Kiến Thức Trồng Trọt

Công nghệ chiếu xạ: Rộng đường khẳng định thương hiệu chất lượng quả vải

Thứ sáu, 01/07/2016 08:06 lượt xem: 8081

Lô hàng vải đầu tiên đã được chiếu xạ để xuất sang Úc, mở đường cho trái vải có thể đi thẳng từ Hà Nội đến Úc, thay vì phải “vòng” vào TP.HCM.

Nếu chiếu xạ tại Hà Nội, doanh nghiệp xuất khẩu vải sẽ giảm được 20 triệu/tấn vải. Trước sự kiện này phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương – Bộ KH&CN.

Nhiều lô vải của Việt Nam đã xuất khẩu sang được thị trường khó tính, tuy vậy chúng ra không chỉ chú trọng nâng cao năng suất sản lượng quả vải mà chúng ta phải chú trọng nhiều hơn về thị trường tiêu thụ cũng như khâu chế biến. Theo ông, làm thế nào để phát triển loại cây ăn quả này một cách bền vững cũng như tạo thương hiệu riêng, đặc biệt là giúp người nông dân thoát khỏi nỗi ám ảnh "được mùa rớt giá”?

Ông Trần Văn Quang: Phát triển bền vững sản phẩm nông sản nói chung, quả vải nói riêng là cả một chuỗi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Nó phụ thuộc vào các khâu trong cả quá trình đó, đòi hỏi phải được đồng bộ và tuân thủ rất nghiêm túc, nhất là trong khâu sản xuất. Khi có sản phẩm ổn định thì việc ổn định giá mới có thể giải quyết được.

 Công nghệ chiếu xạ giúp khẳng định thương hiệu chất lượng quả vải. Ảnh ST

Hiện nay, khâu chế biến và phát triển thị trường đang là hai khâu yếu nhất. Nhà nước cũng đã có nhiều hỗ trợ trong tất cả các khâu như chúng ta đã thấy. Thứ nhất là sản xuất: đã quan tâm đến vấn đề sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn chung của thế giới như VietGap, GlobalGAP… Các mô hình sản xuất này đã giúp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường.

Thứ hai là chế biến, bảo quản vấn đề công nghệ chế biến và bảo quản đến nay không phải là bài toán quá khó. Vấn đề là hiệu quả đầu tư và giá thành bảo quản đang tiếp tục được nghiên cứu cho phù hợp với từng quy mô và từng loại nông sản

Thứ ba là về thị trường đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ như xây dựng thương hiệu, Bộ KH&CN đã tham mưu và được Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ngay từ năm 2005 – còn được gọi là Chương trình 68, nay vẫn đang được tiếp tục sẽ kéo dài đến năm 2020. Rất nhiều sản phẩm hàng hóa đã được nhà nước bảo hộ thương hiệu. Các Bộ, ngành cũng đã nhiều hoạt động phát triển thị trường thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại…. Các địa phương cũng đã phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ và tổ chức xúc tiến thương mại thông qua quảng bá, tổ chức các hội chợ ở cấp tỉnh với nhiều cách khác nhau và đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Nhận thức của dân chúng về xây dựng và giữ thương hiệu sản phẩm đến nay đã đạt được bước phát triển đáng kể, đã trở thành thói quen và sự vào cuộc của các doanh nghiệp và người dân như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, công nghệ dù có tốt mấy nhưng cũng cần tính đến yếu tố đặc thù của địa phương, vì vậy cần có lộ trình áp dụng công nghệ cho phù hợp. Không thể áp dụng một cách máy móc, ồ ạt mà thiếu phương án đưa công nghệ theo từng giai đoạn? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Văn Quang: Như trên đã nêu, vấn đề công nghệ trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông sản nói chung và quả vải nói riêng không phải là bài toán quá khó. Chúng ta đã triển khai áp dụng rất nhiều công nghệ để bảo quản cá ngừ, tôm, cá… phục vụ cho xuất khẩu. Riêng quả vải cũng đã áp dụng nhiều hình thức như sử dụng chất bảo quản, bảo quản bằng màng, bảo quản theo công nghệ CAS, cấp đông nhanh và đến nay là chiếu xạ…

Đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền chế biến và bảo quản có công suất lớn như ở phía Nam mà chúng ta đã thấy. Ở phía bắc phải kể đến Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao Ninh Bình, mỗi năm cũng đã bảo quản và tiêu thụ gần 4.000 tấn vải và các sản phẩm khác như dứa, hoa quả để xuất khẩu đi các nước và gần đây nhất là sử dụng công nghệ chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội cho các loại hoa quả.

Đúng là không thể nóng vội được, cần phải có lộ trình. Vấn đề đặt ra là hiệu quả đầu tư cần phải được lựa chọn cho phù hợp với từng vùng miền, với từng loại nông sản. Một ví dụ thực tế với dây chuyền Chiếu xạ của Trung Tâm chiếu xạ Hà Nội với công suất chiếu xạ vải thông thường 20 tấn/ngày, quả vải của chúng ta nếu đem chiếu xạ thì cũng chỉ vận hành được khoảng 30 - 40 ngày, nếu không có các sản phẩm khác thì khả năng thu hồi vốn đầu tư là cả vấn đề lớn.

Hiện Bộ KH&CN và các địa phương đang tiếp tục có nghiên cứu, cải tiến và đưa ra các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản và chế biến cho phù hợp với từng quy mô và từng vùng miền. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương và người dân, phải hoạch định được chiến lược phát triển sản phẩm hàng hóa có quy mô để việc vận hành các công nghệ được bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế.

Dưới góc độ quản lý KH&CN, ông có thể cho biết vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy ứng dụng KH&CN đối với hàng nông sản nói chung và quả vải nói riêng?

Ông Trần Văn Quang: KH&CN tác động đến mọi khâu của quá trình sản xuất sản phẩm. Sản xuất nông sản theo hướng sạch đã và đang được các nhà khoa học và ngành chức năng khẳng định là hướng đi tất yêu nhằm bảo đảm các yếu tố bền vững cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sảm phẩm. Trong đó, nhà nước có vai trò rất quan trọng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, từ việc nghiên cứu tạo giống, xây dựng quy trình trồng và chăm sóc, tạo ra công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và xúc tiến phát triển thị trường. Tất nhiên, cũng cần phải thấy rằng, Nhà nước không làm thay mà chỉ đóng vai trò “bà đỡ” để tạo dựng các nghiên cứu bước đầu, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có được các khâu trong quá trình sản xuất.

Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm được khẳng định trên thị trường hiện nay đều đã nghiên cứu và triển khai áp dụng một cách khá bài bản ở toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất. Việc triển khai, duy trì và phát triển sản phẩm đó là trách nhiệm của mọi người khi tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, điều đó cho thấy rất cần sự vào cuộc của tất cả mọi người.

Xin cảm ơn ông!

 

Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch