Tin Tức Nông Sản

Sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân

Thứ ba, 07/01/2014 10:54 lượt xem: 707
Thời điểm này, nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đang vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị lúa giống, phân thuốc… sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân 2013-2014.
Thời điểm này, nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đang vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị lúa giống, phân thuốc… sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân 2013-2014. Năm nay, thành phố dự kiến gieo sạ khoảng 87.800 ha lúa, ngành nông nghiệp thành phố đã khuyến cáo nông dân chuẩn bị cho mùa vụ thật chu đáo, đảm bảo "ăn chắc" trong vụ lúa này…
 
Chủ động mùa vụ
 
Cách đây hơn 1 tháng, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ đã bắt tay vào vệ sinh đồng ruộng, đảm bảo thời gian giãn của 2 vụ lúa để tiêu diệt mầm bệnh trong đất. Nông dân Lê Tấn Nghiệm, ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Năm nay, nước lũ lên cao, dự kiến khoảng mùng 10 đến 20 tháng 10 âm lịch tôi mới sạ lúa. Tuy nhiên, tôi đã vệ sinh đồng ruộng sớm, thu gom, xử lý tốt các nguồn rơm rạ trên đồng. Kinh nghiệm sản xuất nhiều năm cho thấy, nếu làm đất từ sớm rồi cho nước lũ vào ruộng sẽ có thêm lượng phù sa cho đất và tiêu diệt được các mầm sâu bệnh còn lưu tồn trên đồng từ vụ sản xuất trước". Theo ông Đặng Hải Đăng ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, ông đã vệ sinh đồng ruộng hơn 1 tháng nay và chủ động nguồn lúa giống Jasmine từ rất sớm. "Gia đình tôi đã mua các loại phân bón, thuốc bảo vệ để dự trữ sẵn, tránh lúc vào vụ đông ken, giá các loại vật tư này có thể tăng lên"- ông Hải nói.
 
Theo nhiều nông dân trồng lúa trên địa bàn thành phố, sự chuẩn bị cho sản xuất một cách chu đáo cùng các hỗ trợ của ngành nông nghiệp và các ngành chức năng sẽ hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi. Theo ông Nguyễn Thái Công ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, khu vực của ông thu hoạch lúa thu đông 2013 khá trễ so với các địa phương khác, nên sẽ gieo sạ trong khoảng tháng 11 âm lịch. Ngay sau thu hoạch lúa thu đông, gia đình ông bắt tay vào vệ sinh đồng ruộng, bởi đây là vụ lúa chính trong năm, cần chuẩn bị chu đáo.
 

 

 Gia cố hệ thống đê bao, sẵn sàng cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2013-2014 tại phường Phước Thới, quận Ô Môn. 
 
Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, đồng thời đưa ra nhiều khuyến cáo cho nông dân. Theo đó, lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2013-2014 chia làm 2 đợt. Đợt 1 dự kiến xuống giống từ ngày 6 đến 12-11-2013 (nhằm mùng 4 tháng 10 đến 10 tháng 10 âm lịch); đợt 2 từ ngày 6 đến 12-12-2013 (nhằm mùng 4 tháng 11 đến 10 tháng 11 âm lịch). Ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình rầy nâu tại chỗ và rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương. Khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng" và thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần. Xuống giống theo dự báo rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ của cơ quan bảo vệ thực vật thành phố và các quận, huyện. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân từ đầu vụ, khuyến cáo nông dân tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không nên gieo sạ trước khi rầy di trú đến, gieo sạ đồng loạt để dễ dàng quản lý dịch hại và phòng trừ sâu bệnh trong quá trình canh tác.
 
Tổ chức tốt sản xuất
 
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2013-2014, lượng lúa giống đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh, phù hợp với yêu cầu thị trường. Cơ cấu giống gieo sạ gồm các giống lúa chủ lực như: Jasmine 85, OM 2517, OM 4218, OM 5451 và OM 7347. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân chuẩn bị tốt khâu chọn giống, sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương để đảm bảo chất lượng giống sạch, độ nẩy mầm cao. Cần xử lý hạt giống lúa bằng dung dịch nước muối 15% hoặc có thể dùng chất kích kháng Biosar, thuốc hóa học theo khuyến cáo của nhà sản xuất nhằm ngăn ngừa bệnh lúa vón, đạo ôn… Song song đó, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, không sử dụng lãng phí lượng giống lúa gieo sạ, lượng giống sử dụng không quá 100kg/ha. Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật (như "1 phải, 5 giảm", công nghệ sinh thái…" trong sản xuất và quản lý sâu bệnh để giảm giá thành. Các địa phương cần củng cố, đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo bảo vệ sản xuất như: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, củng cố hoạt động Ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá các cấp, phân công cán bộ chịu trách nhiệm bám từng địa bàn cụ thể… Ngoài ra, cần tạo thuận lợi cho nông dân liên kết với các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo hiệu quả sản xuất cho người nông dân.
 
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho ngành nông nghiệp trong vụ sản xuất lúa đông xuân 2013-2014 là phải tổ chức tốt việc sản xuất gắn với ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị trên cùng một diện tích và tăng thu nhập cho người lao động. Vì vậy, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phải gắn liền với việc quan tâm sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra của sản phẩm cho nông dân. Các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình "cánh đồng lớn", gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu lúa gạo hàng hóa của nông dân tại các địa phương thông qua "cánh đồng lớn" trên 30.000 ha trong vụ đông xuân 2013-2014. Ông Phạm Văn Quỳnh cũng lưu ý thêm: "Nước lũ năm nay cao, khả năng "lũ chụp" ảnh hưởng đến gieo sạ lúa đông xuân đợt đầu là rất lớn, các địa phương cần kiểm tra gia cố lại đê bao, chủ động phương tiện bơm tát để sẵn sàng đối phó".
 
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương cần rà soát lại nguồn cung lúa giống trên thị trường, kịp thời giới thiệu, hỗ trợ bà con tiếp cận được nguồn giống lúa tốt. Chú trọng khuyến cáo nông dân sản xuất giống chất lượng cao (như: lúa thơm Jasmine), đây là thế mạnh của thành phố cần phải phát huy trong vụ đông xuân. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nông dân cần làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng và làm đất, gia cố bờ bao và tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ. Chính quyền các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp phát triển các mô hình liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ lúa, đảm bảo có một vụ mùa bội thu.

Bình luận Bởi Facebook

Tin Mua Bán - Giao Dịch

Lăng Kính Doanh Nhân

Sự Kiện