Tin tức thủy sản

Tình hình sản xuất và thương mại tôm thế giới 9 tháng năm 2013

Thứ năm, 26/12/2013 09:09 lượt xem: 1198
Giá tôm trên thị trường thế giới tăng, sản lượng tôm tại các nước châu Á chưa có dấu hiệu phục hồi do hội chứng tôm chết sớm

Giá tôm trên thị trường thế giới tăng, sản lượng tôm tại các nước châu Á chưa có dấu hiệu phục hồi do hội chứng tôm chết sớm (EMS), sự suy yếu của đồng Yên Nhật và mức thuế áp cho mặt hàng tôm ở thị trường Mỹ là những nét nổi bật của thị trường tôm thế giới trong 9 tháng vừa qua.

Ảnh minh họa

              Tình hình sản xuất

Nguồn cung tôm trên thị trường thế giới giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh EMS lan truyền ở các nước Đông Nam Á.

Thái Lan là nước sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới, chiếm 30% lượng cung tôm ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh EMS từ cuối năm ngoái nên sản lượng tôm ở Thái Lan giảm đáng kể. Mặc dù hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều người nuôi đã giảm mật độ thả nuôi trong các ao nuôi để tránh dịch bệnh. Trong quý I năm 2013, sản lượng tôm giảm từ mức trung bình là 100 nghìn tấn xuống còn 60 nghìn tấn. Xu hướng này vẫn tiếp tục trong suốt quý II. Theo các cơ quan chức năng, sản lượng tôm năm nay của Thái Lan khó có thể vượt mức 300 nghìn tấn so với mức 500 nghìn tấn năm ngoái.

Tại Việt Nam, có gần 80% số hộ nuôi tôm ở ĐBSCL được thống kê bị ảnh hưởng hội chứng EMS. Sản lượng tôm sú giảm 20-30%, do nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Xu hướng này cũng đang xảy ra ở Ấn Độ, nước xuất khẩu tôm nuôi lớn thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan. Năm tài khóa 2012-2013, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Ấn Độ đạt 147.516 tấn, tăng gần 83% so với mức 80.716 tấn của năm tài khóa 2011-2012, mang lại cho ngành tôm Ấn Độ 3.5 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng tôm sú lại giảm do sự đa dạng hóa của các loài nuôi.

Malaysia và Trung Quốc cũng là những quốc gia chịu tác động mạnh của EMS khiến sản lượng tôm nuôi giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2013, sản lượng tôm nuôi của Malaysia chỉ đạt 60 nghìn tấn, giảm mạnh so với 90 nghìn tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Tại Trung Quốc, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về sản lượng tôm nuôi của nước này nhưng việc gia tăng nhập khẩu tôm trong thời gian gần đây của Trung Quốc cũng phần nào cho thấy nước này có sự thiếu hụt tôm nguyên liệu.

Thương mại

Thiếu nguồn cung vào mùa cao điểm ở châu Á, khủng hoảng kinh tế kéo dài ở châu Âu, đồng Yên Nhật yếu và các loại thuế áp cho mặt hàng tôm ở Mỹ là các nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại tôm trên thị trường thế giới.

Thị trường Mỹ - nhập khẩu tôm giảm

Trong ba tháng vừa qua, hai sự kiện nổi bật trên thị trường tôm Mỹ là quyết định của Hải quan Mỹ về việc áp thuế lên mặt hàng tôm đông lạnh từ 7 nước nhập khẩu như: Ecuador, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia và hội chứng chết sớm trên tôm (EMS) ở một số nước châu Á, đã ảnh hưởng đến tình hình nhập khẩu tôm vào thị trường này, đặc biệt là Thái Lan, nhà xuất khẩu tôm hàng đầu tại thị trường Mỹ.

Trong tháng 3/2013, tổng lượng nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ giảm gần 2.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, giảm 8,3% do nguồn cung tôm từ Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc. Ấn Độ, với sản lượng tôm thẻ chân trắng nuôi tăng mạnh và không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh EMS, đã nhanh chóng trở thành nguồn cung thay thế tại thị trường này. Nhập khẩu tôm của Ấn Độ vào Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2013 tăng 70%, từ 26.247 tấn của cùng kỳ năm ngoái lên 44.417 tấn. Bên cạnh đó, sản lượng tôm ở các nước Mỹ la tinh, đặc biệt là Mexio cũng bị ảnh hưởng nặng nề do bệnh đốm trắng, cũng góp phần đáng kể vào việc giảm nguồn cung cho thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, giá tôm trên thị trường Mỹ tăng cũng ảnh hưởng các hoạt động thương mại tôm trên thị trường này. Từ tháng 5/2013 đến nay, giá bán buôn tôm các loại trên thị trường Mỹ đồng loạt tăng, khiến lượng nhập khẩu vào Mỹ bắt đầu giảm. Đây là lý do khiến các nhà thu mua tôm không sẵn lòng mua tôm với số lượng lớn. Các nhà nhập khẩu Mỹ đang chờ đợi các nước xuất khẩu giảm giá.

Thị trường Nhật - nguồn cung giảm, giá tăng

Nhập khẩu tôm các loại vào thị trường Nhật trong quý I/2013 giảm 1.1%, trong đó tôm đông lạnh chiếm 68% trong tổng khối lượng tôm nhập khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm chế biến vào Nhật lại tăng 30% so với 25% của năm 2012.

Nguồn cung tôm sú từ các thị trường truyền thống như Ấn Độ và Việt Nam giảm. Giá nhập khẩu tôm cỡ 16/20, không đầu từ Indonesia là 16 đô la Mỹ/kg và từ Ấn Độ và Việt Nam là 15 đô la Mỹ/kg. Giá tôm đông lạnh nhập khẩu tăng làm cho việc tái chế tôm ở Nhật Bản ngày càng trở nên khó khăn, do vậy nhiều công ty đang phải thay đổi chính sách và chuyển hướng sang nhập khẩu tôm chế biến từ Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.

Thị trường EU- nhu cầu tiêu thụ tiếp tục giảm

Thị trường tôm EU vẫn trì trệ và các hoạt động thương mại tôm vẫn khá trầm lắng. Do thiếu nguồn cung và giá tôm tăng cao nên những nhà thu mua tôm ở EU không ký các hợp đồng lớn. Giao dịch thương mại chỉ diễn ra đối với các nhà xuất khẩu nhỏ lẻ, do họ cung cấp tôm với giá thấp hơn.

Trong 3 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu tôm vào EU đạt 115.500 tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu tôm từ Ecuador, nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường EU giảm 16,4%, trong khi nhập khẩu tôm từ Ấn Độ tăng 11,8% , Argentina 40% và Ấn Độ tăng 3,9%.

Trong số các nước nhập khẩu chính, Pháp và Ý là hai nước có mức tăng trưởng dương trong năm nay. Trong quý I/2013, nhập khẩu tôm vào thị trường Ý tăng 7,8%, chủ yếu từ các nước Tây Ban Nha (tăng 33,3%) và Ecuador (tăng 5,3%). Nhập khẩu tôm vào thị trường Pháp tăng nhẹ, khoảng 1%, chủ yếu từ các nước Ecuador (tăng 18,6%) và Ấn Độ (tăng 18,2%).

Nhập khẩu tôm vào thị trường Tây Ban Nha giảm do giảm nguồn cung từ các nước Trung Quốc (giảm 24%) và Ecuador (giảm 43%), mặc dù nhập khẩu tôm từ Argentina, nhà cung cấp tôm lớn nhất của Tây Ban Nha tăng 45,5%.

Đức, thị trường truyền thống của các nước châu Á cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung và giá tôm tăng, dẫn đến nhập khẩu tôm vào thị trường này giảm 18,2% về số lượng. Mức giảm chủ yếu từ các nước Thái Lan (giảm 25,9%), Việt Nam (giảm 33,3%) và Băng la đét (giảm 12.5%).

Do nguồn cung tôm cho thị trường Anh từ Thái Lan giảm 7% bởi dịch bệnh EMS ở nước này, các nhà nhập khẩu Anh phải nhập khẩu nhiều hơn từ Băng la đét (tăng 15,8%). Tuy nhiên, tổng nhập khẩu tôm vào thị trường Anh vẫn giảm 5%.

Nhập khẩu tôm vào thị trường Hà Lan và Bỉ đều có mức tăng trưởng âm. Nhập khẩu tôm vào thị trường Hà Lan và thị trường Bỉ giảm 28,9% và 15.1% tương ứng, trong khi xuất khẩu tôm của Hà Lan giảm 2% và Bỉ giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Sự bất ổn về nguồn cung tôm nước lạnh cũng ảnh hưởng đến Đan Mạch, nhà chế biến và xuất khẩu chính về sản phẩm này. Nhập khẩu tôm vào Đan Mạch từ Greenland và Mỹ tăng 5%, trong khi nhập khẩu từ Canada giảm 38.2%. Xuất khẩu tôm của Đan Mạch tăng 4,4%, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Ý và các thị trường khác ngoài khối EU, trong khi xuất khẩu tôm sang các thị trường truyền thống bao gồm thị trường Nga giảm 21,7% và thị trường Đức giảm 16,7%.

Thị trường châu Á

Mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu về tôm tại Trung Quốc vẫn tăng mạnh. Trong quý I/2013, nhập khẩu tôm đông lạnh vào nước này tăng hơn 45%. Canada là nhà cung cấp tôm đông lạnh lớn nhất của Trung Quốc, tăng 38%, tiếp theo là Thái Lan, tăng 57% và Ecuador tăng 150%. Người mua Trung Quốc đang giao dịch với các nhà cung cấp tôm Ấn Độ và lượng tôm nhập khẩu vào Trung Quốc từ thị trường này tăng gấp đôi.

Tại Ấn Độ, theo Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản của nước này, trong năm tài khóa 2012-2013, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng đáng kể, đạt 730 triệu đô la Mỹ so với mức 385 triệu đô la Mỹ trong năm tài khóa trước. Về khối lượng, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng của nước này cũng đạt 91 nghìn tấn so với mức 40,7 nghìn tấn năm trước.

Tại Thái Lan, sản lượng thu hoạch giảm, cùng với chi phí lao động tăng cao và đồng Bạt đang mạnh lên là những thách thức đối với ngành tôm của Thái Lan. Theo Bộ Thương Mại Thái Lan, giá trị tôm xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2013 của nước này đạt 643 triệu đô la Mỹ, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng thị trường

Sự suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã làm thay đổi xu hướng và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng. Xu hướng này được thể hiện rõ rệt nhất trên thị trường Nhật Bản và Mỹ.

Tại thị trường Nhật, năm 2012, hàng loạt báo cáo thị trường tôm Nhật Bản cho thấy người tiêu dùng nước này đã chuyển sang sử dụng tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú trong các món ăn truyền thống của họ và tiếp tục duy trì xu thế này trong năm 2013.

Tại thị trường Mỹ và EU, nhu cầu trên giảm do suy thoái kinh tế kéo dài ở châu Âu và thuế áp cho mặt hàng tôm tại Mỹ. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, nhu cầu tiêu dùng ổn định, đẩy giá tôm tươi tăng cao so với các sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu. Tại Ấn Độ, nhu cầu đối với tôm chân trắng tươi các loại ở thị trường trong nước hiện vẫn ở mức cao.

Dự báo

Tại châu Á, sản lượng tôm ở Thái Lan tiếp tục giảm còn 40-50%, tương đương 200 nghìn tấn trong năm 2013. Trong khi đó, nguồn cung tôm chân trắng ở Ấn Độ và Indonesia được dự đoán sẽ cao hơn năm trước, do vậy sẽ đáp ứng được phần nào về nhu cầu tôm đang tăng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ. Năm 2012, sản lượng tôm của Indonesia đạt 457 nghìn tấn và được dự báo sẽ tăng thêm 200 nghìn tấn vào năm 2014.

Tại các thị trường khác, do nhu cầu tôm chưa ở mức cao nên nguồn cung sẽ đủ đáp ứng, do vậy giá tôm được dự đoán sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, các thị trường này, do nhu cầu về tôm sú tăng nên nguồn cung được dự báo sẽ thiếu và giá cả tôm sú sẽ tăng hơn so với tôm chân trắng.

Tại Nhật, nhu cầu tôm đông lạnh vẫn ở mức cao. Theo xu hướng thị trường hiện nay thì nhu cầu về nhập khẩu tôm giá trị gia tăng ở thị trường này có thể sẽ còn cao hơn nữa.

Thị trường tôm EU sẽ tiếp tục ảm đạm trong các tháng tới đây do nguồn cung nguyên liệu tôm bị thiếu, dẫn đến giá tôm tăng cao.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch