đa số còn nghèo, đời sống phụ thuộc vào nghề nông, canh tác nông nghiệp thu nhập thấp, trong khi đất cát nội đồng lại bỏ hoang nhiều, đây là một vấn đề dân sinh - xã hội - môi trường cần quan tâm giải quyết. Do đó, xác định được cơ cấu cây lâm nghiệp chính và biện pháp kỹ thuật thích hợp cho vùng cát nội đồng Bắc Trung bộ có một ý nghĩa rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đứng trước nhu cầu cấp bách ấy, sau nhiều năm nghiên cứu chọn lựa lai giống, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ đã tạo được giống keo lá liềm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
TS Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ cho biết, cây keo lưỡi liềm có nguồn gốc từ Úc. Năm 2001, cơ quan này kết hợp với Viện Nghiên cứu giống - CNSH lâm nghiệp xây dựng vườn giống thế hệ một keo lưỡi liềm tại Quảng Trị.
Từ vườn giống này, những cây giống tốt nhất được tuyển chọn để xây dựng các vườn giống keo lưỡi liềm thứ hai và kết quả khảo nghiệm cho thấy vượt trội so với vườn giống ban đầu. Cây keo lưỡi liềm sau 5 năm trở lên cho khối lượng sinh trưởng gỗ đạt từ 21,5 - 28,3 m3/ha/năm, hơn nhiều các loại cây keo khác trồng trên cùng một thửa đất..
Theo ông Đỉnh, keo lưỡi liềm có chu kỳ sinh trưởng từ 6 - 9 năm và nhiều hơn. Song chăm sóc tốt và trồng đúng quy trình kỹ thuật chỉ mất 5 năm có thể cho khai thác lấy gỗ giá trị kinh tế cao. Loại cây này có thân thẳng. Rễ cây phát triển mạnh, có nhiều vi khuẩn cố định đạm cộng sinh nên có tác dụng bảo vệ và cải tạo đất rất tốt, đặc biệt là các vùng cát trắng ven biển.
Ngoài ra, loại keo này có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau kể cả đất đồi và đất cát nội đồng, đất sét khó thoát nước, đất mặn và khả năng chịu hạn tốt. Gỗ keo dùng đóng đồ gia dụng, nguyên liệu giấy, dăm, ván ép... được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Đỉnh, sau thời gian dài trồng thực nghiệm ở nhiều lập địa tại Quảng Trị đã cho kết quả cây keo lưỡi liềm thích hợp với những địa hình phát triển từ những vùng đất có độ cao dưới 200 m, nhưng cũng có thể phát triển tốt ở độ cao đến 700 m so với mực nước biển. Loại cây này có ưu điểm rất phù hợp ở địa hình Quảng Trị và Bắc Trung bộ là nắng lắm, mưa nhiều, chịu được mưa tập trung và còn chịu được gió Lào khô hạn gay gắt..
Hiện Bộ NN-PTNT đã đặt hàng Trung tâm KN-KN Quảng Trị về giống cây này để triển khai trồng keo lưỡi liềm cho các tỉnh Bắc Trung bộ. Với các vùng đất cát ven biển, đặc biệt là các đồi cát nội đồng hoặc đồi cát di động, bán di động thì trồng cây keo lưỡi liềm hình thành rừng phòng hộ bảo vệ đất vừa làm kinh tế, điều hòa khí hậu, chống cát bay, cải tạo môi trường sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho canh tác nông nghiệp và cải thiện đời sống dân sinh.
Quảng Trị và các tỉnh miền Trung nên đưa cây keo lưỡi liềm vào trồng rừng kinh tế để khai thác đúng tiềm năng của đất đai vùng này góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển....