Sự Kiện

Bỏ tiền tỷ nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Thứ năm, 09/10/2014 06:21 lượt xem: 1096
Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam phải bỏ ra tiền tỷ để NK ngô, đậu tương về làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN). Bất cập này được Bộ NN&PTNT giải quyết theo hướng chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô, nhưng hiệu quả xem ra chưa như mong đợi.

Gần 40% thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ Trung Quốc

Nông dân mừng vì thức ăn chăn nuôi không chịu thuế VAT

Nhập khẩu liên tục tăng

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT: Ước tính khối lượng ngô NK trong 9 tháng đầu năm đạt gần 3,15 triệu tấn, giá trị NK đạt 820 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 1,9 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Tương tự, 9 tháng qua số lượng và giá trị NK đậu tương cũng tăng lần lượt là 11,5% và 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian qua, để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu sản xuất TACN, diện tích gieo trồng ngô đã không ngừng được mở rộng. Nếu như năm 2001, tổng diện tích ngô là 730.000 ha thì đến năm 2005 đã tăng trên 1 triệu ha, và năm 2010, con số này chạm mức 1,12 triệu ha. Trong năm 2014, Bộ NN&PTNT dự kiến mở rộng diện tích trồng ngô cả nước lên 1,23 triệu ha, tăng 73 nghìn ha so với năm 2013. Để đạt được điều này, hàng chục nghìn ha đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng ngô. Tuy nhiên, việc “dựa dẫm” vào NK chưa có nhiều cải thiện.

Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đánh giá: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trước hết, sản lượng ngô trong nước liên tục tăng lên hàng năm, nhưng nhu cầu TACN tăng còn mạnh hơn. Năm 2014, nhu cầu dự tính ít nhất phải là 18 triệu tấn, như vậy cần 8 triệu tấn ngô. Dù sản lượng ngô năm 2014 được dự báo sẽ đạt cao nhất từ trước đến nay, nhưng cũng chỉ tới con số 5,5 triệu tấn.

“Điểm bất cập nữa là hiện nay giá ngô NK còn thấp hơn giá sản xuất trong nước. Cụ thể, giá thành ngô NK về đến Việt Nam khoảng 5.200 đồng/kg, trong khi trên thị trường Việt Nam ngô nông dân sản xuất ra có giá bán 6.000- 6.500 đồng/kg. Điều này là do năng suất ngô bình quân trên thế giới đạt 9-10 tấn/ha, cao hơn hẳn mức 4,8 tấn/ha ở Việt Nam hiện nay”, ông Lê Bá Lịch nói.

Cần tổ chức sản xuất khoa học

Theo GS. Trần Đình Long-Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam: Ngành nông nghiệp Việt Nam phân ra hai loại cây trồng chính. Thứ nhất là cây trồng có giá trị cạnh tranh với thế giới như tiêu, điều, cà phê... Còn lại một số cây trồng có sức cạnh tranh thấp nhưng lại đóng vai trò chiến lược như ngô, đậu tương... Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy những cây trồng này phát triển, giảm áp lực phụ thuộc nguồn nguyên liệu TACN NK, nhưng hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý, tổ chức sản xuất. Do đó, ngoài tăng cường chuyển đổi diện tích trồng lúa, mấu chốt là phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất sao cho khoa học và đột phá ở khâu giống để vừa tăng năng suất, chất lượng cây trồng trong nước, vừa hạ giá thành sản xuất xuống.

“Đối với cây ngô, nước tưới và phân bón đóng vai trò quan trọng quyết định. Do đó, cần phải đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm công sức, đầu tư hệ thống nước tưới, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các loại phân của Việt Nam, giảm phụ thuộc vào nguồn phân đạm NK. Nếu làm được như vậy thì tin rằng ngô Việt Nam đạt năng suất 8 tấn/ha là hoàn toàn có thể”, GS. Trần Đình Long nhấn mạnh.

Đối với cây đậu tương, GS. Trần Đình Long đưa ra ví dụ so sánh. Năng suất trung bình của Việt Nam là 1,5 tấn/ha, còn tại Mỹ là 2,7 tấn/ha, thế giới nói chung là 2,3 tấn/ha. Hiện nay, đậu tương Đông ở đồng bằng sông Hồng có thể đạt năng suất khoảng 2 tấn/ha. Thậm chí, đã từng có những mô hình ở Việt Nam trồng hàng nghìn ha giống đậu tương DT26, đạt năng suất vụ Đông 2,5-2,7 tấn/ha. Tuy nhiên, những kết quả trên đạt được khi tổ chức sản xuất tốt, trồng với diện tích lớn, đầu tư cơ giới hóa. Rõ ràng, tập trung nghiên cứu để tăng năng suất đồng thời hạ giá thành hơn nữa thì ngô, đậu tương Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng NK, góp phần giải quyết bài toán giảm phụ thuộc TACN NK.

Về mặt giống, GS. Trần Đình Long cho rằng, cần chuyên nghiệp hóa hơn. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ, tăng cường đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu giống chất lượng tốt, cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, chỉ những giống nào không làm nổi mới NK. Cùng với đó, Nhà nước đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng giống mới trong sản xuất.

Ngoài các yếu tố đầu tư cho giống, tổ chức lại sản xuất, ông Lê Bá Lịch cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để giảm phụ thuộc TACN NK là Nhà nước cần hỗ trợ nông dân làm tốt hơn khâu thu hoạch, bảo quản cũng như chế biến nguyên liệu. Hiện nay, khâu này đang rất thiếu và yếu. Cụ thể như đối với ngô, việc sấy ngô rất quan trọng nhưng trên các cánh đồng ngô hiện nay hầu như không có máy sấy. Việc đó khiến cho chất lượng ngô trong nước kém hơn và dễ hỏng so với ngô NK. Bằng chứng là ngô NK, đưa về kho rồi vẫn đạt độ ẩm 14,5%, trong khi đó, ngô do nông dân trồng ra độ ẩm thường quá cao, khoảng hơn 17%. Hạt ngô độ ẩm cao dễ nhiễm nấm mốc sinh ra độc tố, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm nhiệt đới của Việt Nam. Nếu như Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân hoặc DN vay vốn để đầu tư mua máy sấy ngô, đảm bảo thu hoạch ngô đến đâu phải sấy ngay đến đấy thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT:

Hiện nay, các giống ngô lai trong nước có năng suất cao, chống chịu với điều kiện bất thuận đã và đang được bà con nông dân chấp nhận sử dụng phổ biến trong sản xuất như LVN4, LVN9, LVN10, LVN99, nếp VN2, ngô rau LVN23. Nhiều giống ngô lai mới có tiềm năng năng suất 10-12 tấn/ha đã được khẳng định trong thử nghiệm và sản xuất là VN8960, VS36, LVN61... Một số giống đã được áp dụng rộng rãi trên cả nước là giống ngô lai LVN61, LVN885.

Hàng năm, các giống ngô mang bản quyền Việt Nam đã cung ứng ra ngoài sản xuất khoảng 3.000 tấn ngô giống ngô lai với giá thành rẻ hơn các giống nhập nội 20.000-30.000 đồng/kg đã làm lợi cho sản xuất 60-90 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các giống ngô lai đã được bán bản quyền cho các công ty trong nước đã cung ứng giống cho sản xuất khoảng 3.00-4.000 tấn/năm. Như vậy, thị phần giống ngô lai mang bản quyền Việt Nam đã từng bước chiếm lĩnh thị phần nội địa.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện