Tin tức thủy sản

Một số cảnh báo và biện pháp phòng trị bệnh trên tôm nuôi đầu vụ

Thứ sáu, 05/04/2019 13:00 lượt xem: 67689

Trong nuôi tôm thương phẩm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung thì công tác phòng trị bệnh là một công tác rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả cả một vụ nuôi. Trong đó, khâu phòng bệnh là chính, khi dịch bệnh xảy ra thì công tác điều trị rất tốn kém và thường không mang lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến các vụ nuôi kế tiếp và môi trường nuôi xung quanh.

Trong nuôi tôm thương phẩm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung thì công tác phòng trị bệnh là một công tác rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả cả một vụ nuôi. Trong đó, khâu phòng bệnh là chính, khi dịch bệnh xảy ra thì công tác điều trị rất tốn kém và thường không mang lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến các vụ nuôi kế tiếp và môi trường nuôi xung quanh.

Trung tâm Giống thủy sản Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) về công tác quan trắc môi trường nuôi ven sông Hiền Lương nhằm phát hiện sớm một số vi khuẩn, virut gây bệnh để thông tin, cảnh báo cho người nuôi ven sông Hiền Lương và vùng nuôi tôm trên cát ven biển huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. 

Kết quả quan trắc môi trường trong ba tháng đầu năm có một số nhận xét như sau:

Mật độ Vibrio tổng số trong các mẫu thu đều có nhưng thấp hơn giới hạn cảnh báo.

Các mẫu thu được đều phát hiện có loài tảo độc hại Rhizosolenia alata và Prorocentrum lima nhưng đều thấp hơn giới hạn cảnh báo.

Hàm lượng vi khuẩn gây bệnh luôn tồn tại trong môi trường nước ven sông Hiền Lương, đặc biệt vi khuẩn AHPND gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi luôn hiện diện và chờ cơ hội thuận lợi sẽ bùng phát bệnh. Bên cạnh đó, các loài tảo độc gây bệnh đường ruột cho tôm nuôi, mặc dù với mật độ chưa cao, nhưng nếu không xử lý kỹ, khi vào môi trường ao nuôi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển mạnh gây các bệnh về đường ruột cho tôm nuôi.

Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính xuất hiện lần đầu tiên tại các vùng nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2010 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi tôm. Bệnh gây chết trên tôm Sú và tôm Thẻ chân trắng ở giai đoạn 15 - 40 ngày tuổi sau khi thả nuôi với các triệu chứng điển hình như tôm ngừng ăn, bơi chậm, vỏ mỏng, màu tôm nhợt nhạt, gan tụy có biểu hiện sưng, nhũn hoặc teo, tỷ lệ chết có thể lên đến 70 - 80% gây thiệt hại trên diện rộng. Những năm gần đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về Hội chứng gan tụy cấp (AHPND) được công bố và người nuôi tôm đã hiểu rõ tác nhân gây bệnh cũng như các giải pháp phòng ngừa, nhưng đây vẫn là một trong những bệnh gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Nhìn chung, môi trường nước ven sông Hiền Lương để dùng cho nuôi tôm thương phẩm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung cần phải có một số giải pháp phòng bệnh triệt để, đảm bảo cho một vụ nuôi thắng lợi. Nhằm ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh trên tôm, đặc biệt để phòng trị bệnh hoại tử gan tụy ngay đầu vụ nuôi, Trung tâm Giống thủy sản đề nghị người nuôi nên thực hiện một số giải pháp sau:

1. Cải tạo ao:

Ao nuôi nên được vét bùn, rửa sạch và phơi ao từ 15 - 20 ngày nắng, bón vôi với liều lượng 100kg - 120kg/1000m2.  Những ao đã bị dịch hoặc nằm trong khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao nên phun khử trùng khu vực nuôi tôm (đáy ao, bờ ao, nhà bảo vệ,…) bằng dung dịch Chorine 50ppm.

2. Lấy nước và xử lý nước:

Lấy nước vào ao nuôi (qua túi lọc) đạt từ 1,3 -1,5m, tiến hành chạy quạt liên tục 03 ngày cho trứng cá và giáp xác nở.

Xử lý Chlorine nồng độ 30ppm (30kg/1.000m3 nước) để diệt tạp và diệt khuẩn nước ao. Chlorine với nồng độ trên sẽ diệt sạch các vật chủ trung gian truyền bệnh, các loài tảo độc và các vi khuẩn gây bệnh.

Chạy quạt liên tục trong thời gian xử lý nước để phân hủy dư lượng Chlorine có trong ao.

Trong quá trình nuôi không nên cấp nước chưa qua xử lý, nên cấp nước đã xử lý từ ao chứa sang ao nuôi.

3. Chọn giống:

Chọn con giống ở các cơ sở có uy tín, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

Quan sát bằng cảm quan: Kích cỡ đồng đều, ruột đầy thức ăn, hoạt động nhanh nhẹn, không dị hình, hình dáng cân đối, râu thẳng kéo dài đến đuôi, có màu sáng trong, thức ăn đầy ruột.

Khi chọn được bể tôm có chất lượng tốt bằng cảm quan, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bệnh thủy sản: Xét nghiệm tôm giống không nhiễm các bệnh đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), hoại tử dưới vỏ (IHHNV), và bệnh hoại tử cơ (IMNV); tôm Sú giống cần kiểm tra thêm bệnh MBV (mức độ cảm nhiễm MBV từ 5 - 10% có thể thả nuôi được).

4. Một số điều chú ý trong quá trình nuôi:

Hạn chế người không có nhiệm vụ đi vào cơ sở nuôi;

Người chăm sóc quản lý cơ sở nuôi tuyệt đối không đi vào các ao nuôi, vùng nuôi có tôm đang bị dịch bệnh;

Định kỳ khử trùng bờ ao nuôi bằng hóa chất khử trùng;

Quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn sự xâm nhập của các vật chủ trung gian truyền bệnh như: Cua, Còng... Căng lưới để chống chim.

Duy trì mức nước trong ao từ 1,2 - 1,5m để nhiệt độ ao nuôi luôn ổn định. Định kỳ bón vôi cho ao từ 10kg - 15kg/1.000m2 nhằm ổn định độ kiềm và PH ao nuôi.

Dùng chế phẩm sinh học định kỳ để cải thiện môi trường ao nuôi, kiểm soát mật độ tảo, giảm hàm lượng khí độc và kiểm soát mật độ vi khuẩn trong ao nuôi.

Tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi bằng Vitamin, bổ gan, men tiêu hóa.

Giám sát môi trường nước liên tục và theo dõi tình trạng sức khỏe của tôm hàng ngày để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường nhằm có các biện pháp xử lý thích hợp.

Nguyễn Hữu Vinh Trung tâm Giống thủy sản Quảng Trị

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch