Ông Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Cty Phương Nam giới thiệu mô hình "nhà" mái che giúp ao nuôi mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Ảnh: T.L
Từ lâu, nuôi tôm là mô hình cho hiệu quả kinh tế vô cùng hấp dẫn, tuy nhiên, tính bền vững lại là “điểm yếu” mà địa phương nào cũng gặp phải. Tìm giải pháp khắc phục hạn chế này, sáng 23.5, tại Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) đã tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ để cùng nông dân bàn cách “Nuôi tôm an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao và bền vững”.
3.000ha tôm nhưng không cơ sở nào đạt VietGAP
Thái Bình là tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành kinh tế thuỷ sản với chiều dài bờ biển trên 52km, có diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ trên 3.600ha (không tính diện tích nuôi ngao ngoài bãi triều), trong đó riêng nuôi tôm đã chiếm tới 3.000ha.
Mô hình nuôi tôm của Công ty TNHH Phương Nam có thể thâm canh 5 vụ/năm nhờ làm tốt quy trình xử lý nước và dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Ảnh: T.L
Tại Thái Bình, các cơ sở nuôi chủ yếu áp dụng quy trình theo mô hình nuôi thâm canh, công nghiệp đảm bảo không để tôm thất thoát ra môi trường tự nhiên. Với kinh nghiệm đã có từ nuôi tôm sú thâm canh nên việc chuyển sang nuôi đối tượng tôm thẻ chân trắng thâm canh không khó khăn với các hộ nuôi trồng thủy sản. Con giống, thức ăn, thuốc và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi tôm được người nuôi đặt hàng chủ yếu tại các công ty lớn, có uy tín về chất lượng và các sản phẩm dịch vụ đi kèm.
Tuy nhiên, cũng như các tỉnh thành phía Bắc, nuôi trồng thủy sản của Thái Bình chịu ảnh hưởng của nhiệt độ, thời tiết đến mùa vụ thả nuôi thủy sản; thiếu cơ sở cung cấp con giống với số lượng và chất lượng đảm bảo; việc lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản khiến cho việc phát triển các vùng nuôi tập trung khó khăn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi còn nhỏ lẻ và dễ bị phá vỡ bởi quy hoạch của các ngành khác...
Đáng nói là mặc dù TTKN Thái Bình hướng dẫn bà con nuôi tôm hướng tới mục tiêu an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, tuy nhiên người nuôi chưa tiếp cận được quy trình kỹ thuật nuôi bền vững, đảm bảo môi trường, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ sống cao… Bà con chủ yếu vẫn theo tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, chưa mạnh dạn đầu tư, do vậy chưa có cơ sở nuôi tôm nào được cấp chứng nhận VietGAP.
Đánh giá của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKNQG, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng chưa an toàn, tuy nhiên có thể tổng kết 2 nguyên nhân chính: Đó là do việc sử dụng tùy tiện các loại thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản; nguồn nước không đảm bảo dẫn đến ô nhiễm môi trường nuôi.
Ông Nguyễn Như Liên - Giám đốc TTKN Thái Bình cũng thừa nhận: “Vấn đề an toàn thực phẩm trong nuôi tôm bền vững cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với nghề nuôi tôm Thái Bình. Đa số người nuôi chưa tiếp cận được quy trình kỹ thuật nuôi bền vững, đảm bảo môi trường, hạn chế dịch bệnh. Chưa kể nhiều hộ nuôi vẫn lạm dụng hóa chất, khánh sinh làm tăng rủi ro trong nuôi tôm, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng, làm giảm hiệu quả kinh tế”.
Giảm kháng sinh, tăng chế phẩm
Công ty TNHH Phương Nam là đơn vị đi đầu trong phong trào nuôi tôm nước lợ ở Thái Bình. Với hơn 1ha mặt nước, nhưng công ty này thâm canh tới 5 vụ/năm. Năng suất trung bình 10 - 15 tấn/vụ, tối đa có thể lên tới 75 tấn/năm - một con số thực sự “trong mơ” với nhiều hộ nuôi.
Cũng đã nhiều lần “trầy da tróc vẩy” với con tôm nên ông Đỗ Quang Bốn - Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam thuộc gần hết các loại dịch bệnh xảy ra trên tôm, thậm chí có thể làm thay công việc của chuyên gia khi chỉ cần nhìn cũng biết tôm mắc bệnh gì.
Ông Bốn cho biết: “Chúng tôi đã tìm ra giải pháp để có thể nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả cao, đó là làm nhà mái che để tôm mát mẻ về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nhờ cách làm này nên công ty chúng tôi có thể triển khai tới 4-5 vụ/năm, đặc biệt là giảm khấu hao về cơ sở vật chất trong nuôi tôm”.
Theo đó, kinh nghiệm mà ông Bốn chia sẻ chính là việc lựa chọn con giống cũng như sử dụng thuốc kháng sinh phải hết sức cẩn trọng. Đặc biệt nếu không có cơ sở vật chất tốt và chưa nắm vững quy trình thì không nên tham nuôi mật độ lớn và không nên thả con giống khi còn quá nhỏ, “những lưu ý tiểu tiết này thường bị nhiều hộ bỏ qua nhưng nó lại chính là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của cả quá trình nuôi”.
Ông Bốn cũng nhấn mạnh việc sử dụng nguồn nước trước khi nuôi, theo đó phải xử lý nước thật tốt, làm sao cho cân bằng được các vi sinh vật có lợi, nguồn oxy đảm bảo thì tôm mới phát triển tốt.
Theo ông Kim Văn Tiêu, giải pháp tối ưu nhất hiện nay có thể giúp bà con giảm tối đa thiệt hại, rủi ro trong nuôi tôm an toàn chính là sử dụng các chế phẩm sinh học. “Bên cạnh việc hạn chế và sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng liều lượng thì việc dùng chế phẩm trong các khâu của quá trình nuôi tôm là giải pháp rất hiệu quả hiện nay” - ông Tiêu nói.
Tuy nhiên, ông Tiêu cũng khuyến cáo bà con phải tìm hiểu và nắm vững cách sử dụng đúng chế phẩm, phù hợp với từng khâu của quá trình nuôi thì mới mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Kim Văn Tiêu, giải pháp tối ưu nhất hiện nay có thể giúp bà con giảm tối đa thiệt hại, rủi ro trong nuôi tôm an toàn chính là sử dụng các chế phẩm sinh học. “Bên cạnh việc hạn chế và sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng liều lượng thì việc dùng chế phẩm trong các khâu của quá trình nuôi tôm là giải pháp rất hiệu quả hiện nay” - ông Tiêu nói.
Tố Loan Báo Dân Việt