Kỹ thuật nuôi

Nắng nóng, vùng nuôi tôm Móng Cái oằn mình vì dịch bệnh

Thứ sáu, 18/05/2018 11:00 lượt xem: 934

 

Nắng nóng, vùng nuôi tôm Móng Cái oằn mình vì dịch bệnh

Anh Hoàng Trangdụng mọi loại thuốc nhưng không thể cứu vãn được đàn tôm bị bệnh. Ảnh: Nguyễn Quý.​

Chỉ từ trung tuần tháng 4 trở lại đây, trên địa bàn TP.Móng Cái (Quảng Ninh) đã phát sinh hơn 27ha đầm nuôi tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh là do nắng nóng kéo dài, cộng với việc thực hiện quy trình xử lý môi trường đầm nuôi tôm của một số hộ dân chưa đảm bảo.

Mới thả 34 vạn giống tôm thẻ chân trắng được hơn 10 ngày, đến ngày 15.5 vừa qua, anh Hoàng Trang (thôn 4, xã Hải Đông, TP.Móng Cái) đã phải tháo đầm vì phát hiện tôm chết hàng loạt. “Ban đầu thấy tôm bơi dạt vào bờ, sau 1-2 ngày thì chết. Hiện tượng trên xuất hiện trước đó tại một số ao nuôi ở Hải Đông, Vạn Ninh, tôi đã chủ động dùng các loại thuốc cho tôm, hy vọng cứu vãn được đầm tôm của mình nhưng đành bất lực” – anh Trang buồn bã nói.

Cùng ở xã Hải Đông, anh Mạc Văn Thạch đã thả 90 vạn tôm giống được hơn 1 tháng, mấy ngày gần đây, anh Thạch phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường. Anh Thạch chia sẻ: "Mặc dù con giống gia đình tôi mua ở các cơ sở có uy tín nhưng vụ nuôi này vẫn xuất hiện bệnh trên đàn tôm. Ngay sau sự việc xảy ra, tôi đã báo chính quyền địa phương".

Ông Lê Văn Tỉnh ở khu 1, phường Hải Hòa, TP.Móng Cái cho biết: "Ngay sau khi nhận được tin báo, các nhà chuyên môn đã xuống kiểm tra dập dịch và bảo vệ môi trường xung quanh. Gia đình tôi xử lý 3 ô theo quy trình các chuyên gia đưa ra, may mắn là 3 ô còn lại vẫn phát triển tốt".

Ngay sau khi phát hiện tôm chết bất thường, Tổ chống dịch của TP.Móng Cái đã kịp thời có mặt kiểm tra, xác định nguyên nhân và hỗ trợ các gia đình hóa chất xử lý toàn bộ môi trường ao nuôi ngay trong ngày, tránh ảnh hưởng sang các hộ nuôi lận cận. Theo thông kê của TP.Móng Cái, đến nay, đã có trên 27ha tôm nuôi công nghiệp ở 3 xã, phường là Bình Ngọc, Hải Hòa và Vạn Ninh bị bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Số tôm có hiện tượng bị gan tụy cấp tại một ao nuôi ở Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ông Nguyễn Danh Đức, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế TP.Móng Cái khẳng định: "Năm nay nắng nóng kéo dài, độ mặn trong ao cao nên chúng tôi khuyến cáo bà con nếu có nước ngọt thì bổ sung cho đầm nuôi, tăng cường khoáng chất cho con tôm để nâng cao sức đề kháng. Khi xuất hiện ổ bệnh đề nghị bà con thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương cũng như tổ chuyên môn của thành phố để khoanh vùng xử lý".

Cùng với kiểm soát chặt các điểm nuôi tôm bị bệnh, hiện nay, Thành phố Móng Cái vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng nuôi, phát hiện sớm các hộ mới có tôm bị bệnh để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ nuôi tôm.

Vụ nuôi xuân hè năm nay, diện tích nuôi nuôi tôm công nghiệp của TP.Móng Cái là 1.010ha. Tính đến thời điểm này, đã có 27ha nuôi tôm bị bệnh. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2017 diện tích nuôi tôm công nghiệp bị bệnh giảm đáng kể và bệnh phát sinh đến đâu được khoanh vùng xử lý đến đó nhưng nếu không tiếp tục chủ động phòng tránh thì bệnh trên tôm được dự báo có nguy cơ lây lan ra diện rộng.

Nguyễn Quý Báo Dân Việt

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch