Đề xuất 5 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo dự thảo Quyết định quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Trong đó Bộ đề xuất Danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm 5 đối tượng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phải đáp ứng các tiêu chí sau:
1- Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
2- Sản xuất tập trung theo quy mô lớn, có sản lượng, giá trị sản xuất, giá trị xuất khẩu lớn và tạo sản phẩm giá trị gia tăng. Cụ thể, về quy mô sản xuất: Được nuôi ít nhất tại 5 tỉnh; diện tích, thể tích: 200.000 ha hoặc 1 triệu m3 lồng; sản lượng tối thiểu 200.000 tấn/năm; giá trị sản xuất tối thiểu 4.000 tỷ đồng/năm; giá trị xuất khẩu tối thiểu 20 triệu USD/năm; có sản phẩm giá trị gia tăng thông qua chế biến.
3- Có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo nên thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế.
4- Phát huy lợi thế về tài nguyên, điều kiện tự nhiên và nhân lực; tạo động lực thúc đẩy các ngành nghề có liên quan cùng phát triển.
Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm có:
1- Tôm sú (Penaeus monodon Fabricus, 1798);
2- Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931);
3- Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878);
4- Cá rô phi (Oreochromis sp.);
5- Ngao/nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata).
VGP News Tuệ Lê