Hội thủy sản

Cá cảnh, tiềm năng lớn, XK nhỏ...

Thứ bảy, 21/11/2015 07:53 lượt xem: 2060

Tuy có tiềm năng lớn nhưng giá trị xuất khẩu cá cảnh của nước ta còn khá khiêm tốn, mới chỉ vào khoảng 10-12 triệu USD/năm.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi và xuất khẩu cá cảnh. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà xuất khẩu cá cảnh hiện còn khá khiêm tốn với giá trị trên 10 triệu USD/năm. Đó là những thông tin vừa được đưa ra tại tại hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh Việt Nam” do Sở NN-PTNT TP.HCM và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 19/11/2015. Thông tin tại hội thảo cho thấy cả nước ta hiện có khoảng trên 500 cơ sở sản xuất, ương nuôi cá cảnh, tập trung ở một số đô thị lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Cá cảnh không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Trong đó TP.HCM là trung tâm sản xuất và xuất khẩu cá cảnh lớn nhất nước. Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM đã đạt 9,6 triệu con. Tuy có tiềm năng lớn nhưng giá trị xuất khẩu cá cảnh của nước ta còn khá khiêm tốn, mới chỉ vào khoảng 10-12 triệu USD/năm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều giống cá cảnh đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới lại chưa được phép nhập khẩu về Việt Nam. Ông Lê Hữu Thiện, TGĐ Cty Sinh vật cảnh Thiên Đức, cho biết, có nhiều giống cá cảnh chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, và quan trọng là nhiều nước đã sản xuất hàng chục năm nay, nhưng Việt Nam vẫn chưa cho phép nhập khẩu con giống. Do khó khăn về nhập khẩu con giống tốt qua đường chính ngạch mà nhiều giống cá cảnh được sản xuất ở Việt Nam đang bị thoái hóa nên mất dần khách hàng nước ngoài. Ông Tống Hữu Châu, chủ trang trại Châu Tống (TP.HCM), cho hay, giống cá sim đá, trước đây nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM xuất khẩu được ra nước ngoài với giá 0,5-0,8 USD/con. Gần đây, họ không mua cá này của Việt Nam nữa mà mua của Thái Lan dù giá cao hơn (0,9 USD/con). Lý do là giống sim đá ở Việt Nam vì đã bị thoái hóa nên chỉ lớn được tới 3 cm là hết cỡ, trong khi cũng giống này ở Thái Lan có thể đạt chiều dài 4-5 cm. Cũng do nguồn giống bị hạn chế mà có những loài, ở nước ngài có tới hàng chục giống khác nhau (như cá bảy màu trên thế giới có tới 50 giống), còn ở ta số loài cá giống còn khá hạn chế, đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người chơi cá cảnh trên thế giới. Bên cạnh đó, người nuôi cá cảnh còn gặp khó khăn lớn về dịch bệnh mà gần như chưa có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Xuất khẩu cá cảnh còn đang gặp phải một rào cản lớn là những quy định khắt khe về an toàn dịch bệnh mà nhiều nước đưa ra dựa trên các quy định của Tổ chức Thú y thế giới, Hiệp định an toàn vệ sinh động thực vật của WTO. Trong khi đó, theo ông Lê Đức Liêm (Phân Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phía Nam), các cơ sở cá cảnh ở Việt Nam do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên chưa đáp ứng đủ điều kiện về giám sát an toàn dịch bệnh. Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và BVNLTS TP.HCM, thừa nhận, phát triển cá cảnh chưa tương xứng với tiềm năng của nó, có lỗi không nhỏ của cơ quan nhà nước, từ vĩ mô đến vi mô. Bởi mãi đến gần đây cá cảnh mới được coi là một đối tượng kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở một số đô thị. Chẳng hạn, đến năm 2011, cá cảnh mới được đưa vào danh sách các đối tượng nuôi quan trọng của nông nghiệp TP.HCM..

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện