Lăng Kính Doanh Nhân

Đừng đẻ ra quy chuẩn trên trời để nông sản ùn ứ

Thứ năm, 19/04/2018 10:00 lượt xem: 2182

 

Bãi bỏ một số loại phí bảo vệ môi trường trong thủy sản

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)​

Ngày 17.4, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT có cuộc làm việc để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong các quy định pháp luật liên quan đến quy chuẩn môi trường trong lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi.

Phía Vasep đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ TN-MT. Tại buổi làm việc này, Vasep tiếp tục lên tiếng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep nêu rõ 5 vướng mắc trong Dự thảo Quy chuẩn này.

Đó là vướng mắc vượt ngưỡng của chỉ tiêu phốt pho; chỉ tiêu ni tơ - amoni; bất cập trong áp dụng QCVN giữa nhà máy thủy sản trong và ngoài khu công nghiệp; quy chuẩn cho nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường bên ngoài và việc đóng phí bảo vệ môi trường.

Theo Vasep, quy chuẩn về nước thải nuôi trồng chế biến thủy sản của ta quá khắt khe (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Trong 5 vướng mắc trên, đáng chú ý là Vasep kiến nghị bỏ chỉ tiêu phốt pho ra khỏi quy chuẩn này. Lập luận của Vasep cho rằng, hầu hết các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản đều có sử dụng phụ gia phốt phát trong quá trình sản xuất, nhất là các sản phẩm đòi hỏi sử dụng nhiều phốt phát như sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ nên lượng phốt pho trong nước thải tăng lên. Với công nghệ xử lý nước thải hiện nay sau khi xử lý vẫn vượt cao hơn so với yêu cầu 20 - 30 mg/l.

“Một số nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng không quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp. Do đó Vasep kiến nghị Bộ TN-MT bỏ quy định này”, Phó Tổng thư ký Vasep Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội kinh tế môi trường Việt Nam đã đưa ra các phân tích khoa học. Ông Hải cho rằng, rất khó để xử lý nước thải đầu ra có hàm lượng tổng P ở mức 120mg/l xuống mức 20mg/l được. Xử lý phốt pho trong nước thải là vấn đề khó và tốn kém. Ngay các nước như Thái Lan, Indonesia không có quy định chỉ tiêu tổng P, còn Malaysia chỉ tiêu này là 50mg/l. Đối với nước Nhật dù rất khắt khe về môi trường nhưng vẫn đưa giá trị của chỉ tiêu tổng P ở mức 16mg/l.

PGS.TS Lưu Đức Hải kiến nghị, hoặc là bãi bỏ quy định trên, hoặc giữ như mức các nước đang phát triển trong khu vực, đồng thời có lộ trình 5 - 7 năm để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới mà đầu tư nâng cấp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị đại diện Bộ TN-MT làm rõ 5 vấn đề mà Vasep nêu ra. Ông Nguyễn Đức Hưng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Tổng Cục môi trường (Bộ TN-MT) cho hay, sau một thời gian đăng tải dự thảo (lần 1), cơ quan soạn thảo đã nhận được 60 ý kiến phản hồi, trong đó có 59 ý kiến đồng ý (chủ yếu là các Sở TN-MT), chỉ có 1 ý kiến phản đối là Vasep.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Tổng Cục môi trường (Bộ TN-MT).

Ông Hưng chưa dứt lời thì có tiếng cười trong hội trường. Có người cho rằng, con số đó là quá ít so với một bản Quy chuẩn cần phải có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu ý kiến để có cái nhìn tổng thể, sát sườn hơn.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám hỏi, các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia không có tiêu chuẩn phốt pho? Năm 2008 Việt Nam cũng không đưa vào trong quy định tiêu chuẩn này vậy sao giờ lại đưa vào?

Ông Hưng trả lời, cái này là do Nhật Bản và Hàn Quốc có đưa vào.

Thứ trưởng Tám nói tiếp, cái gì chưa có cơ sở khoa học thì đừng vơ vào. Thái Lan trình độ và khả năng sản xuất của họ cao như thế mà người ta chưa đưa vào. Có thể năm 2008 mình chưa đưa vào nhưng nay đưa vào thì cũng phải dựa vào cơ sở khoa học. Còn khi chưa có cơ sở khoa học thì tôi nhắc lại là đừng có đưa vào, làm rối thêm.

Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân phát biểu và bày tỏ sự cảm thông với ngành thủy sản. Ông Nhân cho rằng, quan điểm nhất quán là không làm ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp và người dân nhưng cũng mặc định là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế bằng mọi giá.

“Nội hàm của Quy chuẩn lần này là rà soát sửa đổi chứ không phải làm mới. Phó Thủ tướng và cá nhân tôi cũng chỉ đạo là phải rà soát và tinh thần tiêu chuẩn đưa ra lần này phải cao hơn, sát với thực tế hơn. Việc xây dựng Quy chuẩn này dựa trên thế mạnh và tính ưu việt của quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Khu vực Đông Nam Á”, ông Nhân cho biết.

Theo ông Nhân, quan điểm của Bộ TN-MT là các tiêu chí nitơ và phốt pho đưa vào Quy chuẩn là cần thiết. Cái này là vì đất nước, vì môi trường này mà xây dựng nên. Tinh thần là vẫn đưa vào nhưng xem mức độ, số liệu của nó như thế nào để phù hợp và phải có lộ trình. “Doanh nghiệp nói, nhân dân nói là phải nghe, đúng là phải tiếp thu, chưa đúng thì phải lý giải bằng cơ sở khoa học để được thuyết phục”, Thứ trưởng Nhân lưu ý.

Trước khi phát biểu chốt một số nội dung, Thứ trưởng Vũ Văn Tám hỏi phía Vasep, nếu để tiêu chí phốt pho bao nhiêu là phù hợp? Ông Nguyễn Hoài Nam đáp, 40 - 60 mg/l là vừa chứ 20 mg/l thì khó đạt.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã thống nhất với Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân rằng, hiện Quy chuẩn đang ở giai đoạn lấy ý kiến và cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản, cho nên đề nghị Bộ TN-MT chủ trì phối hợp Vasep, có sự tham gia của Bộ NN-PTNT tiến hành rà soát, thử nghiệm tại một số doanh nghiệp thủy sản để đưa ra một đánh giá khoa học.

Bãi bỏ một số loại phí bảo vệ môi trường trong thủy sản

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), kiến nghị loại bỏ chỉ tiêu phốt pho và giữ nguyên chỉ tiêu ni tơ trong dự thảo QCVN 11:2017 tới đây, vì DN khó đạt được các chỉ tiêu này và nếu đầu tư công nghệ sẽ làm tăng chi phí sản xuất khiến ngành thủy sản VN khó cạnh tranh với thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, dự thảo QCVN 11:2017 sẽ giữ nguyên chỉ tiêu ni tơ như trong QCVN 11:2015 nhưng chỉ áp dụng đến năm 2020, sau đó DN phải chuyển đổi công nghệ để kiểm soát các chất thải này. Lãnh đạo Bộ TN-MT thống nhất sẽ bãi bỏ việc thu phí bảo vệ môi trường liên quan đến 4 chỉ tiêu ô nhiễm kim loại nặng (Hg, Pb, As, Cd) ngay trong tuần này.

“Dự thảo này tiếp tục được hoàn thiện. Quan điểm nhất quán là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân làm ăn nhưng trên nguyên tắc phải vì môi trường sống đảm bảo, vì cộng đồng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhất quán.

Chỉ một “giấy thông hành” có vấn đề là hàng không xuất được

 

Chủ tịch tập đoàn thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang nói rằng, rất khốn khổ với những loại giấy phép con của cơ quan quản lý. “Nếu cơ quan quản lý kiểm tra, ra văn bản một lần DN không đạt tiêu chuẩn môi trường, hay không đạt tiêu chuẩn xã hội thiếu cơ sở khoa học thì xem như một năm đó DN không thể xuất khẩu được. Vậy thì 15.000 lao động của Minh Phú sẽ không có lương”, ông Quang cho hay.

Cũng theo ông Quang chỉ một thông báo của cơ quan quản lý nhà nước đánh giá không đảm bảo tiêu chuẩn của nước sở tại thì đừng mơ đưa được sản phẩm đến nước khác.

“Ở Việt Nam tôi thấy xây dựng các tiêu chuẩn thường cao hơn các nước khác. Muốn vượt qua hàng rào đó, DN phải mất chi phí rất lớn. Trong khi hàng của ta bán ra nước ngoài phải chấp nhận mức giá quy định của nước ngoài. Đây cũng là nguyên nhân dư thừa sản phẩm nông sản của mình. Các nhà quản lý phải tạo mọi điều kiện cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho DN. Tôi cho rằng, khi nhà nước sai thì sửa, đừng bảo thủ. Cái đó, các Bộ xem sao? Đừng để khi xảy ra việc thì chúng tôi lại chạy đến Thủ tướng để cầu cứu”, ông Quang bày tỏ.

Văn Hùng NNVN

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch