Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm chứa tạp chất tỉnh Cà Mau, qua công tác rà soát và tuyên truyền vận động, trên 1.200 cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản trong tỉnh ký cam kết không thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và không thu mua, sơ chế, vận chuyển, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đồng thời, có trên 20 doanh nghiệp ký cam kết không thu mua, chế biến tôm có chứa tạp chất.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau Lý Văn Thuận cho biết: “Vấn nạn bơm chích tạp chất tồn tại rất nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Lần triển khai Chỉ thị 20 này của Chính phủ thấy có vẻ quyết liệt lắm nhưng không biết cầm cự được đến khi nào. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 90% tôm nguyên liệu không có tạp chất. Ðây không phải là lần đầu ra quân dọn dẹp. Trước đây cũng vậy, sau thời gian ra quân quyết liệt tình hình tạm lắng và sau đó thì buông lỏng quản lý, tình hình phát triển mạnh và tinh vi hơn”.
Tình trạng tôm chích tạp chất nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ gây ra tác hại lớn, đó là nguy cơ làm mất uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam, có khả năng làm cho sản phẩm bị tẩy chay trên thị trường thế giới. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 11 tháng năm 2014, có 1.146 tấn hàng của doanh nghiệp bị trả về, do dư lượng kháng sinh vượt chuẩn quy định. Vụ việc này đã tác động xấu đến xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ (xuất khẩu giảm từ 22,17% còn 20,56%).
Ðể ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng tỉnh rất quyết liệt trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu trên địa bàn. Qua kiểm tra 30 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Ban chỉ đạo 1226 tỉnh Châu Công Bằng trăn trở: Việc các tỉnh phối hợp thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình từng lúc từng nơi có khác nhau. Lúc nóng lúc dịu.
Công tác quản lý cũng vậy, có lúc tăng cường, có lúc buông lỏng. Diễn biến này kéo dài và phức tạp trong nhiều năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tình hình này vẫn còn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm. Tạp chất ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu trong nước và thế giới. Nếu không kiên quyết thì tình hình trở nên xấu đi, làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn, không nên buông lỏng trong quản lý, hãy xem nó như một căn bệnh cần sớm loại bỏ”.
Thật ra vấn đề loại bỏ tạp chất ra khỏi tôm nguyên liệu không phải là khó. Tuy nhiên, do mình chưa có giải pháp đồng bộ trong quản lý nên tình hình này mới dây dưa kéo dài thời gian qua. Nhiều người đổ lỗi cho doanh nghiệp (có cầu thì mới có cung); doanh nghiệp thì lập luận, nếu không mua thì nguyên liệu đâu để nhà máy duy trì hoạt động sản xuất. Cuối cùng là do các cơ sở thu mua đã vì chút lợi ích trước mắt mà tổ chức bơm chích tạp chất để tăng trọng lượng, tăng kích cỡ, thu lợi bất chính từ hành vi này.
Xác định được đối tượng nhưng chế tài chưa đủ mạnh nên tình hình cứ dây dưa kéo dài. Từ khi Chỉ thị 20 của Chính phủ có hiệu lực (chế tài đủ mạnh) thì tình hình có vẻ lắng dịu hơn. Tuy nhiên, đó chưa phải là kết quả cuối cùng, hy vọng rằng ngành chức năng sẽ duy trì được “trật tự” này trong thời gian dài để căn bệnh “tạp chất” có thể được điều trị dứt điểm.