Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Ông Hidenao Watanabe - Chuyên gia tư vấn chính sách quản lý nghề cá Chính phủ Nhật Bản, chia sẻ: "Ở Nhật Bản có 3 kiểu KBTB, gồm: một, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên hoặc bảo tồn loài hoang dã quý hiếm (vườn quốc gia, vườn thiên nhiên, khu bảo tồn bờ biển tự nhiên, di tích thiên nhiên); hai, bảo vệ sinh cảnh hoặc bảo vệ hệ sinh thái (khu bảo tồn thiên nhiên; khu bảo tồn sinh vật hoang dã); ba, bảo tồn và sử dụng bền vững NLTS (vùng nuôi được bảo vệ, khu vực ven biển phục vụ phát triển nguồn lợi biển, khu vực quyền khai thác chung, khu vực bảo vệ bởi chính quyền địa phương hoặc ngư dân). Mỗi kiểu khu bảo tồn đều có mục đích, mục tiêu bảo vệ khác nhau, được thiết lập và điều chỉnh bởi những cơ sở pháp lý, khác nhau, những luật cụ thể và có cơ chế vận hành khác nhau.
Riêng các khu vực bảo vệ, hoạt động theo cơ chế đồng quản lý, có sự tham gia của chính quyền địa phương, đặc biệt là của cộng đồng ngư dân, trong đó có trên 5.000 khu vực được quyền khai thác chung, 1.000 khu vực cấm khai thác, được bảo vệ bởi chính quyền hoặc ngư dân. Toàn bộ các vùng nước ven bờ, vùng nước nội địa đều được giao cho ngư dân và được xác lập trong Luật Thủy sản. Tại các khu này, cộng đồng trực tiếp thực thi các biện pháp quản lý nghề cá, được chính quyền hỗ trợ bởi các hỗ trợ viên. Các hoạt động của người dân, cộng đồng trong các khu cấm khai thác được luật hóa và được pháp luật bảo vệ...
Không chỉ bảo vệ NLTS và đa dạng sinh học vùng biển gần bờ, đối với vùng biển xa bờ của Nhật Bản, mô hình đồng quản lý, phối hợp giữa Chính phủ và ngư dân được khởi động từ năm 2002. Mô hình này thay thế cho hoạt động bảo vệ NLTS xa bờ vốn trước đó chỉ do Chính phủ thực hiện, với kết quả hạn chế từ những giới hạn về nhân sự và kinh phí. Kế hoạch khôi phục nguồn lợi được thiết lập bởi Chính phủ và nhóm cộng đồng ngư dân khai thác xa bờ, tập trung bảo vệ các loài mục tiêu (đơn loài) và các hoạt động nghề cá (đa loài). Đến nay, khoảng 2.000 kế hoạch quản lý nguồn lợi xa bờ đã được thiết kế và thực hiện tại Nhật Bản.
“Quan điểm của Chính phủ Nhật Bản là, người dân gắn cuộc sống với sinh kế biển thì có quyền và trách nhiệm bảo vệ NLTS. Và, với việc cộng đồng ngư dân đứng ra thực hiện các kế hoạch bảo vệ biển, mục tiêu bảo vệ NLTS rất có hiệu quả bởi không lực lượng nào đông đảo và gắn cuộc sống với biển như ngư dân. Mô hình này còn giải quyết được bài toán về nhân lực và chi phí”- ông Hidenao Watanabe, chia sẻ. Với sự hình thành và hoạt động rộng khắp của các loại hình KBTB, hiện toàn bộ vùng biển của Nhật Bản đều được bảo vệ.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Việt Nam- Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP- GEF SGP), tổ chức tài trợ cho nhiều dự án bảo vệ NLTS tại Việt Nam, cho rằng, mô hình của Nhật Bản rất hiệu quả và cần được tham khảo, học tập.
Quyết định số 742/QĐ-TTg, ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển (KBTB) Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu đến năm 2015 thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển; có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các KBTB và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 10 KBTB hình thành, diện tích chiếm 0,18% vùng biển Việt Nam, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt chưa đến 10% diện tích các KBTB; mô hình, cơ cấu tổ chức, cũng như chức năng, nhiệm vụ của hệ thống KBTB vẫn chưa thống nhất. Và, ngay cả vùng lõi các KBTB, hệ sinh thái và đa dạng sinh học cũng bị xâm hại và đe dọa. Mô hình nào cho hệ thống KBTB ở Việt Nam, để bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản (NLTS), đa dạng sinh học đang là câu hỏi thời sự khi EU vừa cảnh cáo thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
BVPL