Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng của nông dân huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) mang lại hiệu quả cao. Ảnh: C.L
Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đang duy trì thế mạnh về phát triển con tôm sú, đặc biệt chúng ta có lợi thế về chứng nhận tôm sú sinh thái, tôm sú hữu cơ đã có vị trí trên thị trường.
Thời gian vừa qua, trong định hướng thị trường ngành tôm, ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, thì tôm sú sinh thái, tôm rừng, tôm lúa và tôm quảng canh là thế mạnh của ngành tôm.
"Tôm của chúng tôi phải đạt chứng nhận, mỗi chứng nhận sẽ đáp ứng cho thị trường cụ thể. Có được nhiều chứng nhận thì chúng ta có thể bán được nhiều nơi. Khi đã có giấy chứng nhận hữu cơ thì doanh nghiệp sẽ mua tôm cho hộ nuôi với giá cao hơn tôm thường 10%”.
Ông Lê Văn Quang- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú.
Bên cạnh đó, với lợi thế là loài tôm có kích thước lớn, chất lượng thịt ngon được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu về tôm sú ở thị trường trong nước và thế giới đều cao, phù hợp với phần lớn diện tích nuôi tôm nước lợ của nước ta như quảng canh cải tiến, tôm - rừng, tôm -lúa, ít bị cạnh tranh trên thế giới, giá cả ổn định ở mức cao.
Tại tỉnh Cà Mau, những năm gần đây các doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn như Minh Phú, CASES, Camimex, Seanamico... đã liên kết với các ban quản lý rừng và các hộ dân nuôi tôm sinh thái đạt chứng nhận quốc tế.
Nhận định của ngành chức năng và nông dân, đây là loại hình sản xuất tôm bền vững vì hoàn toàn không sử dụng hoá chất trong quá trình nuôi.
Dự kiến đến năm 2020, tỉnh Cà Mau sẽ có 35.000ha nuôi, với 100% hộ dân trong vùng sinh thái được tập huấn, tham dự hội thảo về nuôi tôm sinh thái, có hệ thống thu gom chất thải, 100% số hộ tham gia vào loại hình kinh tế tập thể; có 80% lượng tôm giống cung ứng cho người dân.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật được giới thiệu
Giới thiệu và chia sẻ những tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm trong nuôi trồng và sản xuất tôm sú hữu cơ ở ĐBSCL là các nội dung được quan tâm nhất tại diễn dàn Khoa học công nghệ về nuôi tôm sú hữu cơ vùng ĐBSCL, do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau tổ chức mới đây.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, hộ nông dân thực hiện các mô hình tôm sú hữu cơ như tôm sinh thái, tôm - lúa, nuôi tôm kết hợp với các đối tượng khác đã đưa ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm cho sự phát triển bền vững hơn trong nuôi tôm sú.
Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Cà Mau đang từng bước phục hồi rừng. Hằng năm có trên 1.000ha rừng được ngành nông nghiệp triển khai trồng trong mô hình rừng - tôm để mô hình này phát triển ổn định hơn.
Nhờ tham gia mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, nông dân huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã có thu nhập cao. Ảnh: Chúc Ly
Các đại biểu đánh giá cao các giải pháp sản xuất tôm sú tiên tiến như: Ương giống lớn cho nuôi tôm sú ở ĐBSCL, giải pháp kỹ thuật nuôi tôm sú - lúa hiệu quả, bền vững; giải pháp nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hiệu quả, bền vững... Các giải pháp này được các đại biểu đánh giá cao, kỳ vọng mang lại hiệu quả hơn khi được triển khai thực hiện nhân rộng trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, cho rằng: Hiện nay hình thức nuôi tôm sú quảng canh tiềm ẩn nhiều bệnh từ sông và rừng, vấn đề cốt lõi mà chúng tôi trăn trở nhiều năm nay là nếu chúng ta vẫn tiếp cận giống tôm không sạch bệnh thì tỷ lệ sống rất thấp, chi phí nuôi cao. Cho nên đối với các mô hình tôm - rừng, tôm quảng canh, tôm - lúa, chúng tôi muốn phát triển theo hướng tiếp cận tôm giống kháng bệnh.
Nhiều đại biểu nhận định, để đạt được các chứng nhận hữu cơ, nông dân phải có được chứng nhận về con giống, thức ăn, vùng nuôi, doanh nghiệp có chứng nhận về nhà máy chế biến... Cần có một chuỗi như vậy để xây dựng được thương hiệu tôm sú hữu cơ.
Để xây dựng chuỗi tôm sú đạt chứng nhận, ông Đinh Xuân Lập (ICAFIS) cho rằng: Trước hết cần tăng cường tổ chức người nuôi hiện nay thành các tổ, nhóm hay hợp tác xã có tính pháp lý nhằm khắc phục hạn chế về sản xuất quy mô nhỏ trong nuôi tôm ở Việt Nam. Ngoài ra, người nuôi cần ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của người nuôi về những lợi ích và sự cần thiết trong việc liên kết chuỗi.
Cùng với đó, ngành chức năng các tỉnh khu vực ĐBSCL khuyến cáo, người nuôi tùy điều kiện cụ thể, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bổ sung như: Trồng lúa trên đất nuôi tôm vào mùa mưa (đối với vùng sản xuất tôm - lúa) kết hợp thả tôm càng xanh hoặc các đối tượng thủy sản khác để cải thiện môi trường và giảm các tác nhân gây bệnh.
Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định: Thông qua diễn đàn, chúng ta đã biết đến những mô hình sản xuất hiệu quả từ trong nông dân được đúc kết qua qua trình sản xuất; những tiến bộ kỹ thuật được các nhà khoa học giới thiệu. Mong rằng thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thông tin tuyên truyền, thay đổi cách tập huấn, đào tạo, hướng dẫn nông dân, để những kết quả này được nhân rộng, hướng tới xây dựng thương hiệu mạnh cho tôm sú Việt Nam.
“Tôi mong rằng nông dân sẽ tiếp thu những điều mới và hiệu quả trong nuôi tôm sú hữu cơ, hiểu được vai trò của của con tôm sú hữu cơ để áp dụng vào mô hình của mình một cách hiệu quả nhất, đồng thời truyền đạt, nhân rộng cho nhiều người khác cùng thực hiện” - ông Luân nhấn mạnh.
Chúc Ly Báo Dân Việt