Tin Tức Nông Sản

Tiếp tục mùa tuyển sinh thất bại của nhiều trường ĐH ngoài công lập

Thứ ba, 29/10/2013 04:40 lượt xem: 1127
Ngày mai 30/10 là ngày cuối cùng để các trường ĐH,CĐ hoàn tất công tác xét tuyển kết thúc mùa tuyển sinh 2013. Nhiều trường đại học ngoài công lập khu vực phía Bắc đã coi như mùa tuyển sinh thất bại vì quá ít thí sinh.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập (NCL) phía Bắc không muốn nói về số lượng hồ sơ mà trường nhận được mà chỉ gói gọn câu: Rất khó khăn, không tuyển đủ chỉ tiêu!
 
Ông Phan Cao Cường, lãnh đạo trường ĐH Chu Văn An không giấu được vẻ buồn bã cho biết: “Cơ sở vật chất của trường chúng tôi khang trang với quy mô đào tạo đến 6.000 sinh viên mà từ đầu mùa tuyển sinh đến nay trường chỉ nhận được vẻn vẹn 75 hồ sơ thí sinh đăng ký. Trường sẽ xin bộ để tuyển sinh đợt tiếp theo vào mùa xuân tới”.
 
Ông Cường đề nghị: “Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện ngay Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) vừa ban hành để các trường được tự chủ tuyển sinh chứ chờ đến sau 2015 quá lâu, vô cùng thiệt hại cho các trường”.
 
Được biết, khu vực phía Bắc chỉ có vài trường ĐH NCL tuyển sinh đủ hoặc gần đủ chỉ tiêu được giao như ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và công nghệ, ĐH Phương Đông, ĐH FPT....
 
Tiếp tục mùa tuyển sinh thất bại của nhiều trường ĐH ngoài công lập
 
Nhiều trường đại học ngoài công lập chỉ tuyển được vài chục đến vài trăm hồ sơ so với hàng nghìn chỉ tiêu được giao.
 
Không tuyển sinh được là do vướng mắc trong quản lý nhà nước
 
Ông Văn Đình Ưng, Chánh văn phòng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết: “Tình hình thiếu nguồn tuyển mấy năm qua ngày càng trầm trọng, khiến một số trường địa phương và trường NCL chỉ tuyển được vài chục phần trăm so với chỉ tiêu năng lực đào tạo của nhà trường. Tình trạng thiếu nguồn tuyển có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do cắt “điểm sàn” chưa có cơ sở khoa học thực tiễn. Ngoài ra có tình trạng các trường tốp trên được phép tuyển dôi dư 5 - 7% nên đã thu hút số đáng kể thí sinh vào các trường này, lại có tình trạng thiếu sinh viên khối A, thừa thí sinh khối B ... là một thực tế góp phần thiếu hụt nguồn tuyển sinh cho các trường, cho các ngành nghề mới. Có những ngành nghề mới không thể tuyển sinh ở khối A, khối B hay khối C... mà đòi hỏi tổ hợp từ 2-3 môn khác, nhưng chưa được nghiên cứu và bổ sung vào quy chế thi tuyển sinh”.
 
Đồng quan điểm, GS. TSKH. Đặng Ứng Vận - Trường ĐH Hòa Bình và TS. Lê Viết Khuyến khẳng định: Các trường không tuyển sinh được là do vướng mắc trong quản lý nhà nước.
 
GS Đặng Ứng Vận cho rằng, trong điều kiện khó khăn như vậy, việc các trường tư chịu chung (thậm chí còn chặt chẽ hơn) một định chế với các trường công và đặc biệt là thua kém về tính tự chủ so với các trường nước ngoài đã đặt các trường tư vào thế yếu, thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh không cân sức. Chính sách mở trên nhưng khép dưới, chỉ cần một câu trong văn bản hướng dẫn của Bộ thì quyền tự chủ được định chế trong những văn bản cấp cao hơn không thể thực hiện được.
 
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích: “Nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến một thực tế là các trường công, các trường trọng điểm vẫn có quyền lấy tới điểm sàn và như vậy đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần của các trường tư, đặc biệt là các trường mới được thành lập”.
 
Tiến sĩ Khuyến đặt câu hỏi: Tại sao không đặt các trường công và trường trọng điểm vào một thách thức tương tự như các trường tư? tức là, các trường quốc gia, trường vùng, trường trọng điểm không được lấy quá ví dụ 15% số thí sinh có điểm cao nhất, các trường công không được lấy quá 30% số thí sinh có điểm cao nhất và dành 15% từ điểm sàn trở lên cho các trường mới được thành lập? Về thực chất, quy định này tạo động lực cho các trường công, trường trọng điểm phải tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng và uy tín của họ.
 
Thiếu trách nhiệm nếu nói giải thể trường
 
Bộ GD-ĐT đã thông tin, những trường mới thành lập, những ngành sau 3 năm không tuyển sinh được thì sẽ dừng tuyển sinh và tiếp tục như thế có thể đóng cửa trường.
 
Nhận định về vấn đề này, tại buổi tổng kết 20 năm thành lập các trường ĐH, CĐ NCL, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nêu rõ quan điểm: Khi các trường ÐH NCL gặp khó khăn, một số quan chức giáo dục đã vội tuyên bố sẽ giải thể các trường không có khả năng tuyển sinh. Cách ứng xử như vậy là thiếu trách nhiệm.
 
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phân tích: Hệ thống các trường ÐH, CĐ NCL là một thành tựu của chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học, tận dụng sự tham gia và mở rộng sự thụ hưởng GDÐH từ xã hội, đồng thời tăng thêm nguồn lực cho GDÐH. Ðây là một biểu hiện của đường lối GD của Ðảng và Nhà nước, cần được thực hiện một cách nhất quán.
 
Trong hệ thống GDÐH NCL của chúng ta, các trường nhiều tuổi nhất mới khoảng hai thập niên, còn rất non trẻ. Vì lẽ đó cần xem đây là các trường thuộc tầng thấp trong hệ thống GDÐH. Tuy nói như vậy nhưng cũng có thể thấy các điểm sáng trong GDÐH NCL nước ta, đó là các trường đã có nhiều cố gắng để đứng vững và nâng cao chất lượng, thí dụ ÐH Thăng Long ở phía bắc, ÐH Duy Tân ở miền trung và ÐH Hoa Sen ở phía nam.
 
Tạo điều kiện để ra đời các ÐH NCL là thể hiện đường lối GD của Ðảng và Nhà nước nhưng việc thực hiện không được nhất quán. Chẳng hạn, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao đã nêu rõ Nhà nước khuyến khích các trường tư theo mô hình không vì lợi nhuận, nhưng mọi quy chế cho ÐH NCL đến nay vẫn là loại hình vì lợi nhuận, cho đến Luật GDÐH mới nêu định nghĩa sơ bộ về trường không vì lợi nhuận.
 
Một biểu hiện khác, trong mấy năm qua, ngành GD cho thành lập hàng loạt trường tư, nhưng gần đây chính ngành GD lại phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các ÐH công lập tầng trên, nơi sẵn có cơ sở vật chất và đội ngũ, điều này tạo cơ hội cho các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân các ÐH tầng dưới, trong đó có các trường ÐH NCL.
 
“Khi các trường ÐH NCL gặp khó khăn, một số quan chức GD đã vội tuyên bố sẽ giải thể các trường không có khả năng tuyển sinh. Cách ứng xử như vậy là thiếu trách nhiệm. Ngành GD cần có cách ứng xử mềm dẻo hơn, chẳng hạn yêu cầu các trường còn yếu có kế hoạch phấn đấu để nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng. Mặt khác Nhà nước cũng cần có sự giúp đỡ các trường NCL, thể hiện nhất quán đường lối xã hội hóa GD của Ðảng và Nhà nước” - nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
 
 
Theo Dantri

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện