Bàn giao tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 cho ngư dân huyện Đông Hòa - Ảnh: ANH NGỌC
“Vướng” bảo hiểm
Sau gần 3 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh, đến nay chính sách này từng bước đi vào cuộc sống, một số tàu cá đi vào hoạt động có hiệu quả, số lượng tàu thuyền được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hải sản ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, quá trình triển khai nghị định này cũng phát sinh một số khó khăn, bất cập, các ngân hàng ngần ngại cho vay vì rủi ro cao… Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề trong nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Sở NN-PTNT, đối với chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67, toàn tỉnh đã có 940 lượt tàu cá tham gia với số tiền hỗ trợ bảo hiểm thân tàu gần 14 tỉ đồng và khoảng 7.510 lượt thuyền viên tham gia bảo hiểm với số tiền hỗ trợ hơn 2,2 tỉ đồng. Ông Nguyễn Cu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho biết: Ngư dân rất phấn khởi khi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 đối với thân tàu và thuyền viên. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, nhiều ngư dân trên địa bàn xã không thỏa mãn trong việc xác minh, thẩm định và chi trả tai nạn rủi ro trên biển. Tiêu biểu, trường hợp tàu cá của ông Nguyễn Xẹo gặp tai nạn trên biển nên bị chìm và mất hết tài sản nhưng bảo hiểm không chịu bồi thường. Hay trường hợp tàu cá của ông Nguyễn Hiếu bị gãy láp phải nhờ tàu khác lai dắt vào bờ nhưng bảo hiểm cũng không chịu chi trả. Nhiều trường hợp tàu cá ở xã An Ninh Tây bị sự cố ngoài ý muốn như vỡ lốc máy nhưng cũng không được bảo hiểm chi trả. Hiện nhiều ngư dân ở địa phương không còn mặn mà với Công ty Bảo Minh Phú Yên, có nhiều trường hợp tự bỏ tiền để mua bảo hiểm từ các công ty khác.
Còn ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) thì cho rằng, đối với tàu cá mua bảo hiểm ở các công ty bảo hiểm khác (không phải Công ty Bảo Minh Phú Yên), khi gặp rủi ro trên biển thì các công ty bảo hiểm này đều giải quyết và họ áp dụng vào giấy phép khai thác hải sản ở vùng biển Việt Nam. Theo quy định, tàu cá có công suất từ 90CV trở lên được hỗ trợ mua bảo hiểm theo Nghị định 67, tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay không triển khai, trong khi Nghị định 67 vẫn tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến cuối năm 2017.
Theo ông Bùi Văn Luận, Phó Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên, từ khi triển khai bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 đến nay, Phú Yên có hơn 40 hồ sơ chưa được chi trả bảo hiểm, trong đó chủ yếu bị tai nạn nằm ngoài vùng biển hạn chế (hạn chế II cách đất liền không quá 50 hải lý) so với giấy phép được hoạt động của tàu cá và những hư hỏng máy móc do hao mòn tự nhiên gây ra. UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Công ty Bảo Minh Phú Yên sớm thực hiện các thủ tục giải quyết bồi thường cho những tàu cá bị tai nạn nói trên; công ty cũng đã có văn bản gởi Bộ Tài chính, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn…
Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, đề nghị làm rõ: Khi Công ty Bảo Minh Phú Yên ký hợp đồng bảo hiểm với ngư dân, phía công ty có hỏi rõ ngư dân máy móc trên tàu ở tình trạng như thế nào hay không? Khi máy bị sự cố hư hỏng ngoài ý muốn như gãy láp, bể lốc máy… thì phía công ty lại cho rằng hư hỏng là do hao mòn tự nhiên. Việc bán bảo hiểm là tham gia chia sẻ rủi ro, nếu Công ty Bảo Minh Phú Yên nêu hết lý do này đến lý do khác mà không chịu chi trả thiệt hại thì ngư dân có còn tin tưởng và mua bảo hiểm của công ty này hay không. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh vẫn chưa triển khai bảo hiểm cho tàu cá mặc dù Nghị định 67 còn hiệu lực đến cuối năm 2017.
Cơ sở, dịch vụ hậu cần chưa tương xứng
Ngư dân Võ Văn Tiến, chủ tàu cá PY91036TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: Hiện đa số tàu đánh bắt xa bờ đều thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động lành nghề có chuyên môn bài bản. Để khắc phục tình trạng này, nhiều chủ tàu phải sử dụng lao động không có kinh nghiệm cũng như chuyên môn, thậm chí còn sử dụng lao động chưa đủ tuổi nên việc khai thác hải sản không đạt hiệu quả như mong muốn. Tỉnh cần sớm đầu tư cơ sở hạ tầng, khu neo đậu cho tàu thuyền, cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ chuyên về cá ngừ… để ngư dân có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, không bị các nậu vựa ép giá, ép phẩm cấp.
Ông Lương Luận, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: Cửa biển Đà Diễn và luồng lạch vào Cảng cá Đông Tác thường xuyên bị bồi lấp đã gây khó khăn cho tàu công suất lớn ra vào, nhất là các tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67. Lo ngại vấn đề mắc cạn, nhiều tàu cá không trở về địa phương mà hoạt động ở các cảng cá khác, thậm chí ở ngoài tỉnh. Ngư dân mong muốn tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề cá, giúp ngư dân ổn định sản xuất và bám biển làm ăn.
Theo Sở KH-ĐT, Phú Yên đã đề xuất 16 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị định 67 nhưng đến nay chỉ có 3 dự án được Trung ương thẩm định gồm Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác (tại TP Tuy Hòa) với tổng vốn đầu tư khoảng 80 tỉ đồng, Trung tâm Giống thủy sản nước mặn tỉnh Phú Yên (tại huyện Tuy An) khoảng 50 tỉ đồng và dự án Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản Long Thạnh (tại TX Sông Cầu) khoảng 50 tỉ đồng. Ba dự án này được Trung ương giao kế hoạch vốn để triển khai từ năm 2016. Theo ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở KH-ĐT, nguồn thu ngân sách của Phú Yên chưa đáp ứng đủ chi thường xuyên nên nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án gặp khó khăn, chủ yếu phụ thuộc nguồn hỗ trợ của Trung ương. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ của Trung ương theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 còn hạn chế nên Phú Yên bị động và khó khăn trong việc triển khai các dự án…
Phú Yên hiện có hơn 4.120 tàu thuyền, trong đó khoảng 755 tàu có công suất từ 90CV đến dưới 400CV, gần 380 tàu có công suất từ 400CV đến dưới 800CV và 8 tàu có công suất trên 800CV. Theo đăng ký khai thác vùng biển khơi, Phú Yên có khoảng 1.040 tàu cá. Những năm qua, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngư dân vươn khơi bám biển nên ngành Thủy sản Phú Yên không ngừng phát triển. Sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh năm sau cao hơn năm trước từ 1,9-2,1 lần, giá trị hàng thủy sản xuất khẩu hàng năm khoảng 32 triệu USD (chiếm khoảng 45% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh).
Anh Ngọc
Công Ty Thức ăn Chăn Nuôi và Trang trại có nhu cầu mua sản phẩm bột bã hèm bia vui lòng liên hệ :
CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI BÃ HÈM BIA.
Hotline: 091 567 2347
Email: bahembianhapkhau@gmail.com
Web: bahembia.com
----------------------------------------
Đơn vị phân phối:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THIÊN KHÔN PHÚ
Adress: 63 Đường số 13 - P.Bình Trị Đông B - Q.Bình Tân - TP.HCM
Phone: 08.6260 0412 -Fax: 08.6260 2239
Email: thienkhonphujsc@gmail.com
Kho hàng: Lô F9, Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Xã Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh