Tin Tức Nông Sản

Thanh Hà được mùa vải sớm

Thứ bảy, 18/06/2016 09:32 lượt xem: 13197

Những ngày đầu tháng 6 này, vải thiều sớm ở Thanh Hà (Hải Dương) đang chín rộ. Tuy sản lượng vải quả giảm đáng kể so với năm trước nhưng bù lại vải đang được giá (từ 35.000-40.000 đồng/kg). Năm nay, vùng vải xuất khẩu của tỉnh được mở rộng tới hơn 110 ha. Đây là tín hiệu khả quan khi quả vải dần chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Theo số liệu của UBND huyện Thanh Hà, toàn huyện hiện có 3.930 ha vải và 2.690 ha các loại hoa quả khác. Sản lượng vải ước đạt 25.000 tấn, trong đó: vải sớm 13.000 tấn, vải chính vụ đạt 12.000 tấn (giảm so với năm trước khoảng 3.000 tấn). Để xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Australia... huyện Thanh Hà đã chỉ đạo, khuyến cáo các hộ dân tập trung triển khai sản xuất theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô toàn huyện. Trong đó, có 90 ha vải thuộc các xã Thanh Thuỷ, Thanh Xá, Thanh Khê, Thanh Bính được áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, tăng 80ha so với năm 2015. Có 10 ha vải tại xã Thanh Xá đã được Viện Nghiên cứu rau quả xây dựng mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

“Năm nay, sản lượng vải sớm ở xã Thanh Bính ước đạt hơn 2.000 tấn, tăng khoảng 500 tấn so với năm ngoái; xã Trường Thành hơn 700 tấn, tăng hơn 100 tấn. Ngoài ra, sản lượng vải ở các xã như Thanh Cường, Thanh Hồng, Hợp Đức cũng đều tăng. Sản lượng vải sớm toàn huyện ước đạt hơn 14.000 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với năm trước. Trà vải đang thu hoạch rộ ở Thanh Hà là vải u trứng”, ông Nguyễn Văn Lực, chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết.

.
Người dân Thanh Hà sơ chế, đóng bó quả vải 

Năm nay vải sớm được mùa, được giá. Trung bình 38.000 đồng/kg, tương đối ổn định so với năm ngoái. Hiện tại, có hơn 50% vải sớm của xã tiếp tục được xuất sang thị trường Trung Quốc, số ít xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, còn lại tiêu thụ tại thị trường trong nước, đặc biệt ở TP.Hồ Chí Minh.

Mới đây, Công ty chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Thanh Hà đã xuất khẩu vào thị trường Pháp với khối lượng 1,5 tấn, trong đó chủ yếu là vải U hồng. Dự kiến, công ty sẽ xuất khoảng 70 tấn vải quả sang Pháp, trong đó vải sớm là 20 tấn, còn lại là vải thiều. Trước khi xuất khẩu, công ty sử dụng công nghệ xông hơi lưu huỳnh để tẩy trùng toàn bộ tạp chất ở vỏ quả vải, đặc biệt là những chất độc hại còn tồn dư. Sau đó, quả vải sẽ được sơ chế, đóng hộp và vận chuyển sang Pháp bằng đường hàng không. Cùng với việc đưa quả vải Thanh Hà sang thị trường Pháp, từ đầu vụ đến nay công ty cũng đã xuất được 30 tấn vải đi Trung Quốc, hiện nay công ty còn ký hợp đồng xuất khẩu vải quả cho các bạn hàng ở các nước như: Đức, Phần Lan, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông.

Mặc dù là nông sản chủ lực của tỉnh nhưng trước kia, nhưng quả vải lại bị phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc. Đây là thị trường dễ tính nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do thương lái “một mình, một chợ” nên quả vải thường xuyên bị ép giá khiến người trồng bị thua lỗ. Vì vậy, khi quả vải được những thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Australia… chấp thuận – mặc dù chưa nhiều -  đã tạo thuận lợi hơn trong tiêu thụ và giá bán. Tuy nhiên, đây là tiền đề để tỉnh đưa ra phương án tiêu thụ vải theo hướng mở rộng thị trường mới, tiềm năng nhưng vẫn chú trọng thị trường truyền thống. Đặc biệt, trong năm nay, quy trình sản xuất vải xuất khẩu thuận lợi hơn do ở Hà Nội đã xây dựng nhà máy chiếu xạ. Với việc chiếu xạ tại Hà Nội, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm được chi phí từ 15-16 triệu đồng/tấn do giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian và đặc biệt là giá chiếu xạ tại nhà máy phía Bắc chỉ có 0,3 USD/kg, chưa tới 50% so với nhà máy phía Nam (0,7 USD/kg). Năng lực chiếu xạ của nhà máy đạt từ 20-30 tấn/ngày, đủ sức phục vụ DN xuất khẩu.

Được biết, mô hình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã được tỉnh Hải Dương triển khai từ năm 2012 đến năm 2015. Tỉnh đã xây dựng và triển khai thành công 36 mô hình vải VietGAP (gần 250 ha), theo tiêu chuẩn Mỹ, Úc, EU (110 ha) và 10 ha theo Global GAP.  

Huyện Thanh Hà đã tập trung quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu vải thiều Thanh Hà và đã xây dựng thành công một số vùng vải chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap với hơn một nghìn ha vùng vải an toàn theo quy trình VietGap. Huyện cũng đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Tích cực hỗ trợ, xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối vải quả chuyên nghiệp và hiệu quả để tăng sản lượng xuất khẩu, nâng cao năng lực tiêu thụ và xuất khẩu, giúp người trồng vải có thu nhập ổn định, bền vững.

Mới đây, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận vải thiều Thanh Hà đạt “Thương hiệu thực phẩm an toàn, tin dùng năm 2016”. Điều này càng được khẳng định rõ nét khi thị trường tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đã trải rộng khắp cả nước(chiếm đến 50% sản lượng), 25-30% xuất khẩu đi Trung Quốc, 10% tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước, 10% sấy khô tại các lò thủ công và 5% xuất khẩu đi các nước Mỹ, Úc, EU, các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc ở dạng tươi và cấp đông. Vải thiều Thanh Hà ngày càng trở thành một loại cây trồng chủ lực và  đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân ở đây.

Thanh Sơn

 

Cần bán gấp 30 tấn bã hèm bia 50% đạm giá 5.500 tại kho dùng thay thế bã Nành, bột xương thịt. Liên hệ 0946705238,0948.2222.17 cam kết chất lượng.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện