Tin Tức Nông Sản

Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam

Thứ sáu, 27/12/2013 08:57 lượt xem: 899
Thông tin về việc các loại nông sản như chuối, mít, sầu riêng… đã được tẩm ướp những loại hóa chất để ép chín khiến dư luận hết sức hoang mang trong vài tháng gần đây.

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện các thương lái nước ngoài thu gom trái cây của Việt Nam, sau đó nhúng hóa chất rồi xuất sang Trung Quốc, Indonesia và một số nước. Việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu, uy tín của nông sản Việt Nam.


Thông tin về việc các loại nông sản như chuối, mít, sầu riêng… đã được tẩm ướp những loại hóa chất để ép chín khiến dư luận hết sức hoang mang trong vài tháng gần đây. Theo các cơ quan chức năng, một số thương lái nước ngoài tiến hành thu mua nông sản Việt Nam trái phép, sau đó tẩm hóa chất để xuất khẩu. Điều này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn làm tổn hại tới uy tín các loại nông sản Việt.

Táo Ninh Thuận đã được đăng ký nhãn hiệu. Công Thử - TTXVN


Theo quy định, các thương lái nước ngoài không được phép thu mua các mặt hàng nông sản của Việt Nam tại thị trường nội địa. Đầu tháng 12, Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện và xử lý 8 đối tượng có quốc tịch Thái Lan thu gom trái cây trái pháp luật trên địa bàn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để xuất đi Trung Quốc. Đáng chú ý, các đối tượng này dùng hóa chất mang từ Trung Quốc sang để thúc quả chín và bảo quản. Trước đó, từ tháng 1 - 7/2013, Công an tỉnh Tiền Giang cũng phát hiện 3 vụ thương nhân Trung Quốc sang thu mua sầu riêng, dứa, mực tươi trái phép. Điều đáng nói là, có thông tin cho rằng nhiều lô hàng sầu riêng từ nước ta xuất đi bị chính đối tác Trung Quốc trả về với lý do không đạt chất lượng và có chất độc.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay Cục chưa nhận được văn bản thông báo chính thức nào về việc các lô hàng sầu riêng của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả về. Theo quy định thông thường, các lô hàng bị trả về phải được thông báo rõ nguyên nhân.


Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn và dễ tính về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều hàng nông sản như rau quả, đường thường được xuất qua tiểu ngạch, biên mậu nên khó kiểm soát về an toàn thực phẩm.


Thực tế, sau khi cơ quan chức năng phát giác vụ việc trên, hoạt động tiêu thụ sầu riêng gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh, từ 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg.


Không chỉ dừng lại ở trái cây, trước đó, trên địa bàn quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã xuất hiện một số thương lái Trung Quốc thu mua vịt đẻ trái phép của nông dân với số lượng lớn và giá cao hơn thị trường. Sau đó, đưa vào các lò giết mổ để gia công, đóng gói, vận chuyển ra Móng Cái và xuất sang Trung Quốc.


Kiểm soát chặt chẽ hơn


Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với việc làm trên của một số thương nhân nước ngoài không chỉ ảnh hưởng tới danh tiếng của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới uy tín của các loại trái cây xuất khẩu khác trên thị trường thế giới.


“Khi xuất hiện thông tin sầu riêng Việt Nam được ủ chín bằng hóa chất, các đối tác nước ngoài có thể sẽ đặt nghi vấn với các loại trái cây khác của chúng ta. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín, thương hiệu nông sản của Việt Nam”, ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.


Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp và chỉ đạo các địa phương thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các thương lái nước ngoài, nhất là việc họ nhập lậu và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


“Các cơ quan chức năng cần tìm hiểu rõ động cơ, mục đích của hoạt động thu mua của các thương lái nước ngoài để quản lý tốt hơn và thông tin đến người dân”, ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đề nghị.


Để quản lý triệt để tình trạng này, ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, cần tổ chức tốt việc sản xuất tới tiêu thụ để tránh tiếp diễn tình trạng thương lái nước ngoài vào thu mua nông sản trái phép và gây bất ổn cho thị trường.

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện