Phóng sự- ký sự

Vào vương quốc ngọc trai

Thứ bảy, 20/08/2016 09:41 lượt xem: 1145

Làng nghề nuôi trai lấy ngọc trên vịnh Bái Tử Long được biết đến như một thương hiệu, thương hiệu “vương quốc ngọc trai”.

chăm sóc ngọc trai

Chị Nguyễn Thị Thanh giải thích công đoạn chăm sóc đặc biệt trước khi cấy ngọc.

Giữa muôn trùng đảo đá của vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), hàng năm sản sinh ra hàng triệu viên ngọc trai lấp lánh đủ màu sắc. Ngọc trai nơi đây không chỉ đẹp về màu sắc, lớn về kích thước mà còn được đánh giá là loại ngọc trai thượng hạng, có chất lượng đứng hàng đầu thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, làng nghề nuôi trai lấy ngọc trên vịnh Bái Tử Long ngày nay được biết đến như một thương hiệu, thương hiệu “vương quốc ngọc trai”.

Huyền thoại vùng đất “phun châu, nhả ngọc”

Lúc mặt trời còn chưa tỉnh giấc, trên bến cảng Cái Rồng – Vân Đồn đã nhộn nhịp những bước chân của ngư dân cập cảng sau một đêm buông lưới. Lẫn trong đấy là tiếng cười nói của hàng trăm công nhân đang hối hả xuống tàu chuẩn bị một ngày làm việc ngoài khơi. Chiếc tàu nhẹ nhàng rẽ sóng đưa chúng tôi hướng ra vịnh. Không khí trong lành của biển, chớm thêm vị mặn của hơi nước lướt nhẹ trên những khuôn mặt rạng rỡ đón chào ngày mới bắt đầu.

Ngồi ở mũi tàu, anh Nguyễn Văn Cường, chuyên gia nuôi cấy ngọc trai chỉ tay về phía điệp trùng núi đá đang nép mình trong sương sớm nói: “Vùng  nước này là thiên đường của ngọc trai đấy chú, ít nơi trên thế giới có thể hội tụ được những điều kiện thuận lợi để nuôi cấy ngọc trai như nơi đây. Kể cả độ mặn của nước, thức ăn và cả thời tiết đều thích hợp để trai phát triển và sản sinh ra những viên ngọc thượng hạng. Điều này cũng không phải tự nhiên mà có, vì mảnh đất này còn gắn liền với những truyền thuyết cách đây hàng nghìn năm”.

Chuyện rằng: “Khi xưa, nước Việt mới ra đời đã bị giặc xâm lấn. Ngọc Hoàng liền sai Rồng mẹ mang một đàn Rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi những chiếc thuyền giặc từ ngoài biển tiến vào bờ, đàn Rồng phun vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, tạo nên bức tường thành vững chắc để chặn bước tiến của thuyền giặc.

Thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột nên đâm vào các đảo đá vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới, bảo vệ vùng đất này muôn đời. Vị trí Rồng mẹ là Hạ Long, Rồng con là Bái Tử Long. Đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Long Vĩ với bãi cát mịn và dài hơn chục cây số. Cũng từ đó, vùng biển đảo Vân Đồn nhuốm màu huyền thoại về ngọc trai với nhiều hòn đảo mang tên ngọc như đảo Minh Châu (ngọc sáng), đảo Ngọc Vừng (ngọc phát sáng)”.

canh dong ngoc trai
"Cánh đồng" ngọc trai rộng gần 40 ha mặt nước.

Bao đời nay, ngoài đánh bắt tôm cá thì ngư dân nơi đây xem ngọc trai là một sản vật mà trời đất ban tặng cho vùng đất này. Lễ vật không thể thiếu trong mâm dạm ngõ chính là ngọc trai, nó không chỉ đánh giá sự tài hoa của chàng rể mà còn thể hiện tình yêu, sức mạnh và lòng dũng cảm. Ngọc trai được xem là thước đo giá trị của tính kiên trì, khéo léo đối với một ngư dân lành nghề. Màu xanh ngà thể hiện sự tinh khiết, màu phớt hồng thể hiện sự tinh tế, màu trắng bạc thể hiện sự sang trọng.

“Ngày xưa ngọc trai vùng này nhiều vô kể. Quý nhau người ta có thể cho cả vốc ngọc trai mà không tiếc. Cứ mỗi lần ăn cháo trai là phải gạn ngọc lẫn trong cháo ra mới ăn được. Công dụng của ngọc trai không chỉ làm trang sức mà còn là một vị thuốc quý. Trẻ con bị sốt chỉ cần mài ngọc trai non hòa chung với nước cho uống là hạ sốt ngay tức thì” - ông Cao Tuy, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Ninh kể về tác dụng của ngọc trai.

Thương cảng Vân Đồn xưa kia được thế giới biết đến với sự đa dạng của hàng hóa và trong đó nổi bật là ngọc trai. Những viên ngọc trai tự nhiên đẹp đến mê hồn trở thành những món đồ trang sức đắt đỏ của giới thượng lưu. Nó trở thành những món hàng ưa chuộng và được các thương lái nước ngoài săn lùng bằng mọi giá. Ngọc trai Vân Đồn được thế giới đón nhận như một vật phẩm quý hiếm mà ít nơi có được.

lam ve sinh
Công nhân làm công tác vệ sinh định kỳ cho trai.

Trước đây, trên thế giới, bí quyết nuôi trai lấy ngọc chỉ duy nhất được người Nhật Bản khám phá và nắm giữ. Mãi về sau, bí quyết này được chia sẻ cho một số ít khu vực có điều kiện tốt để nuôi trai lấy ngọc và vịnh Bái Tử Long cũng nằm trong số đó. Hiện nay, nhờ vào bí quyết này cộng thêm những kinh nghiệm được ngư dân nơi đây đúc rút hàng nghìn năm qua, nghề nuôi trai lấy ngọc đang phát triển mạnh tại Vân Đồn.

Bí quyết nuôi trai lấy ngọc

Để có được một viên ngọc trai tự nhiên đạt tiêu chuẩn là đặc biệt hiếm và đôi khi, ngư dân phải đánh đổi bằng tính mạng. Nhưng khi tận thấy công nghệ nuôi trai lấy ngọc mới hiểu hết được sự công phu của từng công đoạn, sự vất vả, cực nhọc của nghệ nhân khi tạo ra một viên ngọc trai nuôi cấy. Trải qua nhiều đời đúc rút kinh nghiệm, ngư dân vịnh Bái Tử Long dường như nắm rõ trong lòng bàn tay về tập tính của loài trai.

Sau hơn 1 giờ lênh đênh trên vịnh, con tàu đưa chúng tôi đến được điểm tập kết. Mặt trời cũng bắt đầu chiếu những ánh nắng đầu tiên. Khu vực nuôi trai rộng gần 40ha, trên mặt nước chi chít những bè gỗ được xếp ngay ngắn cạnh nhau và được đánh số thứ tự rõ ràng. Chị Nguyễn Thị Thanh, kỹ thuật trưởng của Công ty Ngọc trai Taiheiyo Shinju Việt Nam bắt đầu phân công nhiệm vụ cho gần 200 công nhân. Mọi người chia ra thành từng nhóm khoảng 10 người để làm vệ sinh cho “cánh đồng ngọc trai”.

“Nghề nuôi trai lấy ngọc này đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo, đặc biệt là phải có tình yêu mãnh liệt với biển mới có thể bám trụ được lâu dài. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, gặp vô vàn khó khăn, thậm chí đối mặt với cái chết nhưng mỗi lần cầm trên tay những viên ngọc sáng do chính tay mình làm ra là mình quên hết mệt nhọc khó khăn” – chị Thanh tâm sự.

Từ những năm 90, khi người Nhật bắt đầu chọn vịnh Bái Tử Long làm nơi nuôi cấy ngọc trai. Chỉ sau vài năm, ngọc trai Vân Đồn được biết đến như một sản phẩm thương hiệu hạng sang. Những viên ngọc tròn, to, sáng bóng dần chinh phục những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ...

Muốn có được một viên ngọc trai đạt chất lượng tốt phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm và những bàn tay vàng để cấy ngọc. “Đầu tiên phải chọn trai cám có nguồn gốc tốt, khỏe mạnh, không sâu bệnh. Mỗi đợt nuôi cần khoảng 70 triệu con trai cám, chia nhỏ vào các túi lưới kín vì nó chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Sau đó treo vào bè ở độ sâu 3 mét để tránh sóng vì lúc này trai đang yếu và chưa quen thổ nhưỡng. Cứ 1 tuần lại kéo lên để làm vệ sinh 1 lần” – Chị Thanh chia sẻ.

Sau 18 tháng được chăm sóc và chọn lọc kỹ lưỡng, tiếp tục chọn lại khoảng 20 triệu con để đưa vào chế độ chăm sóc dành riêng cho trai. Thời điểm cấy ghép nhân thích hợp nhất là từ tháng 6 đến tháng 7 hàng năm, khi trai đạt từ 18 gam đến 22 gam. Từ 20 triệu con tiếp tục chọn lại 10 triệu và đưa vào chế độ chăm sóc “vô cùng đặc biệt”.

“Trai khỏe quá không thể cấy được ngọc vì nó sẽ đẩy nhân tế bào ra ngoài, trai yếu quá cũng không cấy được vì nó không thể tiếp nhận nhân và chết. Trai đang mùa sinh sản nhiều trứng cũng không thể cấy vì nó tạo chất xà cừ bám vào nhân không đều và màu sắc không đẹp” - chị Thanh chia sẻ.

ngoc trai dep
Ngọc trai sau khi thu hoạch.

Qua nhiều công đoạn chăm sóc chọn lọc, 10 triệu con trai này sẽ được chăm sóc với một chế độ “không giống ai”. Trai sẽ được vớt lên mặt đất khoảng 2 tiếng sau đó xếp 150 con vào 1 lồng, treo gần mặt nước để thay đổi môi trường liên tục. Sóng dồn dập, nhiệt độ cao, chật chội, thức ăn khan hiếm sẽ khiến trai khó chịu và yếu dần. Trong thời gian này nó sẽ đẻ hết trứng ra ngoài vì không đủ chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Sau 1 tuần mới đưa trai lên bàn cấy.

“Trong các công đoạn thì cấy nhân là công đoạn khó nhất và đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì của người thợ. Mỗi ngày, một người thợ có thể cấy được 300 con. Công việc cần sự chú tâm cao độ, chỉ cần cấy lệch hoặc không đúng vị trí sẽ khiến viên ngọc không đẹp hoặc trai sẽ chết sau khi cấy” - chuyên gia nuôi cấy ngọc trai Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Công nhân cấy ngọc cũng như 1 bác sỹ thực thụ, phải xác định đúng vị trí cấy nhưng phải hạn chế nhất những tác động gây tổn thương cho trai. Nhân ngọc làm bằng nhựa tổng hợp, hoặc vỏ các loài nhuyễn thể song nhân ngọc tốt nhất hiện nay là loại nhân được chế tạo từ vỏ trai cóc nước ngọt. Mô tế bào sẽ được cắt từ một con trai khác để ghép vào tạo màng vỏ bọc nhân. Sau khi trai ngậm được nhân sẽ tiết chất xà cừ bao bọc viên nhân để hình thành viên ngọc trai quý giá.

Khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, sau quá trình khảo sát các địa điểm để phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc. Ông Okumoto Masahiro, Giám đốc Cty Taiheiyo Shinju Việt Nam, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về nuôi cấy ngọc trai thốt lên rằng: Bái Tử Long chính là vương quốc của ngọc trai đẳng cấp thế giới.

“Quảng Ninh tự hào là nơi tiên phong trong sản xuất ngọc trai được nuôi trồng và chế tác tại Việt Nam. Nhờ vào quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản cùng công nghệ đột phá, sản phẩm ngọc trai hiện nay được đăng kí dưới tên Spica và vinh dự nhận giải Sao vàng đất Việt. Đây là dòng sản phẩm có chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, Quảng Ninh đang phấn đấu để trở thành địa chỉ nuôi trai lấy ngọc nổi tiếng thế giới, xứng tầm với điều kiện tự nhiên mà ít nơi có được” – ông Vũ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Ninh cho biết.

20/08/2016

Hoàng Dương

Báo Tiền Phong

 

Cần bán gấp 50 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500đ tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ (08) 6260 0412 - 0946.705.238  cam kết chất lượng. Ngoài ra còn có Bột xương thịt, bã điều, bột đầu tôm, bột gan mực.

 

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện