Lăng Kính Doanh Nhân

Gỡ nút thắt áp thuế phá giá, cảnh báo thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam

Thứ tư, 01/08/2018 09:00 lượt xem: 9483

 

Gỡ nút thắt áp thuế phá giá, cảnh báo thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam

Nhiều thách thức đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam do những các rào cản thương mại và kỹ thuật​

Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến các rào cản thương mại và kỹ thuật ở nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực.

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2017 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cán đích 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng chi phối (46%) tăng 22% đạt trên 3,85 tỷ USD. 

Riêng 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thuỷ sản đã đạt gần 4 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặt hàng cá tra dù gặp trở ngại ở cả 2 thị trường chủ lực là EU và Mỹ, nhưng vẫn đạt "kỳ tích" gần 1,79 tỷ USD trong năm 2017, tăng 4% so với năm 2016. 

Đáng chú ý, mặc dù là thị trường lớn và quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam trong 6 năm gần đây, chiếm 19 - 23% tổng xuất khẩu thủy sản hàng năm, song Mỹ lại là quốc gia có nhiều thách thức nhất về các rào cản thương mại và kỹ thuật.

Theo đó, về các quy định, rào cản thị trường, từ 2006 đến nay, Mỹ đã có 13 đợt rà soát hành chính hàng năm (POR) đối với thuế chống bán phá giá cá tra. Kết quả đợt rà soát mới đây POR13 cho thấy, Mỹ áp thuế tăng từ 2,39 USD/kg lên 7,74 USD/kg, gấp đôi giá bán, cao hơn 1,6 lần mức thuế trong quyết định sơ bộ hồi tháng 9/2017, cao gấp 4,9 lần mức thuế suất riêng lẻ trong POR12.

Đối với mặt hàng tôm, từ 2004 đến nay, quốc gia này cũng có đến 12 đợt rà soát hành chính, bên cạnh đó là thuế chống trợ cấp với tôm; chương trình thanh tra cá da trơn, chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản với 13 loài nằm trong phạm vi điều chỉnh gồm: bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, Cua xanh (Đại Tây Dương), cá nục heo, cá mú, cua hoàng đế (đỏ), cá tuyết Thái Bình Dương, cá hồng, hải sâm, cá mập, tôm, cá kiếm, cá ngừ (vây dài, mắt to, ngừ vằn, vây vàng và vây xanh).

Tương tự tại thị trường EU, quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng với hải sản Việt Nam cùng với việc nền kinh tế phục hồi chậm đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của các quốc gia này. 

Hiện nhu cầu về thuỷ sản đã sụt giảm tại Đức, cá tra bị tẩy chay tại Tây Ban Nha, Carefour từ chối bán cá tra (quý I - II/2017) đã gây nên một làn sóng quan ngại về sự an toàn của sản phẩm cá tra Việt Nam đối với người tiêu dùng EU.

Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam chưa tận dụng được hết ưu đãi thuế quan của hiệp định VJ FTA, thuế nhập khẩu đối với mốt số sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam hiện đang là 5,8% cho cá ngừ vây vàng đóng hộp và cá ngừ vây vàng đông lạnh, cao hơn so với từ các nước khác như Thái Lan, Philipine 0%.

Các thị trường khác như Trung Quốc, Braxin, Ả-rập-xê-út, sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp sản xuất không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm xuất khẩu trong nước.

Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng chậm cũng là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước giảm rõ rệt.

Trước những diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sáng 30/7, VASEP đã có những kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản, năng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Theo đó, về lao động, VASEP cho rằng, hiện nay đang tồn tại vấn đề cạnh tranh lao động giữa những vùng làm nông nghiệp lớn với lao động công nghiệp thành phố, lao động xuất khẩu và với chính doanh nghiệp làm nông nghiệp tại địa phương. 

Do đó, VASEP kêu gọi cần có sự phối hợp, hỗ trợ của Nhà nước trong việc sớm có chính sách và quy hoạch cho nhà đầu tư nông nghiệp, hỗ trợ, đào tạo, ổn định đời sống cho người lao động ngành thuỷ sản.

Về việc vay vốn bằng USD để kinh doanh, hiện nay lãi suất giữa các ngân hàng chênh nhau lớn. Ví dụ lãi suất của BIDV là 4.8 5.2%, với khoản vay 6 tháng, VASEP cho rằng doanh nghiệp không thể nào có lời, vì lợi nhuận thấp.

Lãi suất gửi USD 0% nhưng cho vay là 4 - 5% dẫn đến chênh lệch giữa huy động và cho vay USD rất cao. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải chuyển sang vay VND, tuy nhiên cũng có bất hợp lý và chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng, SCB áp lãi suất vay 8,0%, trong khi BIDV là 6,5%.

VASEP kiến nghị các ngân hàng cần có chính sách gia hạn vay USD và lãi suất theo các nước khác, như ở nước ngoài lãi suất là 1.5% để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Về tỷ giá, VASEP đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét mở thêm mức tỷ giá VND để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo tỷ lệ “phá giá” của các nước trong khu vực (từ 5 - 7%), trong khi VND phá giá 2% khiến giá thành và giá xuất khẩu của Việt Nam cao hơn các nước cạnh tranh, bị các nhà nhập khẩu ép hạ giá.

Bên cạnh đó, thực tế sản xuất, quy mô sản xuất thuỷ sản của Việt Nam còn nhỏ lẻ, nguồn nguyên liệu không ổn định, hiệu quả thấp, chất lượng khó quản lý. Do đó, trong thời gian tới, VASEP đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư cho sản xuất tập trung, hiệu quả và bền vững.

Mặt khác, VASEP cũng kiến nghị Chính phủ có các hoạt động ngoại giao cấp cao yêu cầu sớm tháo gỡ các rào cản thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng tôm, cá tra của Việt Nam. Đồng thời cho phép áp dụng quản lý chất lượng theo quy chuẩn thông qua cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu. 

Thu Phương Theleader

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch