Phóng sự- ký sự

Biến hạn mặn thành cơ hội làm giàu

Thứ bảy, 14/04/2018 09:00 lượt xem: 1515

 

Biến hạn mặn thành cơ hội làm giàu

Anh Lê Văn Sảnh, nông dân ấp Bến Cộ, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch kiểm tra quá trình phát triển của tôm trên hồ nuôi vốn là cánh đồng lúa 2 vụ​

“Xâm nhập mặn” lâu nay vốn luôn là nỗi ám ảnh của người nông dân huyện Nhơn Trạch mỗi mùa khô. Nước biển xâm nhập sâu vào đất liền đã không ít lần khiến nông dân nơi đây phải chịu thiệt hại nặng. Thế nhưng, giờ đây, không ít nông dân đã biến hạn mặn thành cơ hội để làm giàu.

Kiếm tiền từ nguồn nước…  nhiễm mặn

Kéo chiếc rớ với hàng chục chú tôm thẻ chân trắng, anh Lê Văn Sảnh, nông dân ấp Bến Cộ, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch vui mừng vì hồ tôm của gia đình vẫn đang phát triển tốt. “Khoảng hơn 2 tháng nữa là lứa tôm này có thể xuất được rồi”, anh Sảnh hồ hởi cho hay.

Nhìn hơn 2 ha mặt nước dùng để thả nuôi tôm của gia đình anh, ít ai ngờ rằng chỉ mới hơn 1 tháng trước thôi, diện tích mặt nước mênh mông này còn tràn ngập màu xanh của… cây lúa. “Đây là năm thứ 2 tôi thả nuôi tôm trên ruộng lúa của gia đình vừa thu hoạch xong”, anh Sảnh cho biết. 

Ấp Bến Cộ vốn là vựa lúa của xã Đại Phước. Những năm trước, nông dân ở đây làm được 2 vụ lúa Hè Thu (từ tháng 3, 4 đến tháng 7, 8 âm lịch) và vụ Đông  Xuân (từ tháng 8, 9 đến tháng 12 âm lịch). Gần 6 tháng còn lại trong năm, đa phần nông dân ở đây không có việc làm do ruộng bị nhiễm mặn. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, nhờ chủ động gieo sạ sớm vụ Đông Xuân và ngay sau khi thu hoạch lúa, nông dân đã chủ động thả nuôi thêm một vụ tôm thẻ chân trắng để tạo thêm nguồn thu.

Việc chủ động “đẩy” vụ Đông Xuân sớm hơn 1 tháng không những giúp nông dân tránh được thiệt hại do xâm nhập mặn đối với cây lúa mà còn tạo ra cơ hội làm giàu cho nhiều người từ chính… nguồn nước nhiễm mặn.

Như gia đình anh Sảnh, năm ngoái dù mới chỉ tập làm thử với con tôm thẻ chân trắng trên 1 ha đã có nguồn thu khoảng 50 triệu đồng. Số tiền này đã cao hơn so với nguồn thu từ cả 2 vụ lúa trước đây. Anh Sảnh so sánh, làm lúa năng suất bình quân chỉ khoảng 5 tấn/ha/vụ. Như vậy, mỗi ha lúa, mỗi vụ chỉ bán được khoảng 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí người nông dân còn thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi ha tôm thẻ chân trắng thả nuôi trong khoảng 3 tháng nước mặn xâm nhập, nông dân có nguồn thu khoảng 70 triệu đồng. “Năm đầu do thiếu kinh nghiệm nên năng suất tôm chưa cao nên thu nhập của gia đình chỉ 50 triệu đồng. Theo tính toán của tôi nếu làm đạt, mỗi ha tôm sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng, cao gấp ba so với làm lúa”, anh Sảnh tính toán.

 Theo UBND xã Đại Phước, mô hình 2 vụ lúa và 1 vụ tôm vào mùa nước mặn hiện đang được nhiều nông dân trong xã áp dụng. Có thể nói, tình trạng xâm nhập mặn trước đây vốn là nỗi ám ảnh dai dẳng thì giờ đây đã mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân. 

Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, 2 mùa khô gần đây, huyện đã chủ động xây dựng lịch gieo sạ vụ Đông Xuân sớm hơn 1 tháng đối với các xã “vựa lúa” nằm dọc sông Đồng Nai để giúp người trồng lúa tránh tình trạng nhiễm mặn khi mùa khô bước vào cao điểm. Sự điều chỉnh này đã giúp nông dân không còn chịu cảnh mất mùa nặng do tác động của tình trạng nhiễm mặn gây ra như trước đây. Vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện xuống giống trên 2.000 ha lúa, đến nay gần như đã thu hoạch xong. Năng suất lúa đạt từ 5,5 - 6 tấn/ha, một con số đáng mơ ước đối với người trồng lúa ở khu vực này. “Làm sớm vụ Đông Xuân đã giúp người trồng lúa tránh được cảnh mất mùa do nhiễm mặn như trước đây. Không chỉ vậy, nhiều nông dân đã chủ động thả nuôi thêm một vụ tôm để tận dụng nguồn nước xâm nhập mặn, từ đó có thêm nguồn thu đáng kể”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch Bùi Phước Đức cho hay.

Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Ngoài biện pháp “đẩy” lịch gieo sạ vụ Đông Xuân lên sớm để “né” mặn, mùa khô năm nay huyện Nhơn Trạch còn tiến hành nạo vét, gia cố kênh mương, hỗ trợ nông dân đắp hệ thống bờ bao để ngăn không cho nước từ các con sông bị nhiễm mặn theo triều cường đi vào các cánh đồng. Trong đó, hệ thống thủy lợi Hiệp Phước đã được huyện cho đắp hơn 2km bờ bao chạy dọc tuyến kênh để chủ động không cho nước từ sông Đồng Môn có thể xâm nhập vào các cánh đồng trong trường hợp độ mặn của con sông này vượt mức cho phép.

Hiện tại, lượng nước từ các con sông đổ vào vùng sản xuất nông nghiệp của huyện đang được quản lý khá chặt chẽ. Hằng ngày, 2 công trình ngăn mặn trên địa bàn huyện là trạm thủy lợi Ông Kèo và đê ngăn mặn Hiệp Phước - Long Thọ luôn có nhân viên túc trực để theo dõi diễn biến về tỷ lệ nhiễm mặn ở các cửa sông. Trường hợp độ mặn vượt ngưỡng cho phép, hệ thống cống sẽ đóng kịp thời để tránh thiệt hại. “Một ngày chúng tôi đều tiến hành 2 lần đo mặn, nếu độ mặn vượt quá 2 phần ngàn là sẽ tiến hành đóng cống ngay”, Phó trưởng trạm Khai thác công trình thủy lợi Nhơn Trạch Lê Quán Khang cho biết.

Theo đánh giá, diễn biến của mùa khô năm nay đến thời điểm này không quá khắc nghiệt. Do đó, theo dự báo tình trạng xâm nhập mặn sắp tới cũng sẽ diễn ra không gay gắt. Hiện, tỷ lệ nhiễm mặn tại các sông ở Nhơn Trạch đang dao động từ 1 - 2 phần ngàn, thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, từ nay đến hết mùa khô còn hơn 1 tháng nữa, nhiều khả năng tỷ lệ mặn sẽ còn tăng lên. Do vậy, ngành chức năng huyện Nhơn Trạch đang triển khai các biện pháp để sẵn sàng ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn.

Theo ông Nguyễn Phước Đức, một trong những nỗi lo mỗi khi mùa khô đến chính là việc vận chuyển hàng ngàn tấn mía sau thu hoạch tại các xã Phước Khánh, Phú Đông và Phú Hữu. Theo đó, do phần lớn các ruộng mía đều nằm xen kẽ giữa các hệ thống kênh rạch nên mía chủ yếu được vận chuyển bằng ghe, xuồng. Tuy nhiên, khi độ mặn tại các sông tăng, các cống lấy nước từ sông buộc phải đóng để ngăn mặn. Điều này khiến các kênh, rạch bị cạn nước làm cho ghe, xuồng không thể di chuyển để chở mía. 

Năm nay, huyện đã chủ động khuyến cáo nông dân nhanh chóng thu hoạch sớm diện tích mía trên các cánh đồng để phòng ngừa nguy cơ tỷ lệ mặn tăng, các công trình thủy lợi buộc phải đóng cống lấy nước từ các sông. 

Lê Văn LĐĐN

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch