Sự Kiện

Đồ khô tăng giá “chờ Tết”

Thứ bảy, 28/12/2013 09:51 lượt xem: 1220
Cùng với nhiều loại thực phẩm khác, mặt hàng đồ khô đang bước vào thời vụ làm ăn, phục vụ Tết.

Cùng với nhiều loại thực phẩm khác, mặt hàng đồ khô đang bước vào thời vụ làm ăn, phục vụ Tết.

Măng khô, miến, bóng, mộc nhĩ, nấm hương, tôm khô, hạt gia vị…là những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của mỗi gia đình. Tết đến gần, các mặt hàng khô này đã tràn xuống phố, len lỏi vào các khu chợ. Không khí mua sắm đã bắt đầu nhộn nhịp và đương nhiên, giá những mặt hàng này cũng "nhộn nhịp" theo.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ quanh Hà Nội cho thấy mức giá tăng từ 10 - 15% tùy sản phẩm. Hiện 1kg măng khô có giá dao động từ 250.000 - 350.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 30.000 đồng tùy loại. Măng lá có giá 180.000 - 210.000 đồng/kg, măng vầu được bán với giá 220.000/kg.

Nấm hương là mặt hàng leo giá mạnh nhất, tăng khoảng 30%. Trên thị trường có rất nhiều loại nấm hương, trong đó loại nấm vụn, cánh mỏng, không đều, giá đã lên khoảng 310.000 - 330.000 đồng/kg. Loại nấm to, đều, cánh dày có giá khoảng 360.000 - 380.000 đồng/kg. Mộc nhĩ không chân có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Mặt hàng mì, miến khá phong phú, nhiều chủng loại với mức giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg, tăng khoảng 20% so với thời điểm cách đây nửa tháng. Các loại gia vị cũng có mức tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Các loại hạt điều, hạt sen, hạt dẻ có giá từ 300.000-350.000 đồng/kg. Các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương, mứt bí, mứt dừa có giá bán từ 75.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 5 - 7% so với trước đây.

Theo chị Mai Ngọc Minh (tiểu thương ở chợ Đồng Xuân), việc tăng giá đồ khô mỗi khi Tết đến không còn là chuyện lạ. Đặc biệt, năm nay giá cả đua nhau leo thang, lại mưa bão mất mùa liên tiếp nên giá những mặt hàng này tăng là chuyện có thể đoán trước.

Các tiểu thương cũng cho biết, giá nhập các mặt hàng khô tăng từ đầu tháng 11. Đây là mức tăng trung bình so với năm trước, đến sát Tết giá có thể tăng thêm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.

Với kinh nghiệm mua sắm Tết nhiều năm, bác Vũ Thị Lan (Ba Đình – Hà Nội) chia sẻ: “Mua hàng khô dự trữ Tết ở thời điểm này là hợp lý nhất bởi giá cả chưa bị đội lên quá cao, các mặt hàng chất lượng cũng tốt hơn so với cuối vụ. Tuy nhiên, cũng nên mua ở mức vừa phải, không nên tích trữ quá nhiều tránh gây lãng phí vì những mặt hàng này lúc nào cũng có thể mua dễ dàng ở bất cứ đâu”.

Trước tình hình giá cả leo thang, nhiều tiểu thương điêu đứng vì số vốn phải bỏ ra lớn hơn so với những năm trước rất nhiều. Mặt khác, trong thời điểm kinh tế khó khăn chung, người mua đều thắt chặt hầu bao hết mức có thể thì việc kinh doanh khó khăn, sức mua giảm là điều khó tránh.

Cảnh giác hàng kém chất lượng

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đồ khô vào dịp cận Tết đều tăng giá nên hầu hết những chủ hàng tại các chợ thường “găm” hàng cả năm, đợi đến những tháng gần Tết mới “bung” hàng. Điều đáng nói, theo quan sát của phóng viên tại các chợ, hầu hết các mặt hàng khô bày bán phổ biến tại các chợ đều không có hạn sử dụng, rất ít khi được đóng gói riêng lẻ và không nguồn gốc, không nhãn mác, không túi bảo quản; nhà sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn không rõ ràng.

Song theo thói quen, nhiều người tiêu dùng tỏ ra rất dễ tính khi mua các loại sản phẩm này. Chị Trần Huyền Trang (một khách mua hàng tại chợ Đồng Xuân) cho biết: “Vì là hàng khô nên tôi không quan tâm nhiều đến những thông tin về sản phẩm lắm. Với lại thấy ở chợ người ta vẫn bày bán theo từng bao lớn nên tôi thường mua luôn mà không để ý”. Cùng với đó là lý giải của những người bán hàng: Đồ khô bị mốc là chuyện bình thường, chỉ cần có nắng đem phơi khô là lại sử dụng được ngay”.

Chính vì vậy, theo cách hiểu của nhiều người, hàng khô khá an toàn về vệ sinh bởi chúng đã được phơi khô, sơ chế. Nhưng trên thực tế, mặt hàng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Không ai có thể dám chắc rằng, các loại thực phẩm này đã đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến hoặc vận chuyển, đặc biệt với điều kiện bảo quản và đóng gói khá sơ sài bằng bao tải hoặc bao nilon. Nhất là vào những ngày độ ẩm lớn, những sản phẩm khô thường “hút ẩm”, mà sản phẩm khô đã bị ẩm thì rất nhanh hỏng, không đảm bảo chất lượng, ăn vào dễ sinh bệnh, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

Mặt khác, vì làm thời vụ nên hầu hết các cơ sở thu mua, bày bán đều“phớt lờ” quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thế, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, người tiêu dùng nên "tẩy chay" những mặt hàng không nguồn gốc, không nhãn mắc, không hạn sử dụng. Chỉ tin dùng những mặt hàng có ghi rõ địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên hệ rõ ràng tại những cơ sở uy tín.

Dù không phải mặt hàng dễ hỏng nên dùng đợt Tết này chưa hết thì để ra Giêng vẫn được. Thế nhưng, khí hậu nóng ẩm, thất thường ở nước ta sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc, mối mọt ở thực phẩm, nhất là thực phẩm khô. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên chú ý trong khâu bảo quản, để nơi khô ráo, thoáng mát, đồng thời phải vệ sinh sạch sẽ, sơ chế kỹ lưỡng trước khi sử dụng tránh trường hợp sử dụng phải những thực phẩm hư hỏng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện