Kỹ thuật nuôi

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi năm 2018

Thứ sáu, 22/12/2017 09:00 lượt xem: 722

Người dân ở các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị cho vụ nuôi tôm nước lợ, mặn năm 2018. Để vụ nuôi mới thành công, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi.

 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi năm 2018

Thu hoạch tôm ở Phú Yên

Cần đầu tư hạ tầng cơ sở

Theo Sở NN-PTNT, diện tích thủy sản nước lợ, mặn trên địa bàn tỉnh năm 2017 đã thả nuôi khoảng 2.277ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 2.030ha. Từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi được triển khai quyết liệt, hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến địa phương được thiết lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để, các loại bệnh nguy hiểm trên tôm như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng… vẫn còn xảy ra suốt vụ nuôi và ở hầu hết các vùng nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 208ha tôm thẻ chân trắng, tôm sú bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và chết do môi trường.

Ông Lê Văn Chánh, người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cho biết: Năm 2017, gia đình tôi thả nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 5.000m2. Mặc dù con giống mua ở các cơ sở có uy tín, nhưng cả ba vụ nuôi đều xuất hiện bệnh trên đàn tôm. Vụ đầu tiên, tôm nuôi được gần 1 tháng thì bệnh, lỗ vốn khoảng 30 triệu đồng. Hai vụ sau cũng xuất hiện bệnh khi tôm nuôi hơn 2 tháng nên xuất bán đều có lãi, nhưng không nhiều…

Hiện nay, một số hộ nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch đã cải tạo ao hồ để chuẩn bị thả nuôi vụ mới năm 2018. Tuy nhiên, do thời tiết hiện nay rất lạnh và dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn lạnh nên chưa có người thả nuôi vụ mới. Còn ông Nguyễn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), cho biết: Hiện nay cơ sở hạ tầng vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch chưa đảm bảo, ô nhiễm môi trường cũng thường xảy ra, vùng nuôi chưa được quy hoạch cụ thể, chi tiết nên nghề nuôi tôm ở đây thiếu ổn định. Để vụ nuôi tôm năm 2018 thành công, các ngành chức năng của tỉnh cần có giải pháp quản lý tốt con giống, môi trường và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm…

dịch bệnh trên tôm, dịch bệnh thủy sản, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nuôi tôm

Người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) đang xử lý ao nuôi chuẩn bị thả tôm - Ảnh: ANH NGỌC

Ông Lê Thanh Sang cũng ở xã Hòa Hiệp Nam, cho hay: Tỉnh đã chọn khoảng 60ha ở xã Hòa Hiệp Nam để triển khai mô hình nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP. Khi dự án triển khai, người nuôi tôm ở đây rất phấn khởi vì được đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở nhằm đảm bảo cung cấp điện, nước để chủ động cho vùng nuôi và tạo giải pháp nuôi tôm ổn định, bền vững hơn. Đến nay, dự án này đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 3 tuyến kênh cấp và thoát nước với chiều dài khoảng 2.000m, đầu tư một trạm biến áp 400KVA và nâng cấp đường giao thông nông thôn đến khu vực sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống điện từ trạm biến áp đến khu vực ao hồ nuôi tôm chưa được đầu tư nên người nuôi chưa sử dụng được điện vào mục đích sản xuất. Để nghề nuôi tôm ở đây phát triển ổn định, chúng tôi kiến nghị tỉnh và huyện sớm quy hoạch chi tiết vùng nuôi, tiếp tục đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh mương, đưa điện đến từng hồ nuôi để bà con yên tâm sản xuất.

Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, năm 2017, trên địa bàn huyện đã thả nuôi khoảng 1.010ha tôm nước lợ. Đến nay, khoảng 130ha tôm nuôi bệnh, chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và đỏ thân, trong đó mất trắng khoảng 20ha. Huyện đã hỗ trợ cho các địa phương 9.250kg chlorine để xử lý kênh mương và các ao nuôi tôm bị bệnh nhằm hạn chế lây lan ra diện rộng, đồng thời hỗ trợ 600kg cá rô phi giống để các hộ nuôi ghép với tôm nhằm xử lý môi trường ao nuôi.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Sở NN-PTNT, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi là do môi trường nuôi bị suy thoái, ô nhiễm hữu cơ, hệ thống công trình nuôi hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt. Đa số người nuôi đều sử dụng nước cấp trực tiếp từ bên ngoài vào ao không qua xử lý, diệt khuẩn nước nên mầm bệnh dễ xâm nhập và gây bệnh. Mặt khác, thời tiết biến động bất thường làm sức đề kháng của thủy sản nuôi bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây bệnh. Hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi thủy sản còn nhiều hạn chế, ý thức một bộ phận không nhỏ hộ nuôi còn kém, chưa bảo vệ môi trường nuôi chung, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành. Ngoài ra, chất lượng con giống không đảm bảo, không được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm trước khi thả, trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, chưa áp dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh được cơ quan chuyên môn phổ biến…

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Hiện đơn vị đã có thông báo chi tiết lịch thời vụ, mật độ thả nuôi phù hợp cho từng vùng và đã gửi đến các địa phương để triển khai vụ nuôi tôm năm 2018. Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc bám sát cơ sở, thực hiện những công việc đã phân công, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi năm 2018…

Kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở; nắm bắt, tiếp nhận và báo cáo thông tin dịch bệnh, phục vụ cho công tác cảnh báo và phòng chống dịch bệnh kịp thời. Các sở, ngành chức năng thực hiện lấy mẫu định kỳ giám sát các loại bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại các vùng nuôi và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về bệnh thủy sản, giải pháp phòng trị bệnh và các quy định về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi; tổ chức kiểm tra đột xuất giống thủy sản tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, giống thủy sản nhập vào tỉnh nhằm kiểm soát mầm bệnh ngay từ đầu. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản của địa phương mình; chủ động bố trí nguồn ngân sách cấp huyện để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản theo quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y khi có dịch bệnh xảy ra trên thủy sản nuôi.

Anh Ngọc

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện