Cấp nước chất lượng kém vào ao tôm làm nguy cơ lây lan dịch bệnh
Hiện nay, nguồn nước nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa đang bị ô nhiễm nặng. Không chỉ chịu sự tác động từ việc xả thải chất thải từ các khu công nghiệp, đô thị mà nhiều vùng nuôi trồng do dùng chung 1 hệ thống kênh cấp, kênh thoát, không có hệ thống xử lý nước thải , xả tràn lan ra các dòng sông dẫn đến nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường trong ao nuôi.
Nguồn nước thải chưa qua xử lý tại ao nuôi tôm thẻ chân trắng vùng ngoại đê xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa xả trực tiếp ra môi trường, kênh mương… xác gia cầm chết trôi nổi trên miệng cống Hội Bạc… là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Trong khi, đây lại là kênh đầu mối dẫn nước để cấp cho diện tích 106 ha nuôi trồng thủy sản vùng Nội đê của xã Hoằng Phụ. Vì thế, hiện có tới 30% các hộ nuôi trồng thủy sản vùng nội đê do Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Phụ quản lý đều xảy ra hiện tượng tôm chết. Nhiều hộ tỷ lệ tôm chết từ 70% đến 90%, số còn lại cũng khó cứu được.
Ông Chu Ngọc Đệ (Phó GD HTX dịch vụ nông nghiệp – nuôi trồng thủy sản Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) cho biết: "Hiện nay, NTTS chịu rất nhiều ảnh hưởng nhiều nhất về môi trường, môi trường rất nhiều nguồn xả thải ra chúng tôi lấy nước nên dẫn tới năm nay tôm chết toàn bộ do môi trường chứ không phải dịch bệnh. Bởi vì nguồn nước này chúng tôi không thể cứu vãn được, bắt buộc tháo đi rồi lại lấy vào chứ không có nguồn nước nào cung cấp cả dẫn đến chúng tôi thất thiệt rất nhiều vì nguồn nước"
Hiện nay, trên 30% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm. Chịu tác động nặng nề nhất là các xã vùng biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia, do tỷ lệ nước bị ô nhiễm ở các địa phương này lên đến trên 50%.
Ông Vũ Văn Hà (Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa) cho biết: "Trước hết về mặt cảnh báo thì người dân cần lưu ý: khi lấy nguồn nước vào cần quan sát cũng như theo dõi thông tin về xả thải cũng như nguồn nước từ môi trường bên ngoài vào. Hạn chế tối đa việc lấy nguồn nước bên ngoài vào hoặc lấy số lượng vào với tỷ lệ ít 15 đến 20%. Phải nuôi trong ao với hình thức nuôi kín hoặc cấp nước bổ dung. Bổ sung các chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nước"
Trước hiện tượng cá, ngao chết hàng loạt ở Quảng Xương, Tĩnh Gia trong thời gian gần đây, các ngành, địa phương đã tăng cường chỉ đạo các hộ nuôi trồng thủy sản thường xuyên kiểm tra nguồn nước, con giống, thực hiện tốt công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi, xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường bằng các chế phẩm sinh học. Đặc biệt, bà con cần có các dụng cụ, thiết bị đo đạc và quan trắc các yếu tố môi trường để khi vượt ngưỡng cho phép thì sớm có biện pháp khắc phục kịp thời để quản lý tốt chất lượng nước trong ao nuôi.
Lan Hương – Quang Hòa – Quang Khải TTV