Kỹ thuật nuôi

Những lưu ý khi sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản

Thứ hai, 11/06/2018 09:00 lượt xem: 1201

 

Những lưu ý khi sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản

Các phương pháp trị bệnh cho vật nuôi thủy sản như: tắm, tiêm, cho ăn...​

Việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trị bệnh cho động vật thủy sản (tôm, cá) là điều tất yếu cần thiết. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp sử dụng hóa chất, kháng sinh trong phòng trị bệnh cho vật nuôi thủy sản không tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh nên đã có tác dụng ngược, tác động đến môi trường, hệ sinh thái của khu vực hoặc để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản; ít nhiều sẽ gây tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là đối với các loại hóa chất, kháng sinh không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Những vấn đề lưu ý khi sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản.

- Ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp sử dụng.

- Ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do dư lượng hóa chất trong các sản phẩm thủy sản.

 - Liên quan đến môi trường: ảnh hưởng của hóa chất sử dụng đến chất lượng nước và bùn đáy ao (phú dưỡng hóa môi trường, gia tăng chất hữu cơ, …), tác động đến cấu trúc và tính đa dạng sinh học; tồn lưu trong môi trường, tác động đến hệ vi sinh vật trong môi trường và đưa đến các dòng vi khuẩn kháng thuốc.

 - Sự thiếu hiểu biết trong việc sử dụng hóa chất sẽ đưa đến việc để lại dư lượng hóa chất trong cơ thể đối tượng nuôi, hoặc sử dụng hóa chất không hiệu quả.

Do đó, để đạt hiệu quả cao khi sử dụng hóa chất cần tuân thủ các yếu tố sau đây:

 - Chọn loại hóa chất dễ sử dụng, đơn giản.

 - Hóa chất sử dụng phải có hiệu quả và tác dụng nhanh.

- Hiệu quả kinh tế sau khi sử dụng hóa chất.

- Nên sử dụng thuốc, hóa chất vào những thời điểm tôm, cá ít bị sốc nhất trong ngày, thông thường là vào buổi sáng, khi nhiệt độ thấp, tuy nhiên cần lưu ý về hàm lượng oxy thấp lúc sáng sớm. Thời điểm thích hợp nhất là vào khoảng từ 7 - 8 giờ.

- Phải luôn quan sát cá, tôm trong suốt quá trình trị liệu để có thể xử lý nhanh khi cần thiết. Khi có biểu hiện như bơi lội mạnh bất thường, nổi đầu, lờ đờ, lật ngửa bụng cần phải có biện pháp can thiệp ngay để tránh tổn thất.

Các loại hóa chất và đặc điểm. Ảnh: tepbac

- Hóa chất dùng xử lý môi trường có rất nhiều loại, vì thế cần phải hiểu hoạt tính của từng loại và dùng đúng theo hướng dẫn để có hiệu quả cao.

- Khi dùng hóa chất để xử lý nước cần phải biết thời gian chúng hết tác dụng để đảm bảo khi đưa vào ao nuôi không ảnh hưởng đến tôm, cá.

- Dùng hóa chất để xử lý nước cho ao đang nuôi tôm, cá cần phải lưu ý việc hóa chất sẽ làm chết tảo và các vi sinh vật có lợi trong ao. Thông thường sau khi dùng hóa chất thì môi trường nước có thể thay đổi như tảo chết làm nước ao trong, giảm quang hợp để cung cấp oxy cho ao, nền đáy ao sẽ dơ hơn do tảo chết lắng xuống đáy ao.

- Sau khi dùng hóa chất nên cải thiện môi trường ao nuôi, cần cấp thêm nước mới hoặc thay nước, có thể sử dụng môt số chế phẩm sinh học để bổ sung nguồn lợi khuẩn, nhằm làm ổn định môi trường.

- Dùng thuốc, hóa chất xử lý môi trường cần phải dùng đúng liều và dùng một lần, tránh dùng liều thấp và dùng nhiều lần liên tiếp nhau, vì như vậy màu nước ao sẽ mất và khó gây màu trở lại.

Các phương pháp sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản

 Để phòng trị bệnh cho động vật thủy sản thường áp dụng các phương pháp sau đây:

 - Phương pháp tắm: Dùng thuốc với nồng độ tương đối cao tắm cho động vật thủy sản theo thời gian quy định (tương ứng với nồng độ thuốc cho phép), phương pháp này chỉ áp dụng trong trại giống hoặc môi trường nuôi có diện tích nhỏ.

Phương pháp ngâm: Thuốc được dùng với nồng độ thấp và thời gian kéo dài, thường áp dụng cho các ao đầm nuôi với diện tích lớn. Để giảm lượng hóa chất sử dụng cần hạ thấp mực nước trong ao đầm nuôi, đồng thời cũng cần phải chuẩn bị một lượng nước sạch để chủ động cấp vào ao nuôi phòng khi có sự cố xảy ra.

Phương pháp uống: Dùng thuốc hoặc các chế phẩm trộn vào thức ăn, phương pháp này thường kém hiệu quả đối với một số bệnh vì khi đối tượng nuôi bị bệnh khả năng hoạt động sẽ kém, do đó hoạt động bắt mồi thường kém đôi khi bỏ ăn nên kết quả điều trị thường không cao. Khi sử dụng phương pháp này cần bổ sung thêm dầu gan mực, dầu thực vật bao bên ngòai viên thức ăn để hạn chế thuốc, hóa chất bị mất đi do hòa tan trong môi trường nước nuôi.

Phương pháp tiêm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào cơ thể động vật thủy sản (chỉ áp dụng cho động vật quý hiếm hoặc đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao).

Nguyễn Thị Trà Lý TTKNQT

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch