Lăng Kính Doanh Nhân

Doanh nghiệp còn gặp khó trong chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác

Thứ bảy, 02/12/2017 08:00 lượt xem: 11440

Sáng 30/11, tại TPHCM, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội nghị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất, xuất khẩu, hiện trạng và giải pháp.

 

Doanh nghiệp còn gặp khó trong chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác

Doanh nghiệp gặp khó khăn trong chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Ảnh: Internet

Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, gần cuối tháng 10 vừa qua, EU có cảnh báo thẻ vàng với Việt Nam trong 6 tháng vì những nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Hiện ngành thủy sản hàng năm phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản khoảng hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Trong bối cảnh này, một số mặt hàng nguyên liệu thủy sản phục vụ cho chế biến xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực đầu năm 2019, có quy định xử lý liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp và xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Đặc biệt, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt đến 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành nông nghiệp đang dự thảo sửa đổi Thông tư 26 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật để đáp ứng Chương trình cam kết chống khai thác IUU với EU. Thông tư này có một số bất cập, về giấy chứng nhận khai thác CC và chứng nhận an toàn sức khỏe HC.

Ông Huỳnh Thanh Lĩn, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty Hải Vương, Khánh Hòa đề xuất: "Bộ Nông nghiệp đang yêu cầu tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam là phải nộp ngay chứng nhận đánh bắt gọi là CC, như vậy doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được. Nếu mà Thông tư này được thông qua thì toàn bộ hàng nhập sản, xuất khẩu của chúng tôi hiện nay là sẽ không thể nhập khẩu được. Đó là khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương có giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp đưa ra liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, như thực hiện nộp hồ sơ qua mạng, ưu tiên cho doanh nghiệp đưa hàng về kho sau đó hoàn tất thủ tục kiểm dịch xuất nhập khẩu, cho phép khai báo bổ sung đến 60 ngày không bị xử phạt, phân loại doanh nghiệp để kiểm tra.

Ông Bạch Đức Lữu, Chi Cục Trưởng  Chi cục Thú y vùng 6 TPHCM, cho biết kiểm dịch thủy sản hàng gia công chế biến chỉ có 1 tờ phụ lục, không lấy mẫu kiểm tra, còn hàng tiêu thụ nội địa chỉ có văn bản quản lý của Cục, một phụ lục 3 và giấy chứng nhận kiểm dịch. Việc kiểm dịch hàng xuất khẩu là không có ràng buộc cụ thể mà chỉ kiểm dịch khi có yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu và yêu cầu của nước nhập khẩu mới tiến hành thủ tục kiểm dịch cho lô hàng xuất khẩu...

Theo VOH

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện