Đầu tháng 10-2014, tiến sĩ Thomas Sutton, kiểm dịch viên cao cấp của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ, đã đến Bến Tre và Đồng Tháp để đánh giá lần cuối trước khi cấp mã số vùng trồng nhãn cho nông dân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ.
Sau đó, ông làm việc với các nhà máy chiếu xạ để thống nhất phương pháp xử lý cho trái nhãn trước khi trái nhãn tươi của VN sẽ được nhập vào Mỹ, dự kiến trong tháng 11.
Ông Thomas Sutton cũng chính là người đánh giá cấp mã số vùng trồng và nhà máy chiếu xạ đầu tiên cho trái thanh long của VN xuất vào Mỹ năm 2008.
Cần chiến lược quảng bá Đại diện Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruits) cho rằng bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần có chiến lược cụ thể để quảng bá và tiếp thị các sản phẩm trái cây chủ lực của VN. Hiện tại, thanh long VN vào Mỹ chỉ mới bán cho 3-4 triệu người dân gốc châu Á vốn đã quen thuộc với loại trái cây này. Còn lại, những đối tượng người Mỹ khác cũng như người tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, Nhật, New Zealand chưa biết nhiều đến loại trái cây này, để họ quyết định dùng thử và lựa chọn trong cuộc sống hằng ngày đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong quảng bá, tiếp thị. |
Chưa bằng 1%
Mặc dù các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... liên tục mở cửa cho trái cây tươi của VN, thế nhưng sản lượng xuất khẩu vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
Cụ thể, theo Cục Bảo vệ thực vật, trong chín tháng đầu năm 2014 xuất khẩu thanh long vào thị trường Mỹ đạt 1.300 tấn (bằng cả năm 2013) và dự kiến đạt 2.000 tấn trong cả năm 2014.
Còn tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu thanh long trong chín tháng đầu năm nay đạt 900 tấn, cao hơn 800 tấn của cả năm ngoái.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, con số này còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng của trái cây VN và so với sức mua của thị trường trên.
Chỉ riêng với thanh long, con số 3.000 tấn vào các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc mỗi năm chưa bằng 1% tổng xuất khẩu của loại trái cây này.
Vẫn còn đến 80% thanh long của VN phải xuất khẩu thô sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu bằng đường tiểu ngạch đầy rủi ro. Riêng trái chôm chôm sang các thị trường khó tính còn thấp hơn và hầu như không tăng trưởng do phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác.
Theo ông Vương Đình Khoát - tổng giám đốc Công ty Hugo (TP.HCM), so với tiềm năng của thị trường Mỹ thì số lượng thanh long VN xuất khẩu hiện nay chỉ như “muối bỏ biển”. Nhưng cái khó của doanh nghiệp là muốn tăng lượng hàng xuất khẩu thì không tìm được hàng đảm bảo chất lượng.
“Chất lượng trái thanh long không đồng đều, nhiều vườn dù được tư vấn kỹ thuật nhưng lượng trái đạt tiêu chuẩn xuất qua Mỹ chỉ khoảng 10%, phải mất công lựa rất nhiều vườn mới đủ hàng xuất” - ông Khoát nói.
Ông Nguyễn Hồng Hưng - người từng giữ chức vụ phó giám đốc Công ty chiếu xạ Yasaka (Bình Dương), đơn vị đầu tiên xuất khẩu thanh long vào Nhật Bản - cho hay sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, ông cùng một số người bạn tính mở công ty xuất khẩu trái cây vào Nhật Bản.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường thời gian gần đây đã khiến ông không thực hiện được kế hoạch này. Nguyên nhân là sau khi có thêm các công ty xuất khẩu trái cây vào Nhật, đã xuất hiện cạnh tranh bằng cách giảm giá giống như lúa gạo, cá tra từng mắc phải.
“Nếu như năm 2009 công ty tôi xuất khẩu thanh long vào Nhật với giá 5 USD/kg (FOB) thì năm nay có thời điểm doanh nghiệp VN chào bán với giá 2,5 USD/kg” - ông Hưng nói.
Cạnh tranh với Thái Lan
Không chỉ vấn đề chất lượng, trái cây của VN cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu khác. Từ năm 2008 đến nay, trái thanh long tươi của VN liên tiếp được mở cửa vào Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Chile, New Zealand và sắp tới sẽ là Úc, Đài Loan.
Tiếp sau thanh long, trái chôm chôm rồi trái xoài của VN cũng được các thị trường khó tính nói trên chấp nhận. Nhưng theo TS Nguyễn Hữu Đạt - giám đốc Cơ quan kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật), trái thanh long VN từ vị thế “một mình một chợ” nay đang trở thành sân chơi có sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác.
Tại thị trường Nhật Bản, thanh long Đài Loan cạnh tranh gay gắt với thanh long VN. Dù từng nhập khẩu mỗi năm lên đến hàng chục ngàn tấn thanh long từ VN, nhưng Đài Loan cũng trồng được loại trái cây này và đã hoàn thiện quy trình xử lý xuất khẩu sang Nhật Bản.
Mới đây nhất, Thái Lan cũng đã nộp đơn với phía Mỹ để tiến hành các thủ tục cho thanh long chiếu xạ của Thái xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho biết trong cái rủi cũng có cái may. Trái vải và trái nhãn là hai loại trái cây nhiệt đới mà người tiêu dùng tại các nước phương Tây quen thuộc nhất.
Do đó, chính các nước xuất khẩu trước VN như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc đã tạo ra thị trường cho loại trái cây này. VN chỉ cần đảm bảo về chất lượng và giá cả cạnh tranh là có thể mở rộng được thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác. Trái nhãn VN có thêm ưu điểm là có thể xuất khẩu bằng tàu biển như thanh long, do đó giá thành sẽ giảm nhiều so với xuất khẩu đường hàng không của trái chôm chôm.