BĐBP kiểm tra các thủ tục để các tàu cá xuất bến.
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An phối hợp Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản (CCBVNLTS) Nghệ An tuyên truyền và thực thi các giải pháp để các chủ phương tiện thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký, đăng ký, trình báo nguồn gốc đánh bắt hải sản và ngư trường khai thác trên biển.
Để nâng cao giá trị hải sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền và kiểm soát chặt chẽ việc hành nghề của ngư dân.
Theo đó, với vai trò nòng cốt của mình, BĐBP Nghệ An phối hợp CCBVNLTS tỉnh trong công tác tuyên truyền và thực thi các giải pháp để các chủ phương tiện thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký, đăng ký, trình báo nguồn gốc đánh bắt các loại hải sản cùng ngư trường khai thác trên biển.
Tại cảng cá Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), các tàu cá đang hối hả chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Cùng việc soạn sửa ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến biển dài ngày thì một trong những thủ tục không thể thiếu đối với mỗi tàu cá là cuốn nhật ký đánh bắt hải sản. Đây là tài liệu rất hữu ích được mỗi chủ tàu mang theo trong mỗi chuyến ra khơi.
Kể từ ngày được các lực lượng chức năng tuyên truyền về các quy định bắt buộc khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân Trần Xuân Thành ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) luôn chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết, bảo đảm cho chuyến biển an toàn và thắng lợi. Cầm những giấy tờ liên quan để trình các cơ quan chức năng kiểm tra, ngư dân Thành cho biết, việc đăng ký ra vào bến, địa điểm ngư trường hoạt động của phương tiện để các ngành chức năng quản lý đối với ngư dân rất cần thiết; giúp cơ quan chức năng theo dõi nguồn gốc khai thác hải sản, vùng biển, nhật ký đánh bắt, sản lượng đánh bắt và phân loại hải sản; đồng thời, giúp việc cứu hộ, cứu nạn kịp thời, nhanh chóng khi tàu và thuyền viên gặp sự cố bất khả kháng trên biển. Việc ghi nhật ký, chứng minh nguồn gốc thủy sản, ngư trường đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân, nhất là sản phẩm bán ra dễ hơn, giá bán cao hơn.
BĐBP kiểm tra các trang thiết bị an toàn trên tàu.
Tuy cũng có những khó khăn ban đầu đối với các chủ tàu là khai thác theo lối kinh nghiệm truyền thống, lại chưa có thói quen ghi nhật ký, như: vĩ độ, kinh độ đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, ngư dân vẫn còn tâm lý sợ lộ ngư trường đánh bắt. Tuy nhiên, sau khi được sự hướng dẫn của BĐBP và CCBVNLTS, đặc biệt, khi nghe tin EU giơ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam thì các ngư dân đã nhận thức được vấn đề sống còn cho công việc này nên việc ghi nhật ký, trình báo nguồn gốc đánh bắt hải sản đã được các chủ tàu cá thực hiện nghiêm túc.
Theo Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy Nguyễn Văn Ước, là một trong những địa phương có đội tàu khai thác xa bờ lớn nhất huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An, cấp ủy, chính quyền đã phối hợp BĐBP và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý điều hành, nhất là tuyên truyền cho các chủ phương tiện khai thác đúng ngư trường theo hướng dẫn; quá trình hoạt động của tàu phải ghi nhật ký khai thác đầy đủ; trong nhật ký phải ghi kinh độ, vĩ độ hoạt động, các chủng loại, sản lượng đánh bắt một cách chính xác, đầy đủ, chi tiết… Điều đáng mừng, sau một thời gian ngắn, thông qua tuyên truyền, hướng dẫn, bà con đã tuân thủ rất nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, vẫn có một số rất ít chủ phương tiện khai thác một tuyến lại khai báo một tuyến khác. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã đã phối hợp Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận và CCBVNLTS tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để bà con ngư dân thực hiện đúng; đồng thời, phát huy hiệu quả của các chi đoàn, chi hội đánh bắt trên biển và hội nghề cá của xã để tuyên truyên truyền, vận động cũng như đấu tranh với việc khai báo không đúng quy định nhằm giấu ngư trường đánh bắt…
Trung tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận Trần Văn Nhàn cho biết, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận hiện quản lý địa bàn chín xã biên giới biển với 996 phương tiện tàu thuyền có công suất hơn 90CV. Đồn luôn xác định, mỗi ngư dân, mỗi con tàu là một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên vùng biển, khi họ vươn khơi bám biển. Những năm gần đây, để hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, BĐBP Nghệ An nói chung và Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận nói riêng đã phối hợp các lực lượng liên quan và chính quyền các địa phương ven biển tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ để ngư dân sát cánh ra khơi, bám biển dài ngày.
Ngoài việc vận động ngư dân đoàn kết, tương trợ nhau trong quá trình khai thác thủy sản một cách hiệu quả, thì khi tàu thuyền gặp sự cố, qua máy bộ đàm bà con trong tổ đoàn kết đã hỗ trợ nhau trong liên lạc, thông báo và giúp nhau ứng cứu hay tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Nhằm thực hiện tốt kế hoạch của Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An về “Mở đợt cao điểm tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch khu vực biên giới biển địa bàn Nghệ An” cùng với tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã trực tiếp đến từng tàu, gặp gỡ các chủ phương tiện, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các quy định khi hành nghề đánh bắt trên biển.
Bên cạnh việc hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký đánh bắt hải sản thì việc giám sát vi phạm nghề cá cũng được Đồn phối hợp lực lượng chức năng chú trọng. Các phương tiện khi xuất cảng đều phải có đầy đủ thủ tục, nếu không sẽ bị từ chối ra biển. Trung tá Trần văn Nhàn cho biết thêm, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch luôn kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành của bà con, nhất là nhật ký khai thác, các thiết bị giám sát hành trình, thiết bị an toàn, các ngư lưới cụ… của các tàu thuyền ra vào cửa lạch.
Tàu cá của ngư dân Lê Văn Kỷ được BĐBP sơn lại biển số.
Rời cảng cá Lạch Quèn xã Quỳnh Thuận, chúng tôi có mặt tại cảng cá Cửa Hội thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò – Bến Thủy. Tại đây, ngư dân Lê Văn Kỷ, trú ở khối Hải Lam, phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) đang hoàn tất các thủ tục để cặp tàu đánh bắt xa bờ của gia đình đủ điều kiện ra khơi.
Cách đây sáu năm, gia đình ông Kỷ mua lại cặp tàu giã để hành nghề trên biển, sau thời gian sử dụng, gia đình đã cho tàu lên đà sửa chữa, bảo dưỡng và lắp thêm các thiết bị giám sát cần thiết cùng các loại giấy tờ theo quy định khi hành nghề trên biển. Sau khi hoàn thành việc bảo dưỡng, ông Kỷ đã đưa cặp tàu này đến Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Hội làm thủ tục sơn lại biển số theo quy định.
Dừng tay sửa soạn những giấy tờ cần phải có cho một chuyến đi biển, ngư dân Lê Văn Kỷ cho biết, trong quá trình làm việc, Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Hội rất tạo điều kiện cho ngư dân. Không chỉ làm thủ tục nhanh, cán bộ Trạm kiểm soát đã tuyên truyền về việc đánh bắt tại các tọa độ đã đăng ký và phổ biến những tọa độ, vị trí không được phép, giúp ngư dân hiểu và thực hiện đánh bắt bảo đảm an toàn.
Để ngư dân nắm bắt và hiểu rõ các quy định khi hành nghề trên biển, Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò – Bến Thủy còn phối hợp địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tại các phường, xã để thông tin cụ thể những nội dung, quy định về hành nghề trên biển đối với các ngư dân và các hộ gia đình có người thân tham gia hành nghề trên biển, qua đó từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động khai thác hải sản trên biển.
Một chủ tàu 800 CV ở Quỳnh Thuận tâm sự, được Chính phủ hỗ trợ cho vay đóng tàu công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ nhưng do trưởng thành từ thuyền bé, nốc nhỏ ra khơi nên việc chấp hành các quy định pháp luật của Việt Nam cũng như quốc tế ngư dân chưa rành rõi lắm. Nay được BĐBP cùng các ngành chức năng tuyên truyền, mọi người mới sáng tỏ ra nhiều vấn đề mà mình cần phải chấp hành càng nghiêm càng có lợi. Ngư dân cũng nhất trí cao việc các ngành chức năng không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các chủ tàu khi giấy phép không còn hạn ngạch khai thác, không lắp và không mở thiết bị giám sát hành trình, không nộp nhật ký khai thác, không khai báo vùng biển đánh bắt, không chứng minh được nguồn gốc hải sản khai thác và không đánh bắt trên vùng biển nước ngoài... Có như vậy, ngư dân mới thực sự có trách nhiệm vì quyền lợi của chính mình và ngành thủy sản Việt Nam, nhất là khi EU đang giơ thẻ vàng đối với ngành thủy sản của chúng ta.
Sản phẩm có nguồn gốc đang là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng, nhất là đối với hải sản lại càng quan trọng khi nhu cầu xuất khẩu cao, bởi vậy mỗi chủ tàu cá cần phải tuân thủ nghiêm việc ghi nhật ký, đăng ký, trình báo nguồn gốc đánh bắt các loại hải sản cùng ngư trường khai thác trên biển, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế, cũng như hạn chế tình trạng một số tàu cá sử dụng ngư cụ đánh bắt tận diệt.
Thành Cầu - Hải Thượng Báo Lao Động