XK nông sản trong những tháng đầu năm nay, bên cạnh những mảng u ám, đã có những mảng sáng.
Trong những tháng tới, một số ngành hàng chủ lực sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thì nhiều ngành hàng sẽ vẫn thuận lợi hoặc bớt khó khăn hơn.
Cà phê, tiêu: Thuận lợi
Từ đầu năm đến nay, trong khi nhiều ngành hàng nông sản chủ lực gặp khó khăn về đầu ra thì cà phê lại rất thuận lợi. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1 vừa rồi, nước ta đã XK được trên 600 ngàn tấn cà phê. Đây là mức XK kỷ lục cho quý 1 nếu so với quý 1 của những năm trước đây.
Trong quý 2 này, XK cà phê được dự báo là sẽ tiếp tục thành công. Tình trạng hạn hán kéo dài ở Brazil, nhất là ở khu vực trồng cà phê trọng điểm Minas Gerais, hạn hán ở Việt Nam, hiện tượng El Nino đang đe dọa lên vụ mùa các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc …, khiến lượng cà phê tồn kho có chứng nhận tại 2 sàn New York và London giảm mạnh, đẩy giá cà phê Arabica và Robusta tăng lại ở 2 sàn này. Giá cà phê XK của Việt Nam loại R2 hiện cũng đang ở mức trên 2.000 USD/tấn.
Nhờ giá tăng trên thị trường thế giới, nên giá cà phê trong nước đang ở mức khá. Đến giữa tháng 4, giá cà phê đang ở mức trên 40.000 đ/kg. Ông Nguyễn Nam Hải, TGĐ TCty Cà phê Việt Nam, cho biết, trước đây, cứ hết tháng 3, khi mưa xuống, giá cà phê bắt đầu đi xuống. Nhưng năm nay, hết tháng 3, sang tháng 4, giá vẫn ở mức cao như trên.
Vì thế, theo nhận định của một vị lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong năm nay, giá cá phê ở Việt Nam sẽ không dưới 40.000 đ/kg, bởi nếu ai hỏi mua với giá không tới 40.000 đ/kg, chắc chắn nông dân sẽ không bán. Và với tình hình XK thuận lợi, trong năm nay, lượng cà phê XK sẽ không dưới 1,5 triệu tấn, giá trị không dưới 3 tỷ USD.
Năm nay, do Hồ tiêu Việt Nam được mùa, trong khi nhiều nước trồng tiêu như Indonesia, Brazil … giảm sản lượng vì hạn hán, nên lượng tiêu XK của Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, hoàn toàn có thể đạt mức 150 ngàn tấn, tăng 20% so với năm ngoái.
Hồ tiêu cũng là một ngành hàng mà cả DN lẫn nông dân đều đang vui mừng với kết quả sản xuất, kinh doanh trong quý 1 cũng như triển vọng trong những tháng tới. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết, trong quý 1 vừa rồi, ngành hồ tiêu đã XK được gần 50 ngàn tấn hạt tiêu, đạt giá trị trên 336 triệu USD, tăng 25% về lượng và 27% về giá trị.
Nếu như hồi đầu vụ, giá tiêu do nông dân bán ra chỉ ở mức 120.000 đ/kg, thì nay đã tăng lên xấp xỉ 140.000 đ/kg. Còn giá hạt tiêu XK đang ở mức trên 6.000 USD/tấn.
Thủy sản, điều: Như năm ngoái
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 1, ước tính giá trị XK thủy sản đã đạt trên 1,6 tỷ USD. Cũng như năm ngoái, trong quý 1 năm nay, tôm vẫn là mặt hàng chủ lực trong XK thủy sản và được dự báo sẽ vẫn là niềm hi vọng số 1 trong những tháng tới, bất chấp những thông tin bất lợi từ kết luận sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) thuế chống bán phá giá tôm do Bộ Thương mại Mỹ công bố.
Bởi phải đến tháng 9 năm nay mới có kết luận cuối cùng của POR8, và trong quãng thời gian ấy, ngành tôm Việt Nam vẫn còn cơ hội để đấu tranh, vận động nhằm thay đổi tình thế. Trong khi đó, ngành tôm Việt Nam lại đang có nhiều thuận lợi hơn so với một số nước XK tôm khác nhờ đã kiểm soát được dịch bệnh nên đảm bảo về mặt sản lượng.
Còn ở Thái Lan, Trung Quốc …, chưa cho thấy khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch EMS. EMS cũng đang lan rộng ở một số nước nuôi tôm khác, khiến nguồn cung tôm trong năm nay trên toàn cầu sẽ gần giống như năm 2013. Vì thế, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VSASEP, cho biết XK tôm năm nay vẫn được dự báo sẽ đạt trên 3 tỷ USD.
Tôm vẫn là sản phẩm chủ lực trong XK thủy sản nhờ kiểm soát được dịch bệnh
Cá tra tuy vừa phải đón nhận thông tin không vui từ kết luận cuối cùng của POR9 về thuế chống bán phá giá cá tra do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, nhưng nhìn chung, dù có khó khăn hơn trước đây một chút, cá tra vẫn rộng đường vào thị trường Mỹ trong những tháng tới, bởi trên thực tế, người tiêu dùng nước này vẫn có nhu cầu sử dụng con cá tra Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thị trường gần như Trung Quốc, ASEAN … cũng đang có nhu cầu NK cá tra Việt Nam ngày càng nhiều, mà theo ông Trương Đình Hòe, đây sẽ là những thị trường quan trọng trong tương lai cho con cá tra.
Hiện tại, giá nhân điều XK chưa cao, giá điều mà nông dân bán ra hiện chỉ còn 19.000-20.000 đ/kg, giảm tới 6.000-7.000 đ/kg so với đầu vụ. Nhiều khả năng, phải tới quý 3 và quý 4, XK điều mới thực sự khởi sắc. Và ngành điều đặt mục tiêu cố gắng duy trì giá trị XK điều trong năm nay bằng với mức đã đạt được của năm ngoái, tức là gần 1,7 tỷ USD.
Dẫu vậy, do vẫn còn gặp khó khăn lớn ở thị trường quan trọng là EU, cộng với nguồn cá nguyên liệu trong năm nay dự báo giảm mạnh so với năm ngoái, nên XK cá tra chỉ đặt ra mục tiêu cố gắng đạt mức 1,8 tỷ USD. XK hải sản cũng chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Do đó, kỳ vọng XK thủy sản cả năm 2014 ở mức 6,8-7 tỷ USD, tức là chỉ tương đương hoặc tăng một chút so với năm 2013.
Cũng như thủy sản, đến thời điểm này, ngành điều cũng chỉ mong duy trì được mức XK như năm ngoái, cho dù trong quý 1 vừa rồi, cả lượng lẫn giá trị XK đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, theo ước tính của Bộ Công thương, trong 3 tháng đầu năm nay, ngành điều đã XK được 51 ngàn tấn điều nhân, đạt giá trị 319 triệu USD, tăng 19,1% về lượng và 21,6% về giá trị so với cùng kỳ 2013.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, tình hình XK điều đầu năm nay nhìn chung không thuận lợi lắm khi các DN đều cho rằng nhu cầu thị trường đang yếu.
Trong quý 2 này, dự báo tình hình XK điều vẫn còn khó khăn, nhất là tại các thị trường EU, Mỹ …, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị tại những nơi này.
Gạo: "Hậu" Philippines
Quý 1 năm nay, XK gạo chỉ đạt 1,291 triệu tấn, giảm 15,41% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, và không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là lượng tồn kho thấp, nguồn cung hạn chế, trong khi giá XK giảm bởi ảnh hưởng xấu từ thị trường thế giới.
Nhờ đã ký được một lượng hợp đồng kha khá, nên XK gạo trong những tháng tới, có thể sẽ bớt căng thẳng, bớt khó khăn hơn so với quý 1. Đến ngày 13/4, các DN đã đăng ký hợp đồng XK được 2,7 triệu tấn gạo, trong đó mới có gần 1,4 triệu tấn đã được giao cho khách hàng nước ngoài.
Chính vì thế, việc Việt Nam trúng thầu 800 ngàn tấn gạo 15% tấm XK sang Philippines, được coi như là một cú hích quan trọng đối với công tác XK và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong quý 2 này.
Trước hết do toàn bộ số gạo nói trên sẽ được giao từ tháng 5 đến hết tháng 8/2014, sẽ giúp các DN giảm áp lực bị ép giá ở thị trường Trung Quốc, khi mà trong quý 1, do khó khăn từ các thị trường khác, có tới trên 40% lượng gạo XK của Việt Nam phải phụ thuộc vào thị trường này trong tình trạng luôn bị thương nhân Trung Quốc ép giá.
Mặt khác, các DN sẽ phải tăng cường thu mua gạo nhằm đáp ứng cho việc giao hàng sang Philippines, vì thế chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực trong việc giữ và nâng giá lúa gạo hàng hóa cuối vụ Đông xuân, đầu vụ Hè thu ở ĐBSCL.
Điều đáng chú ý là trong khi toàn bộ lượng gạo 800 ngàn tấn trúng thầu XK sang Philippines đều là gạo 15% tấm, thì thị trường Trung Quốc cũng đang có nhu cầu lớn với loại gạo này. Chúng ta sẽ chờ các hiệu ứng từ Philippines.