Thu hoạch tôm nuôi ở Bình Định. Ảnh: Internet
* Năm 2017, nhiều địa phương trong tỉnh được mùa tôm nuôi; ông có thể đánh giá một số kết quả đạt được trong việc nuôi tôm nước lợ trong năm?
- Mặc dù các đợt lũ lụt lớn xảy ra vào cuối năm 2016 gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trong tỉnh, song nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp, người nuôi tôm nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước ổn định sản xuất nên đã có vụ nuôi tôm thắng lợi.
Toàn tỉnh có 2.181 ha mặt nước đưa vào nuôi tôm, gồm nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tôm thẻ chân trắng 733 ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến (nuôi xen tôm sú với cua, cá…). Đến nay, các địa phương đã thu hoạch toàn bộ diện tích tôm nuôi, sản lượng trên 4.700 tấn, tăng hơn 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng tôm thẻ đạt 4.422 tấn, tôm sú đạt 278 tấn.
Đáng ghi nhận là năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng đạt đến 12,6 tấn/ha, cao hơn vụ nuôi tôm năm 2016 khoảng 4,2 tấn/ha. Tại các vùng nuôi tôm ở khu Đông Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, đa số người nuôi tôm đều có lãi.
Để có được kết quả đáng phấn khởi trên là do người nuôi tôm đã có ý thức tuân thủ lịch thời vụ, chuyển đổi hình thức nuôi phù hợp, thực hiện tốt các quy định về nuôi trồng thủy sản, chú trọng xử lý chất thải, vệ sinh môi trường nuôi tôm…
Hiện nay, người nuôi tôm trong tỉnh đang tiến hành sửa chữa, khắc phục những bờ tôm bị sạt lở, hư hỏng do ảnh hưởng của đợt lũ lụt đầu tháng 11 và 12.2017; chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào vụ nuôi tôm mới được tốt nhất.
* Được biết, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành lịch thời vụ nuôi tôm năm 2018. Lịch này được điều chỉnh như thế nào nhằm tránh né những bất lợi của thời tiết, giúp người nuôi tôm tiếp tục giành thắng lợi?
- Từ những kinh nghiệm thực tiễn và kết quả hoạt động nuôi trồng thủy sản trong nhiều năm qua, những nhận định về xu thế thời tiết, thủy văn vụ Đông Xuân 2017 - 2018 của Đài Khí tượng thủy văn Bình Định…, lịch thời vụ năm 2018 có một số thay đổi so với các vụ trước.
Diện tích đưa vào nuôi tôm của toàn tỉnh năm 2018 khoảng 2.141 ha, được quy định theo các phương thức nuôi, thời gian thả giống và mật độ nuôi như sau:
Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nuôi 3 vụ/năm (nuôi thâm canh chuyên tôm). Vụ 1 từ ngày 1.2 đến cuối tháng 4; vụ 2 từ 1.6 đến cuối tháng 8; vụ 3 từ 1.10 đến cuối tháng 12. Đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, mật độ 250-300 con/m2.
Với vùng nuôi tôm trên cát (diện tích 161 ha) tập trung trên địa bàn Phù Cát, Phù Mỹ, vụ chính nuôi thâm canh chuyên tôm thẻ chân trắng, thả tôm từ 1.2 đến cuối tháng 4; vụ 2 từ 1.9 đến cuối tháng 12; mật độ từ 100 - 120 con/m2. Thả nuôi vụ phụ từ ngày 1.5 đến cuối tháng 7, nuôi tổng hợp, thả tôm thẻ chân trắng xen với cá dìa, đối mục, cá chua…
Các vùng nuôi tại vùng đầm phá, cửa sông (trên 1.978 ha) ở Hoài Nhơn và Tuy Phước, nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi chuyên tôm một vụ chính và nuôi chuyên tôm hoặc nuôi tổng hợp vụ phụ, thời gian thả nuôi từ 15.2. Nuôi quảng canh cải tiến thân thiện môi trường tập trung ở vùng đầm có cơ sở hạ tầng yếu, nguồn nước không đảm bảo; thời gian thả nuôi từ 1.3.
* Để giành thắng lợi vụ nuôi tôm, Chi cục Thủy sản có khuyến cáo gì đối với người nuôi tôm, thưa ông?
- Ngày 5.12.2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 21/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nuôi trồng thủy sản. Chi cục cũng đã lưu ý một số biện pháp kỹ thuật như: nhân rộng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp nuôi tôm kết hợp với cá rô phi nhằm hạn chế dịch bệnh. Đối với các hộ mua giống ở ngoài tỉnh, cần phải có giấy kiểm dịch của cơ quan quản lý. Tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, có thể điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp.
Trước khi thả nuôi, nên ương tôm 20 - 30 ngày. Tôm thẻ chân trắng ương từ cỡ giống post 12; tôm sú từ post 15. Các vùng nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như công nghệ Biofloc, RAS.
NGUYỄN HÂN