Phóng sự- ký sự

Giảm áp lực cho doanh nghiệp thủy sản

Thứ năm, 04/06/2015 06:06 lượt xem: 883
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% được xem là biện pháp kịp thời, giúp tháo gỡ áp lực về xuất khẩu cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây.

Xuất khẩu khó

Theo thống kê trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%. Trên 90% các hợp đồng xuất, nhập khẩu của thủy sản Việt Nam đều sử dụng đồng USD để thanh toán và khi tỷ giá USD thay đổi thì các doanh nghiệp lao đao.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác như Euro, Yên… trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.

 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị bàn cách tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản đã đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ để đảy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong những tháng còn lại của năm 2015. Báo cáo của Bộ này cho thấy trong vòng 1 năm trở lại đây, USD tăng giá mạnh so với đồng tiền của nhiều nước, trong đó có những nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Trong khi những nước này thả nổi tỷ giá, tại Việt Nam, tỷ giá được neo với USD ở biên độ 2%.

Như một điều tất yếu, hàng thủy sản đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng tôm giảm mạnh nhất gần 30%, cá tra giảm khoảng 18%, cá ngừ hơn 13%. Thị trường Mỹ hiện giảm gần 44%. Hai thị trường lớn khác là EU và Nhật Bản cũng có mức giảm tương ứng là giảm 11% và gần 15%. Ấn Độ đang vào mùa thu hoạch tôm. Giá tôm cỡ lớn của Ấn Độ đã giảm đến 2 USD/kg so với tôm Việt Nam; tôm cỡ nhỏ giảm 0,5 - 1 USD/kg.

Quyết định tăng tỷ giá thêm 1% bắt nguồn từ diễn biến trên thị trường trong nước là tỷ giá có xu hướng tăng, chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường, mặc dù cung cầu ngoại tệ không có gì đột biến, mọi nhu cầu hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đều được các ngân hàng thương mại đáp ứng kịp thời. Đây là thời điểm phù hợp để NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá.

Cụ thể, từ cuối năm 2014 đến nay, USD tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới và nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi vững chắc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 và suy thoái sau đó. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới vẫn chật vật trong việc nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và chống suy thoái.

Cho tới nay, đã có khoảng 25 ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới tiếp tục hạ lãi suất và thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ, NHTW châu Âu đang thực hiện chương trình mua trái phiếu trị giá tới 60 tỉ euro/tháng, NHTW Vương quốc Anh tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp, Nhật Bản tung thêm gói kích thích kinh tế mới, Trung Quốc liên tục giảm lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nguy cơ GDP năm 2015 có thể chỉ tăng dưới 7%...

Quyết định tăng tỷ giá lần này sẽ có tác dụng hỗ trợ xuất khẩu, nhất là khi Việt Nam xuất siêu vào thị trường Mỹ và thị trường các nước phát triển khác như EU, Nhật Bản, nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô và cấp độ ngày càng tăng mạnh. Vì thế, tăng tỉ giá trong tình hình hiện nay sẽ có tác dụng củng cố cán cân vãng lai và giảm nhập siêu, góp phần hỗ trợ cán cân thanh toán và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Đối với khu vực doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1% sẽ sát với thực tế thị trường, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ. Qua đó, các doanh nghiệp có thể chủ động lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện