Vấn đề nóng

Chè Việt quá phụ thuộc vào thị trường Đài Loan

Thứ năm, 05/11/2015 07:52 lượt xem: 1085

Đến cuối tháng 10-2015, chỉ riêng doanh nghiệp Lâm Đồng đã có gần 5.000 tấn chè phải lưu kho do không vượt qua được hàng rào kỹ thuật của Đài Loan

Ngày 3-11, tại buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chè trên địa bàn do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc quá phụ thuộc vào thị trường Đài Loan khiến ngành chè Lâm Đồng bị thiệt hại nặng.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải tổ chức liên kết sản xuất chè sạch, có thể truy nguyên nguồn gốc để có thể tồn tại và phát triển.

Trước đó, phía Đài Loan đưa ra quy định dư lượng fipronil - một hợp chất diệt sâu bọ phổ biến - trong chè thành phẩm không vượt quá 0,002 (MMP), cao hơn tỉ lệ 0,005 (MMP) khi vào thị trường châu Âu, khiến các doanh nghiệp chế biến chè và người trồng chè tại Lâm Đồng điêu đứng.

“Chết” do phụ thuộc 
vào Đài Loan

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông A Toàn - phó thư ký Hiệp hội Doanh nhân Đài Loan tại Lâm Đồng - cho biết trong khi chè xuất đi châu Âu, một thị trường rất khó tính, không bị chặn nhưng sang Đài Loan lại bị chặn bởi các hàng rào kỹ thuật vô lý. Theo ông A Toàn, do không bán được hàng, nhiều doanh nghiệp Đài Loan đang trồng chè tại Lâm Đồng hiện phải nợ lương nhân công.

Tính từ tháng 7-2015, khi Đài Loan bắt đầu áp dụng hàng rào fipronil đã có chín doanh nghiệp sản xuất chè tại Lâm Đồng phải tạm đóng cửa, các doanh nghiệp còn lại cũng hoạt động cầm chừng. Một số vùng nguyên liệu phải đốn bỏ để hạn chế công thu hái.

Theo thống kê đến cuối tháng 10-2015, chỉ riêng doanh nghiệp Lâm Đồng đã có gần 5.000 tấn chè phải lưu kho do không vượt qua được hàng rào kỹ thuật của Đài Loan.

Ông Phạm Đức Nguyên, giám đốc Công ty trà Phương Nam, cho biết sở dĩ ngành chè “lâm nạn” vì đã quá lệ thuộc vào thị trường Đài Loan. Khi cánh cửa này đóng lại, doanh nghiệp chè VN lúng túng không biết xoay xở thế nào.

“Đến 90% máy móc công nghệ chế biến chè trên địa bàn đều được mua từ Đài Loan qua những mối quan hệ hợp tác trồng chè. Giờ muốn mở cửa thị trường khác cũng phải thay đổi công nghệ, máy móc. Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực” - ông 
Nguyên nói.

Liên kết sản xuất chè sạch

Dù chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp nhưng ông Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng nhà nhập khẩu Đài Loan có thể bắt chẹt được do chè VN có dư lượng fipronil. Do đó, đến đầu năm 2016, toàn bộ sản phẩm thuốc trừ sâu có gốc fipronil đều không được lưu hành ở Lâm Đồng. “UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện” - ông Phạm S nói.

Theo ông Phạm S, vùng nguyên liệu nhỏ, da beo làm khó ngành chè trong việc áp dụng những quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt trên diện rộng.

Do đó, tới đây các doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu liên kết, hình thành các cánh đồng mẫu lớn để phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp. “Sẽ không còn chuyện doanh nghiệp sản xuất chè chỉ đi mua trôi nổi của nông dân mà không hề có một vùng nguyên liệu tương xứng với quy mô sản xuất vào năm 2016” - ông S nói.

Ông Đoàn Trọng Phương, phó chủ tịch Hiệp hội Chè VN, cho biết hiện nông dân trồng chè chủ động chăm sóc, tự quyết định dùng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi các doanh nghiệp chỉ thu mua, chế biến rồi xuất bán mà không có bất kỳ sự phối hợp nào.

“Doanh nghiệp chế biến chè phải liên kết với nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, hình thành được hệ thống truy nguyên nguồn gốc. Nếu chè của hộ nào bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn an toàn sẽ bị loại ra khỏi liên kết” - ông Phương 
đề xuất.

Mở thị trường mới tại châu Âu

Ông Phạm S cho biết đến cuối năm, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức hai đoàn xúc tiến thương mại tại châu Âu nhằm mở cửa thị trường này cho ngành chè Lâm Đồng. Hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu các tiêu chí chất lượng, quy cách nhãn mác của các nước châu Âu để phổ biến cho những doanh nghiệp có đủ năng lực chuẩn bị.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch