Cục Quản lý Thực Phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phân tích 700 mẫu thủy sản nhập khẩu tại 14 bang trên nước Mỹ, thấy 15% thủy sản gian lận nhãn mác. Tôm và các loại cá có giá trị cao (như cá mú, cá hồng) bị "mạo danh" nhiều nhất. Hầu hết tôm nuôi, nhập khẩu đều "đội lốt" tôm tự nhiên vùng Vịnh để dễ thâm nhập thị trường và qua mắt người tiêu dùng. Hiện tượng này diễn ra phổ biến tại chợ bán buôn thủy sản ở New York. 43% tôm tại chợ này gian lận nhãn mác.
Ngoài ra, Oceana còn kiểm tra 20 mẫu tôm, phát hiện 8 loại tôm lạ không trong danh mục thực phẩm cho con người nhưng vẫn được bày bán tràn lan như tôm "dọn bể", ăn xác các loài ký sinh trên san hô, chỉ dùng nuôi cảnh trong bể thủy sinh. Theo Kimberly Warner, nhà khoa học cấp cao kiêm cố vấn của Oceana, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc ăn các loại tôm "ngoài danh mục" bất lợi cho sức khỏe con người, nhưng theo ý kiến cá nhân Warner cho rằng tôm dọn bể không phải là thực phẩm thích hợp.
43% tôm tại chợ thủy sản ở New York gian lận nhãn mác
Lẫn lộn tôm nuôi, tôm tự nhiên
Hầu hết tôm thẻ chân trắng nuôi, nhập khẩu đều "mạo danh" tôm tự nhiên vùng Vịnh Mexico. Người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng trả giá cao hơn cho tôm vùng Vịnh bởi nhóm tôm này được tổ chức Moneterey Bay Aquarium xếp vào "sản phẩm lựa chọn tốt nhất" hay "sản phẩm thay thế tốt nhất" do hoạt động đánh bắt tôm được quản lý chặt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Tôm nuôi lại khác. Theo Monterey Bay Aquarium, hầu hết tôm nuôi bị xếp vào nhóm thực phẩm "nên tránh", do nhiều trại nuôi gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, lạm dụng hóa chất cấm. Có khoảng 400.000 nhà sản xuất tôm nuôi trên toàn cầu, nhiều nhà máy chế biến và kênh phân phối. Do đó, người tiêu dùng rất khó nhận biết được nguồn gốc của tôm, và chúng được nuôi thế nào.
Theo Gavin Gibbons, người phát ngôn Cục Nghề cá Mỹ (NFI), người tiêu dùng Mỹ coi tôm tự nhiên thuộc nhóm sản phẩm "cao cấp" và tôm nuôi được xếp ở cấp thấp hơn về giá cũng như chất lượng. Tôm là mặt hàng có giá trị giao dịch cao nhất tại thị trường Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ đang lo ngại tôm nhập khẩu, được nuôi tại châu Á nhiễm quá nhiều hóa chất bị cấm tại thị trường Mỹ. Họ cũng không tin tưởng vào tính hiệu quả của hệ thống ghi nhãn xuất xứ sản phẩm của Mỹ, bởi luật này chỉ quy định ghi tên quốc gia sản xuất và chế biến cuối cùng. Do đó, khi cầm trên tay một túi tôm được đánh bắt tại Bắc Mỹ nhưng có nhãn mác "Sản phẩm của Ấn Độ", người tiêu dùng vẫn hoài nghi tôm trong túi được sản xuất tại Ấn Độ hay nơi nào khác?
Sẽ quản chặt hơn
Chính quyền Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng trên. Tháng 6/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố kế hoạch tạo dựng thước đo đảm bảo tất cả thủy sản trên thị trường Mỹ phải đáp ứng được hai tiêu chí là tính bền vững và khả năng truy xuất nguồn gốc. Các chi tiết cụ thể của kế hoạch này chưa được công bố rộng rãi nhưng Chính phủ Mỹ sẽ sớm tuyên bố vào tháng 12/2014.
Theo Gibbons, luật lệ phức tạp và chồng chéo không phải là điều cần thiết. Ngành tôm cần sự quản lý chặt hơn của FDA và thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc khắt khe đối với toàn bộ chuỗi cung cấp, gồm nhiều nhà bán lẻ như Whole Foods và Wegmans, yêu cầu các lô hàng phải cung cấp mã vạch như sản phẩm của Darden và Ym Brands. Chỉ khi nào người tiêu dùng Mỹ tìm ra được đáp án về nguồn gốc và xuất xứ của tôm thì những sản phẩm gian lận mới bị xóa sổ khỏi thị trường này.
>> Tôm nuôi trên thị trường Mỹ thường có giá rẻ hơn tôm tự nhiên, chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ hoặc Đông Nam Á. Hầu hết tôm nội địa là tôm tự nhiên, được khai thác tại 19 bang của Mỹ, 70% từ Vịnh Mexico; trong đó khoảng 21% là tôm nước lạnh cỡ nhỏ, đánh bắt ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, thường được gọi là tôm biển. |