Phóng sự- ký sự

Mùa cá ra

Thứ hai, 06/01/2014 07:16 lượt xem: 1583
Hồ thủy điện Thác Mơ (tỉnh Bình Phước) chênh vênh giữa những cánh rừng thượng nguồn sông Bé.

Hồ thủy điện Thác Mơ (tỉnh Bình Phước) chênh vênh giữa những cánh rừng thượng nguồn sông Bé. Nơi đây, hàng trăm hộ gia đình sống tập trung ở thôn Bình Đức 1 (xã Đức Hạnh, Bù Gia Mập) ngày ngày vất vả mưu sinh.

Dàn vó giữa lòng kênh

Hằng năm, vào mùa cá ra, đông đảo người dân Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên thường tổ chức các hình thức thả lưới, giăng câu, cất vó, đặt vớn, quăng chài… để đánh bắt thủy sản. Nhà nào đủ khả năng, có nhiều phương tiện thì tổ chức đánh bắt thủy sản để bán; những hộ ít phương tiện thì đánh bắt để cải thiện bữa ăn hằng ngày hoặc đem phơi khô, làm mắm… ăn lâu dài.

Dùng vó để khai thác mùa cá ra

Năm nay lũ về muộn, gia đình anh Trần Văn Hiền (xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) sắm một cần vó cất đặt ở vàm kênh Cà Dăm, mỗi ngày cất được 3 - 5 kg cá, tép, có ngày được hơn 7 kg…, thu nhập vài chục ngàn đồng. Xuôi theo kênh rạch thuộc các huyện Thanh Bình, Tam Nông… (Đồng Tháp) mùa cá ra, chúng tôi bắt gặp nhiều dàn vó cất đặt giữa lòng kênh để hứng cá, tép. Anh Bảy Thiện, chủ một dàn vó trên dòng kênh Ba Răng, xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết: Gặp lúc cá ra rộ, mỗi lần cất lên được 5 - 6 kg cá các loại, nhiều nhất là cá linh và cá chốt. Chỉ một đoạn kênh ngắn trên dòng kênh An Phong - Mỹ Hòa, nhìn từ đầu vàm vào hơn 1 km, có nhiều dàn vó lớn nhỏ. Cứ vài chục mét có một dàn vó. Mỗi mùa cá ra, gia đình Bảy Thiện thu nhập 5 - 7 triệu đồng. Nói dễ vậy chứ làm một dàn vó tốn phí cả triệu đồng, nặng nhất là tiền mua lưới, cây, dây…

 

Lãi lớn, lãi nhỏ

Bên cạnh nghề cất vó, người dân Đồng Tháp còn sử dụng phương tiện đánh lưới giựt. Loại hình này đánh bắt rất hữu hiệu, cá - tôm không tài nào thoát ra được… Ông Tư Ngọt, ba Guôl và ông Năm Lựa ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông đã có nhiều năm trong nghề bắt cá bằng lưới giựt trên các kênh Đồng Tiến, Phước Xuyên cho biết: Mỗi dàn lưới giựt tùy theo lòng kênh sâu, cạn, rộng, hẹp… mà mua sắm cho phù hợp. Khi thực hiện mỗi mẻ lưới giựt cần phải có 7 - 10 lao động. Trước tiên, cho hai chiếc tàu có lắp đặt máy D15 chạy cặp kè, khi tới điểm xuất phát lưới được bủa xuống kênh; lập tức 2 tàu tách ra 2 phía từ từ xa nhau và lưới mỗi lúc được bung rộng ra. Viền dưới 2 đầu lưới được treo 2 thỏi chì nặng 30 kg trở lên để bám sát mặt đáy kênh… Hai tàu chạy khoảng 500 m là phát tín hiệu cho sáp lại gần nhau như ban đầu. Trong phút chốc các lao động kéo lưới nối ráp lại; cử ra một người có kinh nghiệm kéo nhanh viền dưới của lưới lên, không cho cá tôm thoát… Các loại thủy sản đều nằm gọn trong lưới. Trung bình mỗi đợt đánh lưới giựt bắt được khoảng 40 kg cá… Mỗi mùa cá ra, kiếm được chí ít 20 triệu đồng.

Sản phẩm cá đánh bắt được - Ảnh: Ngọc Trinh

Thời điểm nước kém, cá trên đồng lũ lượt kéo nhau ra sông, kênh, rạch… Ở những nơi nước xoáy hay đầu vàm kênh, ngã ba, ngã tư… trong những ngày cá ra, nhiều người dân ngày đêm quăng chài, thả lưới… Với loại lưới giăng, nhiều người phải cuốn lưới mang về nhà treo lên gỡ cá ra. Với 400 m lưới loại 2,5 phân, một ngày vợ chồng anh Nguyễn Văn Hội (ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông) giăng bắt được khoảng 5 kg cá. Ngày nào trúng, kiếm trên 10 kg cá, thu nhập hàng trăm ngàn đồng, vừa có thức ăn, vừa trang trải mọi chi phí trong gia đình và nuôi 2 con ăn học.

Anh Tâm ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông bày tỏ: "Với một chiếc xuồng nhỏ và một cái chài, vào thời điểm cá ra, vợ chồng tôi bơi xuồng tới các vàm kênh. Vợ tôi bơi xuồng, còn tôi quăng chài liên tục, mỗi ngày chỉ bắt được 3 - 4 kg cá". Vợ anh Tâm tiếp lời: "Năm nay nước lũ về trễ, cá tép lại rất ít, bởi nguồn cá bị cạn kiệt do những người thiếu ý thức sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản mang tính hủy diệt và một số nơi tôn cao đê bao làm lúa vụ ba nên cá tôm không theo nước lũ lên ruộng để sinh sôi nảy nở… Vợ chồng tôi đánh bắt được ít nhưng nhờ bán được giá cao nên đỡ cực về cái ăn cái mặc trong mùa nước nổi. Cá bắt được làm thức ăn hằng ngày, nếu còn dư đem bán lấy tiền mua  vật dụng cần thiết cho sinh hoạt gia đình. Gặp ngày cá nhiều, dội chợ…, tôi đem về ủ mắm, phơi khô để dành".

Anh Lê Văn Hùng ở thị trấn Tràm Chim vào tận dòng kênh Ngã 5, xã Hòa Bình để đánh bắt thủy sản, cho biết: "Trước đây, khi đồng ruộng chưa có đê bao làm lúa vụ ba, vào mùa cá ra, chỉ cần bơi xuồng với cái chài mỗi ngày cha con tôi bắt được 5 - 7 kg cá, tép, bán cho bạn hàng ở chợ, thu hàng trăm ngàn đồng, đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt gia đình. Nhờ vậy gia đình tôi có cuộc sống ổn định. Nhưng bây giờ phải di chuyển đến những nơi xa, chưa có đê bao để đánh bắt thủy sản kiếm sống, mà cá, tép… đang dần cạn kiệt do quá nhiều người khai thác với dụng cụ đánh bắt mang tính hủy diệt". Dân nghèo Đồng Tháp, An Giang… với bản tính siêng năng, cần cù, có được chiếc xuồng, tay lưới, giàn câu, cái chài… sẽ không bao giờ bị đói. Mỗi ngày đêm, đi thả lưới, giăng câu, quăng chài, cất vó… bắt thủy sản đem bán mua gạo và vật dụng cần thiết, là hình thức mưu sinh trong mùa nước nổi. Do đó, việc giúp đỡ bằng chiếc xuồng, tay lưới, cái chài… giúp dân nghèo vùng lũ có phương tiện đánh bắt thủy sản kiếm sống là hiệu quả thiết thực nhất.

>> Muốn có một dàn vó cất để bắt cá phải sắm ít nhất 20 kg lưới và gần 10 cây tre, gáo, bạch đàn… Mỗi dàn phải có bộ khung lưới gồm 4 cây tre dài kết chéo hình chữ thập gắn với nhau vừa cơ động vừa chặt chẽ với dàn cất đòn bẩy để việc cất vó đạt hiệu quả như mong muốn…

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch