Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang vừa phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) khai giảng lớp tập huấn canh tác lúa thân thiện với môi trường. Tham dự lớp tập huấn có 32 học viên là cán bộ Hội Nông dân và lãnh đạo tổ chức nông dân (giám đốc, phó giám đốc các hợp tác xã nông nghiệp).
Tham dự lớp tập huấn, các học viên được chia nhóm thảo luận theo các chuyên đề: Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường, sử dụng hợp lý phân bón, sử dụng nước tưới trong canh tác lúa thân thiện môi trường và thu gom sử dụng hiệu quả rơm rạ. Ảnh: Trung Chánh.
Chương trình tập huấn thuộc dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tài trợ.
Trong thời gian 3 ngày (28 - 30/3), các học viên tham gia lớp tập huấn được trang bị kiến thức, đồng thời thảo luận, thao giảng theo 5 chuyên đề: Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường, lợi ích của canh tác lúa thân thiện môi trường, sử dụng hợp lý phân bón, sử dụng nước tưới trong canh tác lúa thân thiện môi trường và thu gom sử dụng hiệu quả rơm rạ.
Từ những kiến thức được tập huấn, cán bộ Hội Nông dân và lãnh đạo tổ chức nông dân về chia sẻ, truyền đạt lại cho hội viên, nông dân địa phương áp dụng sản xuất lúa theo hướng hưu cơ, quy trình canh tác thân thiện môi trường.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất ĐBSCL, với trên 700.000 ha/năm, sản lượng thu hoạch khoảng 4,4 - 4,5 triệu tấn/năm. Tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu xây dựng thành công 200.000 ha lúa chất lượng cao.
Đ.T.Chánh