Có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản vào EU song điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ càng về những đặc trưng của thị trường này.
Bên cạnh đó phải có những chiến lược, kế hoạch cụ thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng.
Đó là thông điệp được các chuyên gia đến từ Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu từ các nước đang phát triển (CBI - Hà Lan) gửi tới các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam tại buổi hội thảo tư vấn “Xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường EU” do CBI phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tổ chức ngày 20/12, tại TPHCM.
Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại, trong khi nhiều lĩnh vực đang phải chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế ở châu Âu thì nghành công nghiệp nguyên liệu thực phẩm vẫn phát triển với tốc độ khoảng 3,5%/ năm trong vài năm tới.
Điều này đem đến những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thực phẩm có chất lượng vượt trội tại Châu Á như: Cà phê, ca cao, chè, mật ong, gia vị, hạt điều, trái cây.
Tuy nhiên, thị trường EU, các tiêu chuẩn đòi hỏi mức độ cao hơn về nguồn gốc xuất sứ và an toàn thực phẩm. Các tiêu chuẩn mới và ngày càng nghiêm ngặt áp dụng với tất cả các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang EU, bao gồm HACCP, ISO:22000 và quy định mới của EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp có vị trí vững chắc và dài hạn tại thị trường nguyên liệu thực phẩm, CBI và Cục Xúc tiến thương mại triển khai Chương trình hỗ trợ xuất khẩu ngành nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam.
Khi tham gia chương trình này, các doanh nghiệp được đánh giá về năng lực tham gia thị trường EU từ đó được hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ để có thể đáp ứng được yêu cầu từ thị trường này khi xuất khẩu.
Những doanh nghiệp có thể tham gia chương trình hỗ trợ xuất khẩu này là những đơn vị có trên 2 năm kinh nghiệm trong ngành nguyên liệu thực phẩm, có từ 25-500 lao động; không liên doanh với một công ty thuộc nước thu nhập trung bình trở lên, đồng thời doanh nghiệp phải do người Việt Nam làm chủ với ít nhất 51% giá trị công ty. Đồng thời là những đơn vị đã tuân thủ hoặc sẵn sàng tuân thủ theo yêu cầu của thị trường EU, có giá cả cạnh tranh và đủ năng lực sản xuất để xuất khẩu.